Thứ năm, 09/05/2024

Giấy đi đường "hành" doanh nghiệp “3 tại chỗ”

26/08/2021 2:26 PM (GMT+7)

Do không được cấp giấy đi đường theo mẫu mới, nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” tại TP.HCM không thể qua trạm kiểm soát, khi lưu thông, nên không thể giao nhận hàng hóa, không mua được nguyên vật liệu sản xuất.

Đã 3 ngày, kể từ khi thành phố có quyết định siết giãn cách (từ ngày 23/8), nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" vẫn  đang gặp khó vì giấy đi đường.

Giấy đi đường "hành" doanh nghiệp

Trao đổi với Dân Việt, ông Mai Đức Hòa - đại diện Công ty TNHH may mặc Dony cho biết, giấy đi đường đang "hành" doanh nghiệp quá vì không thể chuyển hàng, không mua nguyên vật liệu được và vẫn chưa biết xử lý ra sao.

"Hiện, doanh nghiệp đang có 80 lao động sản xuất theo "3 tại chỗ", chuyên sản xuất phục vụ xuất khẩu là nhiều nên trong bối cảnh hiện nay, đối tác trong nước thì họ thông cảm nhưng đối tác nước ngoài thì chỉ cần chậm trễ là phải đền hợp đồng dữ lắm", ông Hòa nói.

Giấy đi đường "hành" doanh nghiệp “3 tại chỗ” - Ảnh 1.

Xe tải vận chuyển hàng hóa qua trạm kiểm soát những ngày qua phải có "giấy đi đường" - Ảnh: Quốc Hải

Cũng gặp khó khăn vì giấy đi đường, bà Lý Thanh Phong - Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết: Công ty đang vô cùng khó khăn khi không thể mua nguyên vật liệu, không thể giao hàng vì chưa được cấp giấy đi đường.

Theo bà Phong, khi thành phố quyết định siết chặt các biện pháp giãn cách trong 2 tuần để phòng chống dịch Covid-19 bằng cách hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết. Do không có chính sách rõ ràng cho thủ tục vận chuyển của các DN và dịch vụ vận chuyển, nên các công ty "3 tại chỗ" cứ đinh ninh vẫn có thể thu mua và giao nhận hàng hóa để phục vụ cho việc sản xuất.

Tuy nhiên, từ ngày 23/8, các nhà cung cấp đều không thể giao hàng được vì bị chặn ở các chốt. Và, lực lượng chức năng yêu cầu các giấy tờ phải được cấp từ Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, các chứng từ của doanh nghiệp dùng thời gian qua không còn hiệu lực. Ngay cả gọi xe dịch vụ cũng bị từ chối vì khó khăn về giấy đi đường…

"Tôi cho rằng nếu đã chấp nhận cho công ty hoạt động "3 tại chỗ" thì phải có giấy phép cho chúng tôi được vận chuyển thuận tiện. Công ty hoạt động nhưng không cho đi mua nguyên vật liệu, không được giao hàng thì hoạt động thế nào?" - bà Phong bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Phi, Giám đốc Công ty CP Vận tải và Xây dựng Sài Gòn Phi Long, cho biết: Từ đầu mùa dịch đến nay, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa (rau, củ…) từ các tỉnh miền Tây (Tiền Giang, Long An) lên TP.HCM cung ứng cho người dân khá thông suốt, nhưng 3 ngày nay doanh nghiệp không thể nào vận chuyển vào TP.HCM được do không có "giấy đi đường".

"Chúng tôi tuân thủ các quy định về phòng dịch, nhưng bây giờ lại tắc hàng hóa vì giấy đi đường. Chỉ mong sớm được tháo gỡ để chúng tôi cung ứng hàng hóa, rau củ cho bà con", ông Phi nói.

Chờ gỡ khó

Liên quan đến giấy đi đường, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, đơn vị này chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các DN chuyên cung cấp dịch vụ nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp).

Giấy đi đường "hành" doanh nghiệp “3 tại chỗ” - Ảnh 3.

Xe tải vận chuyển hàng hóa qua trạm kiểm soát những ngày qua phải có "giấy đi đường" - Ảnh: Quốc Hải

Theo Sở Công thương TP, hiện các DN sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa vừa trực tiếp xuất nhập khẩu cần có giấy đi đường cho một số nhân viên thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như: nhân viên giao nhận hợp đồng ký kết, nhân viên sửa chữa bảo trì máy móc, thiết bị, nhân viên thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); tài liệu, chứng từ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu; chứng từ tài chính (L/ C); chứng từ vận tải (booking tàu. . .); chứng từ hải quan. Đây là các đối tượng thuộc nhóm "nhân viên các ngành phục vụ sản xuất".

Do đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", Sở Công Thương đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xem xét cấp giấy đi đường cho người lao động các doanh nghiệp sản xuất. Kể cả doanh nghiệp thương mại cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn.

Theo ghi nhận, quy định thay đổi quá nhanh khiến không chỉ các DN mà đội ngũ shipper, nhân viên siêu thị… cũng gặp khó trong 3 ngày đầu thực hiện siết chặt giãn cách. Một số nhân viên ngành thiết yếu lo tình trạng không thể đến nơi làm việc có thể làm đứt gãy hoạt động rất nhiều lĩnh vực.

Còn theo Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM (HBA), theo Công văn 2850 mới được UBND TP.HCM ban hành tối 23/8, "các phương tiện vận tài hàng hóa đã được Sở Giao thông vận tải cấp mã QR, không tiến hành kiểm tra thẻ ra đường". Thế nhưng, trong những ngày qua, tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa đều bị các chốt kiểm soát hỏi "thẻ đi đường", nếu không có đều phải quay đầu nên các DN rất khó khăn, nhất là các DN "3 tại chỗ".

Vì vậy, HBA kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và UBND TP.HCM giao Hepza và SHTP được cấp giấy phép đi đường cho nhân viên giao hàng cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn công nghiệp, và nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa của các DN sản xuất.

Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM (HBA) cũng cho biết, căn cứ các nội dung tại văn bản quy định thay đổi và điều chỉnh liên tiếp trong 3 ngày khiến gần 700 nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động theo quy định "3 tại chỗ", "1 điểm đến - 2 cung đường" của 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và Khu công nghệ cao đang gặp nhiều vướng mắc ách tắc liên quan vận chuyển, đi lại...

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đường sắt Việt Nam thiệt hại hơn 50 tỷ vì sập hầm Bãi Gió

Đường sắt Việt Nam thiệt hại hơn 50 tỷ vì sập hầm Bãi Gió

Sự cố sập hầm đường sắt Bãi Gió khiến nhiều hành khách và chủ hàng đã thay đổi phương tiện đường sắt bằng phương tiện khác dẫn đến doanh thu vận tải sau khi sự cố được khắc phục bị giảm, lãnh đạo TCT Đường sắt Việt Nam cho biết.

Chi tiết hoạt động, sự kiện Lễ hội Sông nước TP.HCM năm 2024

Chi tiết hoạt động, sự kiện Lễ hội Sông nước TP.HCM năm 2024

Lễ hội Sông nước TP.HCM năm 2024 là chuỗi hoạt động du lịch - văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao - ẩm thực - mua sắm...

Van Phuc City - bán đảo sở hữu hai bến du thuyền hiện đại, đẳng cấp

Van Phuc City - bán đảo sở hữu hai bến du thuyền hiện đại, đẳng cấp

Sau thời gian khởi công và triển khai xây dựng, tại bán đảo Van Phuc City đã tổ chức thành công buổi lễ khai trương bến du thuyền Marina Royal dưới sự quản lý và vận hành của Vietyacht – Nhà phân phối độc quyền các sản phẩm du thuyền hàng đầu Việt Nam vào chiều ngày 04/05/2024 vừa qua.

Hội thảo về ETS: Sử dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam

Hội thảo về ETS: Sử dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam

Chương trình đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) là một phần trong hoạt động hỗ trợ của Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhằm thúc đẩy triển khai thị trường carbon tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Biến đổi khí hậu (Cục BĐKH), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).

TP.HCM tăng cường khoa học, ứng dụng thông tin trong quản lý quy hoạch đô thị

TP.HCM tăng cường khoa học, ứng dụng thông tin trong quản lý quy hoạch đô thị

Thời gian qua, TP.HCM đang đẩy mạnh việc quản lý quy hoạch đô thị triển khai theo hướng đổi mới, chú trọng đánh giá dữ liệu, tăng tính khoa học, đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở pháp lý.

Tăng tốc hoàn thành hạng mục quan trọng dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Tăng tốc hoàn thành hạng mục quan trọng dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cùng các đơn vị nhà thầu đã đặt mục tiêu hoàn thành thi công hạng mục kết cấu thép mái nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 2/9/2024.