Trong giai đoạn trước và trong Tết Nguyên đán 2022, các ngân hàng đã liên tục phát đi thông báo tới khách hàng, cảnh báo các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản mà kẻ gian thường xuyên sử dụng.
Đồng thời, các nhà băng cũng ghi nhận hàng loạt hình thức lừa đảo mới được các đối tượng tội phạm sử dụng với cùng mục đích đánh cắp thông tin thẻ thanh toán (ATM), thẻ tín dụng của người dân.
Trong thông báo mới đây, TPBank cho biết một trong những thủ đoạn mới được kẻ gian sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền là mạo danh nhân viên ngân hàng mời rút tiền từ thẻ tín dụng.
Theo đó, đối tượng sẽ gọi điện, nhắn tin mời chào dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo khách hàng.
Sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ, bao gồm số thẻ, mã CVV, ảnh chứng minh nhân dân/căn cước công dân... Thậm chí, kẻ gian còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin. Kẻ gian sao đó yêu cầu khách hàng gửi mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng).Sau giao dịch, có trường hợp khách hàng nhận được tiền chuyển khoản đến nhưng số tiền ít hơn nhiều so với số tiền đã ghi nợ trên thẻ tín dụng trước đó. Thậm chí, có trường hợp, kẻ gian sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch trái phép và chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ.
Bên cạnh hình thức lừa đảo này, TPBank cho biết thời gian gần đây cũng xuất hiện thêm chiêu lừa đảo thông qua việc mời nâng cấp SIM.
Với hình thức lừa đảo này, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh nhân viên nhà mạng, gọi đến thông báo hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM điện thoại từ 4G lên 5G kèm theo nhiều tiện ích, quà tặng, thưởng.
Nếu đồng ý và làm theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ chiếm quyền sử dụng SIM điện thoại của khách hàng.
Trong ít phút sau, đối tượng sẽ thực hiện đổi mật khẩu email cá nhân, liên hệ nhà mạng viễn thông để truy vấn số CMND. Do có quyền kiểm soát cả email và điện thoại, có số CMND, kẻ gian gọi lên tổng đài để cấp lại tài khoản và mật khẩu đăng nhập internet banking, từ đó chiếm đoạt tiền.
Không riêng TPBank, hàng loạt ngân hàng khác như Techcombank, BIDV, Agribank, SHB, VPBank… cũng thường xuyên phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này của kẻ gian.
Ngoài việc mạo danh nhân viên ngân hàng, nhà mạng, các đối tượng phạm tội còn sử dụng hình thức lừa đảo qua mạng xã hội.
Trong đó, kẻ gian sẽ lập một đường link có tên miền gần giống với ban tổ chức một cuộc thi nào đó và đăng lên mạng xã hội kêu gọi bình chọn, hoặc tham gia dự thưởng. Để bình chọn hoặc tham gia chương trình, người dùng phải truy cập vào liên kết được chia sẻ rồi đăng nhập thông tin tài khoản.
Do liên kết có mã độc nên khi đăng nhập thông tin, kẻ gian đã đánh cắp toàn bộ thông tin tài khoản của người dùng. Nhóm đối tượng sau đó mạo danh các chủ tài khoản để nhắn tin, video call để vay mượn, nhờ chuyển tiền từ người thân, bạn bè trong danh bạ mạng xã hội của chủ tài khoản.
Về các hành vi lừa đảo kể trên, các nhà băng đều khẳng định không cung cấp dịch vụ mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, không hợp tác với bất kỳ tổ chức tài chính, tín dụng nào chuyển đổi hạn mức tín dụng sang rút tiền mặt trả góp.
Các nhà băng cũng cho biết không yêu cầu khách hàng cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến mật khẩu, tài khoản, mã OTP. Trong đó, mọi đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP đều là lừa đảo.