Theo dữ liệu của Trading Ecnomics hôm 15/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã bật tăng lên 99,7 USD/thùng, áp sát ngưỡng quan trọng 100 USD/thùng. Trong vòng 24 giờ qua, giá có lúc giảm xuống dưới mốc 95 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu WTI cũng tăng từ mức thấp trong 24 giờ 90,97 USD/thùng lên 96 USD/thùng.
"Thị trường dầu thế giới vừa trải qua một ngày chìm trong nỗi sợ suy thoái, khiến cả giá dầu Brent và dầu WTI đều lao dốc 4 USD/thùng trong một thời điểm bởi đà bán tháo điên cuồng", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore) - nhận định với Zing.
"Tuy nhiên, giá của cả 2 loại hàng hóa đã tăng trở lại sau bình luận của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)", ông giải thích.
Quay đầu tăng
Cụ thể, hôm 14/7, ngay cả những quan chức ủng hộ việc thắt chặt chính sách nhất của FED cũng chỉ ủng hộ một đợt nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7. Trước đó, sau khi lạm phát tháng 6 của Mỹ lập đỉnh 40 năm, giới quan sát đã cho rằng FED có khả năng tăng lãi suất 1 điểm phần trăm.
Khả năng FED quyết liệt hơn trong việc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát đã tác động tiêu cực lên các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.
Giá dầu đang rất nhạy cảm với các chính sách của FED và những tác động mà nó có thể gây ra đối với nhu cầu và đồng USD
Ông Stephen Innes - nhà quản lý tại SPI Asset Management
Rủi ro đó đã được phản ánh trong giá. Do đó, khi các quan chức FED phát đi tín hiệu sẽ không nâng lãi suất mạnh tay hơn tháng 6, giá dầu bật tăng phần nào.
"Giá dầu đang rất nhạy cảm với các chính sách của FED và những tác động mà nó có thể gây ra đối với nhu cầu và đồng USD", ông Stephen Innes - nhà quản lý tại SPI Asset Management - bình luận.
"Khi thị trường phản ứng với khả năng FED nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, thay vì 100 điểm cơ bản như ngày hôm qua, dầu và các thị trường hàng hóa khác đã có thêm không gian thở", ông Innes nhận định.
Theo giới quan sát, lo ngại về việc FED sẽ nâng lãi suất mạnh tay và rủi ro suy thoái kinh tế đã khiến giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng.
Ngày 15/7, giá dầu Brent đã có lúc lấy lại mốc 100 USD/thùng nhưng không duy trì lâu trên ngưỡng này. Giới quan sát cho rằng tâm lý lo ngại của nhà đầu tư vẫn đè nặng lên thị trường.
Vẫn nhiều sức ép
"Tâm lý của nhà đầu tư không được cải thiện nhiều bởi các đợt bùng phát Covid-19 mới ở Trung Quốc. Điều này có thể chặn đà phục hồi nhu cầu", nhóm phân tích của ANZ Research nhận định.
Nhiều thành phố tại Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp chống dịch mới, từ dừng hoạt động của một số cơ sở kinh doanh đến phong tỏa những khu vực ghi nhận ổ dịch mới. Các động thái này nhằm ngăn làn sóng dịch bệnh sau khi biến chủng BA.5.2.1 của Omicron xuất hiện tại Thượng Hải.
Theo dữ liệu hải quan được công bố hôm 13/7, trong tháng 6, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018. Nguyên nhân là các nhà máy lọc dầu sợ rằng nhu cầu sẽ lao dốc vì những đợt phong tỏa.
Trong tháng 6, sản lượng của các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đã giảm gần 10% so với một năm trước đó. Trong khi đó, sản lượng trong 6 tháng đầu năm lao dốc 6%, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên trong ít nhất 11 năm.
"Giá tăng cao cũng làm giảm nhu cầu xăng tại Mỹ", các chuyên gia của ANZ Research nói thêm.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) chỉ ra nhu cầu đã lao dốc xuống còn 18,7 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021. Tồn trữ dầu thô cũng tăng. Một phần nguyên nhân là việc xả kho dự trữ chiến lược.
Ngày 15/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bay đến Saudi Arabia và tham dự hội nghị thượng đỉnh với các đồng minh vùng Vịnh. Tại đây, ông Biden kêu gọi những quốc gia sản xuất tăng sản lượng dầu.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất dư thừa của các nước thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) đang ở mức thấp. Hầu hết quốc gia đều đã đạt ngưỡng sản lượng tối đa. Saudi Arabia và UAE là 2 thành viên hiếm hoi của OPEC có năng lực sản xuất dư thừa lớn.