Thứ tư, 24/04/2024

Lấy doanh nghiệp nuôi biển làm trung tâm phát triển

09/05/2022 12:37 PM (GMT+7)

Nuôi biển theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu của Việt Nam, mục tiêu đến năm 2045, giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nuôi biển đạt 4 tỷ USD.

 Để hiện thực hóa điều này, có rất nhiều vấn đề đặt ra cho các địa phương, từ quy hoạch, lựa chọn công nghệ, tạo nguồn giống tốt, hệ sinh thái nuôi... Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Lấy doanh nghiệp nuôi biển làm trung tâm phát triển - Ảnh 1.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng. Ảnh: Hải Luận

“Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Nhưng khi triển khai trong thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ. Doanh nghiệp muốn phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp gắn với du lịch, một số quan chức địa phương lại “chỉ ra” Luật Thủy sản không có quy định nuôi thủy sản kết hợp du lịch, Luật Du lịch cũng không quy định làm du lịch kết hợp nuôi thủy sản. Họ đang gác lại những dự án phát triển tích hợp đa ngành của doanh nghiệp. Luật chưa quy định, chứ không phải cấm làm. Thực tiễn bao giờ cũng đi trước luật, các nước đã phát triển nuôi biển gắn với du lịch hàng chục năm nay rồi, thu rất nhiều lợi nhuận” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết.

Hãy đến học hỏi cái nôi đổi mới công nghệ

- Cụm từ “Nuôi biển theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao” đã được truyền thông nói khá nhiều. Người Việt vốn ít, khi nghe tốn nhiều tiền đầu tư, sẽ khó chuyển đổi từ bè làm bằng gỗ, bằng tre sang nuôi công nghiệp, có đúng không, thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ?

- Ông bà mình có câu “liệu cơm gắp mắm”, việc đầu tiên và cũng trong tầm tay của đại bộ phận bà con làm nghề nuôi trồng là chuyển đổi từ bè nuôi trồng thủy sản làm bằng gỗ, tre sang làm bằng lồng nhựa HDPE hay composite. Thị trường đã có sẵn các loại lồng tròn lớn lẫn loại lồng ô nhỏ, phù hợp với khả năng đầu tư mỗi hộ, chịu được gió to, sóng lớn cấp 11 - 12, độ bền đến 50 năm. Họ cũng có thể liên kết lại với nhau thành hợp tác xã để dùng lồng to hơn, diện tích nuôi lớn hơn, mua sắm các loại thiết bị cơ giới, phục vụ nuôi theo phương thức công nghiệp. Như vậy, ngư dân đã bước một chân vào nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Quan điểm của Chính phủ là lấy doanh nghiệp làm trung tâm phát triển nuôi biển bền vững, lấy ứng dụng công nghệ cao làm động lực, lấy tích hợp các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế làm phương thức phát triển đồng bộ nuôi biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp đi tiên phong, chẳng hạn như Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, trong 14 năm qua, đã đầu tư 200 triệu USD, nuôi cá chẽm trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; đã xây dựng chuỗi sản xuất, từ cải thiện chất lượng gen của cá bố mẹ, sinh sản nhân tạo, ương cá giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch chế biến, xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.

Vùng biển Kiên Giang có anh Thái Tổ Trấn, một gia đình nông dân nuôi cá tra ở An Giang, đã đầu tư nhiều tỷ đồng để mua lồng, lưới của Na Uy đưa về nuôi theo quy mô công nghiệp và đang đầu tư cả chuỗi giá trị khép kín từ trại giống đến nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến để xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang bắt tay vào nuôi biển quy mô công nghiệp, tiếp theo là phát triển du lịch kèm theo.

- Thông thường, một chiến lược phát triển mới cần có ngân sách để đầu tư mô hình nghiên cứu, trình diễn, mất rất nhiều thời gian. Chiến lược nuôi biển theo quy mô công nghiệp của nước ta có cần phải đi đường “vòng” không?

- Mô hình nuôi cá biển theo quy mô công nghiệp khá lâu rồi. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có mô hình trình diễn ở vịnh Vân Phong, sản lượng 250 tấn/năm, sau đó chuyển giao cho các địa phương. Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã chuyển giao công nghệ nuôi biển của Na Uy được xem là hiện đại nhất khu vực ASEAN. Mỗi lồng nuôi cỡ lớn đạt sản lượng đến 300 tấn cá mỗi vụ, cho cá ăn bằng hệ thống phun thức ăn viên tự động, có camera ngầm quan sát động thái của cá bắt mồi dưới nước, quản lý việc cho ăn chính xác, bảo đảm vệ sinh môi trường biển, có tàu thu hoạch cá nuôi bằng bơm hút, sơ chế cá ngay trên tàu...

Lấy doanh nghiệp nuôi biển làm trung tâm phát triển - Ảnh 2.

Quan sát cá nuôi dưới biển bằng camera ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Ông Josh Goldman, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam rất cởi mở, đã đón nhiều đoàn trong và ngoài nước đến tham quan và học hỏi, chia sẻ mọi bài học thất bại, khó khăn đã trải qua và các kinh nghiệm thành công cho các doanh nghiệp mới bắt tay nuôi biển. Có thể nói rằng, vịnh Vân Phong là cái nôi đổi mới công nghiệp nuôi biển Việt Nam, Chính phủ ta không cần phải đầu tư cho các viện nghiên cứu tạo lập mô hình nữa.

Công nghệ và vật liệu trong nước đáp ứng yêu cầu nuôi công nghiệp

- Theo ông, vì sao một số công ty nuôi trồng của nước ta thường hay chọn mua công nghệ, vật tư nuôi biển của Na Uy giá thành đắt. Phải chăng ở trong nước chưa sản xuất được?

- Khoảng 15 năm trước, các công ty nước ngoài đưa thiết bị công nghệ nuôi biển, trước hết là lồng tròn HDPE vào nước ta. Nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được ống và cấu kiện HDPE chất lượng cao từ hạt nhựa nhập khẩu làm lồng nuôi biển. Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát đã tự sản xuất và cung cấp giải pháp nuôi biển cho ngư dân và doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Thuận...

Công ty này đang đầu tư trực tiếp nuôi biển quy mô công nghiệp kết hợp du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa. Do đó, tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... người dân, doanh nghiệp nuôi cá nước ngọt ở lòng hồ thủy điện đã sử dụng lồng HDPE. Giá thành thiết bị công nghệ nuôi biển của Công ty Super Trường Phát rẻ hơn nhiều so với mua của nước ngoài. Họ còn liên kết nhiều công ty lại với nhau để tạo ra chuỗi trong nuôi biển bền vững.

- Ông đã từng nói: “Nuôi biển quy mô công nghiệp ở nước ta không sợ đầu ra sản phẩm”. Thực tế, người dân, doanh nghiệp nuôi trồng đang lo làm ra nhiều cá, khó tiêu thụ hết?

- Đất nước ta có gần 100 triệu dân, chỉ cần 1 người ăn 1 con cá chim trong mỗi năm thôi, ngành nuôi biển đã có thể tiêu thụ 100 triệu con cá, với sản lượng ít nhất là 50.000 - 70.000 tấn. Đây là con số hoàn toàn hiện thực được. Vấn đề cần truyền thông và tiếp thị tốt, cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng biết sản phẩm tiện dụng từ cá biển. Trong khi đó, nhu cầu hải sản trên thị trường thế giới ngày càng tăng, đòi hỏi sản lượng hải sản nuôi lớn hơn, do dân số tăng và sản lượng khai thác hải sản tự nhiên ngày càng suy giảm.

Muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới, ngành nuôi biển cần có ít nhất 3 điều kiện: Tạo ra sản lượng hàng hóa đủ lớn so với nhu cầu; sản phẩm phải đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ; được sản xuất, chế biến, phân phối trong những điều kiện đạt các tiêu chuẩn quốc tế và được chứng nhận.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Vì sao tỉ giá chưa hạ nhiệt dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bán USD can thiệp?

Vì sao tỉ giá chưa hạ nhiệt dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bán USD can thiệp?

Giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lập đỉnh mới sau thông tin Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ngoại tệ can thiệp thị trường từ 19-4

Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã

Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã

Giá cà phê nhân đã thiết lập kỷ lục mới khi đạt mức hơn 123.000 đồng/kg. Nguyên liệu tăng giá nhưng qua khảo sát, các sản phẩm chế biến sâu phục vụ khách hàng vẫn “nằm im’.

Ế khách thuê xe tự lái chơi lễ

Ế khách thuê xe tự lái chơi lễ

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày được xem là cơ hội cho các ứng dụng (app) cho thuê xe tự lái "hốt bạc". Song thực tế, đến thời điểm này, số lượng khách đặt thuê xe mới đạt khoảng 20%, thấp hơn mức 50% trong dịp lễ này năm ngoái.

Diễn biến bất ngờ của tỷ giá sau khi Ngân hàng Nhà nước bán USD can thiệp

Diễn biến bất ngờ của tỷ giá sau khi Ngân hàng Nhà nước bán USD can thiệp

Dù Ngân hàng Nhà nước bán USD can thiệp thị trường, giá USD trên thị trường tự do sáng nay (20/4) vẫn tiếp tục tăng, trong khi giá USD ở các ngân hàng cũng duy trì quanh vùng đỉnh.

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường