Dự kiến tháng 5 tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra toàn diện mạng xã hội TikTok tại Việt Nam. Dư luận rất ủng hộ kế hoạch này, bởi TikTok có gần 50 triệu người dùng cùng vô vàn nội dung xấu, độc, phản cảm mà gần như chưa có biện pháp nào kiểm soát.
Tuy nhiên, đi kèm cơ hội “quét” sạch “rác” mạng cũng là thách thức lớn trong việc ngăn chặn nội dung xấu, độc quay trở lại với nhiều hình thức khác nhau.
Giờ tan học tại cổng một trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một số học sinh chụm đầu vào điện thoại để chơi games, lướt Facebook, và đặc biệt là lướt TikTok. Nội dung video có đủ thể loại, từ nhảy nhót, thách đố, đến tình anh em “giang hồ”, tục tĩu…
"Các bạn cháu xem TikTok ngày càng phổ biến".
"Cháu thấy nhiều video nhạy cảm, các chị nhảy rồi có hành động phản cảm ý ạ".
Không chỉ học sinh, giới trẻ, TikTok còn thu hút sự quan tâm của nhiều nhóm đối tượng khác nhau do lượng lớn video từ tất cả lĩnh vực đời sống được đăng tải liên tục, tạo tương tác để lên phần gợi ý.
Đáng báo động hơn, có cả những video vi phạm pháp luật, từ truyền bá mê tín dị đoan, quảng cáo cờ bạc online, đến hình ảnh khiêu dâm, lan truyền tin giả, thông tin chính trị sai sự thật,… khiến nhiều người cảm thấy lo lắng.
"Nó rất là phổ biến, đi đâu thấy ai cũng dùng cả. Thỉnh thoảng anh vẫn phải kiểm tra điện thoại của con xem có những nội dung gì, yêu cầu con chặn ngay nội dung xấu nhưng không bao giờ chặn hết được, anh không biết làm thế nào bây giờ cả".
"TikTok thì anh thấy thời gian đầu nó ổn, nhưng gần đây không còn ổn nữa. Những hình ảnh nhạy cảm, những nội dung không được lành mạnh,… cơ quan ban, ngành phải vào cuộc để nó phù hợp với văn hóa Việt Nam".
Trước thực trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên kế hoạch kiểm tra toàn diện TikTok nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Nếu phát hiện sai phạm thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý nghiêm, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để.
Các chuyên gia đều ủng hộ kế hoạch này của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam bày tỏ, việc kiểm tra, xử lý không chỉ thực hiện theo từng đợt mà cần được thực hiện thường xuyên: "Trước hết nên có những tiêu chí khoa học để đánh giá xem nội dung như thế nào là xấu, hại. Thứ hai là sự tham gia của cộng đồng để cùng quét “rác”. Vấn đề quản lý người dùng như thế nào, phối hợp giữa nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan hữu quan để khi cần có thể xử lý.
Những nhà cung cấp dịch vụ có giải pháp công nghệ là đương nhiên, nhưng chúng ta cũng cần có những công nghệ độc lập để chủ động phát hiện ra vấn đề, không chỉ với TikTok mà tất cả môi trường online nào có lượng tương tác lớn".
Việc kiểm tra toàn diện TikTok là cơ hội “quét” sạch “rác” mạng nhưng cũng là thách thức lớn khi các nội dung xấu, độc có thể quay trở lại với nhiều hình thức khác nhau.
Chuyên gia an ninh mạng, TS. Đoàn Trung Sơn phân tích, việc chấp nhận mạng xã hội đồng nghĩa sẽ có thông tin tiêu cực, xấu, độc tồn tại, đây là quy luật tất yếu bởi mỗi người đều có quyền bộc lộ quan điểm cá nhân. Do vậy, trên phương diện quản lý nhà nước, cần kiểm soát chặt chẽ các nhà cung cấp dịch vụ
"Trước hết cần hoàn thiện Luật An ninh mạng, cũng như hoàn thiện Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Sớm đưa vào cuộc sống Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân, hình phạt thích đáng cho các cá nhân, tổ chức đưa các thông tin xấu, độc lên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có TikTok.
Cơ quan chức năng cần làm tốt công tác cung cấp thông tin, tăng cường nhận thức người dân về các rủi ro trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát các thông tin trên đường truyền mạng", TS. Đoàn Trung Sơn nói.
Đồng tình với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng: "Khó khăn lớn nhất là chúng ta đang sử dụng luật trong môi trường truyền thống cho môi trường công nghệ cao, một số quy định pháp luật đang phải chạy theo sự phát triển, thay đổi rất nhanh của công nghệ.
Ở đây đang thiếu một cơ chế phối hợp, nhất là kiểm tra, xử lý kịp thời, công khai, minh bạch tất cả hành vi. Hiện tại, chúng ta vẫn đang ứng phó và giải quyết câu chuyện này mang tính hành chính nhiều hơn các quy định pháp luật mang tính chế tài cao".
Sau hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các ban, ngành liên quan cũng rất cần được xây dựng. PGS. TS. Trần Thành Nam, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Tôi thấy bây giờ chúng ta cứ hậu kiểm thì không thể nào bảo vệ cộng đồng. Những nội dung khi dư luận lên tiếng thì mới xóa tài khoản, gỡ xuống, bao nhiêu ngàn người xem rồi, rất nhiều người đã sao lưu vào máy của họ rồi. Chúng ta cần có một chế độ tiền kiểm chứ không thể cứ hậu kiểm, mà tiền kiểm phải chặt chẽ hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm trang bị bộ kỹ năng số cho các em từ sớm. Bộ Công an phải phát hiện, xử lý tất cả hành vi nguy cơ, những trào lưu phản cảm, xấu, độc, ảnh hưởng đến giới trẻ. Bộ Thông tin và Truyền thông thì phát triển các sản phẩm công nghệ, điều phối tất cả hoạt động này".
Việc kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam đang được hầu hết người dân ủng hộ bởi sự phát triển quá “nóng” của mạng xã hội này, đi kèm nhiều nội dung xấu, độc, phản cảm.
Tuy nhiên, để làm “sạch” không gian mạng, một hoặc một vài đợt tổng kiểm tra là chưa đủ, bởi thế giới ảo cũng như thế giới thực, rác sẽ luôn phát sinh và cần được quét dọn thường xuyên.