Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, ĐBSCL có khoảng 17,3 triệu người. Giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ tăng dân số toàn vùng 0%, so với tỷ lệ cả nước 1,14%. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, thông tin: Hai năm qua dân số cả vùng giảm 0,3%. So với các vùng khác trên cả nước, vùng ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất và là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số 0,0%. Hiện nay, tình trạng thiếu nhân công ở vùng ĐBSCL trong ngành Nông nghiệp trầm trọng. Đơn cử, ở Trường Đại học Cần Thơ cần thuê một nông dân hỗ trợ cho các nghiên cứu, một ngày công trả 350.000-400.000 đồng nhưng không tìm được người làm. Tại ĐBSCL, nguồn lao động trong các nhà máy rất thiếu - điều này cản trở thu hút các nhà đầu tư lớn đến ĐBSCL.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam nhìn nhận: ĐBSCL vừa là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước. Nhưng hiện nay, ĐBSCL lại là khu vực chịu thiệt thòi nhiều nhất về sự đầu tư lẫn nguồn nhân lực. Trong số hơn 17 triệu người ở ĐBSCL, tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao ở trình độ đại học, cao đẳng, sau đại học là rất thấp. Thậm chí thấp hơn vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Do vậy, việc công nghiệp hóa ở các địa phương vùng ĐBSCL thời gian tới sẽ rất khó khăn, chưa kể làn sóng di cư của ĐBSCL ra các khu vực khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong 20 năm trở lại đây ĐBSCL cũng có nhiều thành quả. Đứng về mặt đào tạo, 13 tỉnh, thành trong khu vực đều có trường đại học hoặc phân hiệu các trường đại học; đặc biệt như Cần Thơ có đến 7 trường, chưa kể các viện nghiên cứu cũng khá nhiều. Tuy nhiên, thực trạng là vẫn manh mún, giẫm chân nhau và kể cả việc nhân lực đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phân tích: Người dân ĐBSCL rất năng động và sáng tạo. Mặt bằng chung trình độ học vấn của bà con có thể không cao, nhưng thấy cái mới là nhảy vào làm và học được liền. Tuy nhiên, với yêu cầu hội nhập và đổi mới công nghệ hiện nay, mặt bằng trình độ học vấn thấp là một vấn đề thực sự của đồng bằng.
Kinh tế dẫn dắt nguồn nhân lực
Theo ý kiến của các chuyên gia, để giải bài toán nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL cần có chiến lược đào tạo, kết nối vùng và hơn hết là kinh tế dẫn dắt.
Qua các nghiên cứu thực tế, PGS.TS Phan Thanh Bình đặt ra ba vấn đề: Thứ nhất, đó là chiến lược, quy hoạch và quản trị vùng. Chính sách nguồn nhân lực phải là chiến lược cho cả vùng. Vấn đề quy hoạch vùng và quản trị vùng phải bài bản từ ngay chỗ này. Thứ hai, về giáo dục ở đồng bằng, không thể dạy học ở ĐBSCL như dạy học ở TP Hồ Chí Minh; đào tạo phải gắn với yêu cầu phát triển của địa phương. Đào tạo chuyên gia từ ĐBSCL, cần những người sống tại chỗ, bám sát thực tiễn của đồng bằng. Thứ ba, vai trò trung tâm kinh tế dẫn dắt cho đồng bằng. TP Hồ Chí Minh hiện là nơi sử dụng nhiều nhất nhân lực, vật lực của đồng bằng, vì thế phải có trách nhiệm với đồng bằng. Qua đó, có chiến lược rõ ràng: chuyển giao kiến thức, chuyển giao chuyên gia... PGS.TS Phan Thanh Bình nhấn mạnh: “Bài toán nguồn nhân lực cho đồng bằng phải để kinh tế dẫn dắt. Nhân lực đào tạo ra thì phải đáp ứng được nhu cầu về lương bổng, thu nhập về điều kiện sống của họ”...
Đồng tình với quan điểm trên, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải xác định rõ là định vị cả 13 tỉnh, thành là một. Từ đó kết nối chung, phục vụ nguồn nhân lực đầu vào, đầu ra phải phục vụ cho các doanh nghiệp trong cả vùng. Về nguồn nhân lực chỉ có ba chiến lược cơ bản: thứ nhất là thu hút nhân tài, săn đầu người; thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực và thứ ba là mượn chuyên gia từ các địa phương hoặc nước khác. Về thu hút nhân tài, tôi sẵn sàng ngồi với lãnh đạo 13 tỉnh, thành để bàn về chiến lược này!”. Với kinh nghiệm thực tiễn về nhân lực, theo bà Tiêu Yến Trinh đề xuất sáng kiến là 13 tỉnh, thành ĐBSCL có thể tìm chọn ra các doanh nghiệp trọng điểm, với quy mô chẳng hạn từ 1.000 tỉ đồng trở lên. Sau khi tìm ra được khoảng 500 doanh nghiệp như thế, ĐBSCL sẽ ngồi lại với doanh nghiệp, xem nhu cầu nhân lực ra sao, tầm nhìn chiến lược tương lai thế nào. Từ đó phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ giải bài toán nhân lực, mà có thể còn hỗ trợ về cả quản trị, công nghệ để nâng tầm doanh nghiệp. Đây sẽ là những đầu kéo, là những cây gốc lớn đưa cả hệ sinh thái kinh tế cả vùng đi lên.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty Vinamit, ĐBSCL cần theo hướng mới, đó là công nghệ sinh học. Đồng thời, tạo tinh thần đổi mới từ đội ngũ kỹ sư, nông học mới. Nếu chúng ta định hướng rõ như vậy thì các sinh viên sẽ đi theo và chúng ta có thể đạt những tiêu chuẩn mang tính bền vững cao hơn, không sợ không có thị trường. “Chúng ta nên đào tạo nguồn nhân lực từ bây giờ theo định hướng rõ ràng như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ có một tương lai khác”, ông Nguyễn Lâm Viên nhấn mạnh.
Định vị để phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL, trước hết cần có quan điểm rõ ràng. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Kỹ năng sản xuất, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi của người dân ĐBSCL rất tốt. Nhưng hiện nay ngành Nông nghiệp có ba biến, đó là: biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng. Vì vậy, chiến lược đào tạo nhân lực cho vùng cần phải có thay đổi để phù hợp với xu hướng mới này...
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.