7 năm trước, trở về nước sau khi kết thúc một chương trình trao đổi giáo dục tại Mỹ, TS Đinh Thị Thanh Vân, Quyền trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thành lập một nhóm nghiên cứu và đào tạo lấy tên là Mạng lưới Tài chính cá nhân Việt Nam. Nhóm nghiên cứu bao gồm những nhà giáo dục, nhà hoạch định thực tiễn trong và ngoài nước cùng chung mối quan tâm về giáo dục tài chính cá nhân ở Việt Nam. Hoạt động chính của nhóm là nghiên cứu, kết nối và tổ chức giáo dục tài chính cho sinh viên, học sinh và các nhóm đối tượng yếu thế tại Việt Nam.
“Các cơ sở đào tạo đã giảng dạy nhiều về tài chính doanh nghiệp, tài chính công nhưng lại chưa chú trọng tới việc giáo dục về tài chính cá nhân, tài chính hộ gia đình cho học sinh, sinh viên. Trên thực tế, nếu tài chính của cá nhân mình, gia đình mình mà không quản lý tốt thì cũng khó quản lý tốt tài chính của doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước. Tiền bạc là vấn đề cá nhân và nhạy cảm, hầu hết chúng ta thường tự học từ việc quan sát người xung quanh, từ kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn của bản thân. Việc không được đào tạo giáo dục tài chính từ nhỏ là thiệt thòi cho học sinh và sinh viên”, TS Vân giải thích về quyết định theo đuổi lĩnh vực tài chính cá nhân của mình.
Kinh nghiệm xứ người
Diễn đàn Kinh tế thế giới từ 2015 đã chỉ ra bên cạnh các kĩ năng cần thiết về đọc, viết, khoa học, công nghệ… thì kiến thức và kĩ năng quản lý tài chính cá nhân là điều vô cùng quan trọng để tồn tại trong xã hội ngày nay. Kỹ năng này cần được đào tạo từ rất sớm và phải không ngừng được rèn luyện suốt đời. Ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Singapore, New Zealand… các chương trình giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên rất được coi trọng.
Đơn cử tại Mỹ, nơi TS Vân đang tham gia giảng dạy các chương trình giáo dục kinh tế và tài chính tại một số trường đại học, cao đẳng cộng đồng, trung học theo chương trình trao đổi giáo dục của chính phủ Mỹ, có rất nhiều học sinh phổ thông trung học tham gia các lớp học về tài chính cá nhân, quản lý tiền ở bậc đại học. Người Mỹ đặc biệt coi trọng giáo dục tài chính trong nhà trường.
“Khoảng 25 bang của nước Mỹ yêu cầu học sinh phổ thông bắt buộc phải học lớp Quản lý tài chính cá nhân trước khi tốt nghiệp trung học. Theo một khảo sát gần đây, 80% người Mỹ cho rằng học sinh trung học cần phải được học tài chính cá nhân. Quỹ Charles Schwab là một quỹ đầu tư lớn ở Mỹ đã tài trợ và có kế hoạch tài trợ cho học sinh tại toàn bộ trường học trung học cơ sở, phổ thông trung học của nước này sẽ được học tài chính cá nhân miễn phí vào năm 2025”, TS Vân cho biết.
Tại Mỹ, các trường thường cung cấp các khoá học với tên gọi là “Money Management”, “Personal Finance” hoặc “Financial Planning” cho học sinh, sinh viên. Ví dụ, khoá học “Money Management” (quản lý tiền bạc) cung cấp các kiến thức rất cơ bản và thực tiễn cho sinh viên và học sinh về quản lý chi tiêu, lập kế hoạch ngân sách, tiết kiệm, thu nhập, thẻ tín dụng, thuế thu nhập cá nhân, tham gia đầu tư, hiểu về quyền lợi người tiêu dùng tài chính và quản lý các vấn đề thanh khoản cá nhân. Khoá học “Personal Finance” (tài chính cá nhân) hay “Financial Planning” (lập kế hoạch tài chính) thì toàn diện hơn, cung cấp các vấn đề hoạch định tài chính cơ bản của cá nhân trong cả cuộc đời.
TS Vân cho biết, một số trường đại học ở Mỹ có cả chương trình cử nhân, thạc sĩ và cả tiến sĩ về “Financial Planning”. Bên cạnh đó, những sinh viên tốt nghiệp chương trình “Financial Planning” có thể thi để lấy các chứng chỉ nghề nghiệp Hoạch định tài chính cá nhân (Certified Financial Planning) để hành nghề tư vấn tài chính cá nhân tại Mỹ. Nhiều trường đại học ở Mỹ cũng thành lập các Trung tâm giáo dục tài chính riêng, để sinh viên các ngành học hoặc sau khi tốt nghiệp vẫn có thể quay lại để học tập kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Hành trình tại Việt Nam
Nhìn lại Việt Nam, TS Vân cho rằng học sinh, sinh viên Việt Nam rất thông minh, nhiều người đã nhận thức được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân và bắt đầu từ rất sớm. Tuy nhiên, việc giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông và sinh viên vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh. Sớm hơn cả, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa kiến thức lĩnh vực này vào giảng đường và trở thành đơn vị nổi bật trong hoạt động về tài chính cá nhân. Hàng năm, trường tổ chức các cuộc thi về tài chính cá nhân cho sinh viên toàn quốc. Trường cũng là cơ sở đào tạo đầu tiên trong cả nước có Câu lạc bộ Tài chính cá nhân. Sinh viên của câu lạc bộ này được tham gia sinh hoạt, hội thảo, tư vấn và phát sách giáo dục tài chính miễn phí. Môn học Tài chính cá nhân cũng được đưa vào khung chương trình đào tạo và đã được triển khai đều đặn trong các năm qua.
“Hầu hết sinh viên sau khi học và tham gia cuộc thi của chúng tôi thừa nhận họ có sự thay đổi rõ nét trong việc quản lý tài chính cá nhân”, TS Vân cho biết.
Cũng theo TS Vân, hiện nay các nhà quản lý giáo dục Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm đến giáo dục tài chính cho học sinh và sinh viên hơn. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hay phổ cập tài chính đầu năm 2020, trong đó giáo dục tài chính là một trụ cột quan trọng, các trường đại học bắt đầu quan tâm tới vấn đề giáo dục tài chính. Điều đó cho thấy nhận thức và hành động đẩy mạnh giáo dục tài chính đang được cải thiện đáng kể.
Chia sẻ về những dự định tương lai, TS Vân cho biết, sau khi kết thúc chương trình trao đổi giảng dạy tại Mỹ, bà sẽ trở về nước để tiếp tục theo đuổi mục tiêu đẩy mạnh hiểu biết tài chính tại Việt Nam và thực hiện các chương trình giáo dục tài chính cho nhiều đối tượng như học sinh phổ thông, sinh viên, phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số.
Đưa ra lời khuyên với người trẻ Việt Nam, TS Vân nhấn mạnh: đừng bao giờ chậm trễ trong việc tìm hiểu và học về tài chính cá nhân, vì điều đó sẽ quyết định đến tương lai tài chính của bạn.
“Bạn còn trẻ, bạn có một thế mạnh rất lớn mà nhiều người giỏi về quản lý tài chính cũng chưa chắc đã có đó là thời gian, để biến các mục tiêu tài chính của mình thành hiện thực. Càng chậm trễ thì bạn sẽ càng nuối tiếc sau này. Tương lai của bạn do bạn quyết định và bạn muốn có một tương lai như thế nào?” TS Vân nói thêm.
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.
Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.
Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ
Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?
Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?