Ngày 8-1, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận trong năm 2021, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 với biến thể Delta đã tác động nghiêm trọng đến tất cả lĩnh vực của thành phố.
Việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chủ đề năm diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, thách thức và chưa từng có tiền lệ. Cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực xã hội đều được huy động vào nhiệm vụ ưu tiên công tác phòng chống dịch, chăm lo cho sức khỏe và sinh mạng của người dân.
Phần lớn các hoạt động kinh tế đều phải tạm dừng; nhịp sống đô thị hầu như bị ngưng đọng…
Dù khó khăn nhưng vẫn có điểm sáng
Trong bối cảnh đó, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước, sự chung sức đồng lòng của nhân dân, TP HCM vẫn đạt được nhiều điểm sáng.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị
Trong đó, TP HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tập trung nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố đã chi trên 12.000 tỉ đồng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỉ đồng, đạt 104,5% dự toán năm 2021. Hoạt động tín dụng - ngân hàng tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 7,23 tỉ USD, tăng 38,48% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ (năm 2020 đạt 5,22 tỉ USD). Lượng kiều hối về TP HCM ước đạt 6,6 tỉ USD, tăng gần 9% so với năm trước.
TP HCM giải quyết việc làm cho 300.437 lượt người, đạt 100,1% kế hoạch năm 2021; tạo ra 140.000 chỗ việc làm mới, đạt 100% kế hoạch năm 2021.
Quyết tâm tăng trưởng GRDP
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".
TP HCM đặt ra 19 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6% - 6,5%, duy trì tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động…
Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND TP HCM sáng 8-1
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2022 sẽ có nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp ở các quốc gia trên thế giới với các biến chủng mới, nhất là biến chủng Omicron đã xuất hiện tại thành phố;
"Để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 có thể đạt được mức tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế thành phố" - ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cũng cho biết với việc đặt chỉ tiêu GRDP tăng trưởng từ 6% - 6,5% đã thể hiện quyết tâm cao của thành phố, của lãnh đạo thành phố, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022 trên cơ sở những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị; cùng với những giải pháp đã triển khai trong năm 2021 sẽ phát huy tác dụng trong năm 2022 và cả giai đoạn 2022 - 2025.
Việc này đòi hỏi TP HCM phải giữ vững thành quả chống dịch, phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố trong năm 2022.
"Do đó, an toàn phòng chống dịch là điều kiện cần để TP HCM phục hồi và phát triển" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Về điều kiện đủ, theo Chủ tịch UBND TP HCM, là nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở. Mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là ở các lĩnh vực: doanh nghiệp tư nhân, xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, thuế.
Song song với đó là thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cấp chính quyền...
3 vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thực tiễn cho thấy thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hệ quả về kinh tế - xã hội, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn mà TP HCM cần đặc biệt quan tâm.
Một là, vấn đề quản trị thành phố trong tình hình mới; nhất là sự bất cập về cơ cấu kinh tế - cơ cấu lao động - phân bố dân cư - nhà ở - việc làm - hệ thống đảm bảo an sinh - xã hội và môi trường sống… Hai là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành đồng bộ công tác quản trị thành phố. Ba là, từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng hành phố trong tương lai.
"Đây là những vấn đề lớn, đòi hỏi TP HCM phải có những giải pháp mang tính đột phá, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, phù hợp cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương mới có thể từng bước khắc phục được" – Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận.
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.