Gout, mỡ máu, tim mạch, ung thư, nhất là ung thư đại trực tràng… vẫn được biết đến như tác hại của việc ăn quá nhiều thịt đỏ.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Tuấn Thị Mai Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thịt đỏ vẫn là nguồn thực phẩm thông dụng trong bữa ăn của người Việt Nam với sự bổ dưỡng và tiện dụng trong cách tiếp cận, đa dạng về phương pháp chế biến hay cả cảm giác ngon miệng.
Thực trạng tiêu thụ thịt đỏ
Theo kết quả các cuộc tổng điều tra về dinh dưỡng tại Việt Nam, mức tiêu thụ thịt nói chung và thịt đỏ nói riêng có sự gia tăng mạnh trong một vài thập kỷ gần đây.
Cụ thể, mức tiêu thụ thịt (các loại) bình quân một người/ngày tại Việt Nam là 51 g/ngày (thời điểm năm 2000) và 84 g/ngày (năm 2010). Tới năm 2020, mức tiêu thụ thịt của người Việt đạt 134,5 g/ngày.
Người dân khu vực thành thị có mức tiêu thụ thịt cao hơn khu vực nông thôn. Mức tiêu thụ thịt đỏ bình quân đầu người là 95,5 g/người/ngày (năm 2020). Trong đó, ở khu vực thành thị, con số này là 116,9 g/ngày.
“Về mặt lý thuyết, mức tiêu thụ này của người dân thành thị đã cao hơn so với nhu cầu khuyến nghị về mức tiêu thụ thịt đỏ”, TS Phương nhận định.
Định nghĩa và giá trị dinh dưỡng
Theo định nghĩa của Hội Phòng, chống Ung thư Quốc tế và Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ, thịt đỏ là thịt của các loài động vật có vú.
Nguồn gốc của tên gọi thịt đỏ là chúng chứa nhiều myoglobin - một loại protein giúp liên kết các nguyên tố sắt và vận chuyển oxy trong máu. Ngoài ra, thịt đỏ sẽ có màu đỏ khi tươi sống. Khi chế biến, thịt sẽ chuyển màu nâu.
TS Phương nói: “Hiểu đơn giản hơn, thịt đỏ là thịt của các loại gia súc, có màu đỏ khi tươi sống. Trong bữa ăn của chúng ta, các loại thịt đỏ được sử dụng nhiều thường là thịt lợn, thịt bò, thịt bê, thịt dê, thịt cừu, thịt thỏ…”.
Liên quan giá trị dinh dưỡng, vị chuyên gia khẳng định thịt đỏ là nguồn cung cấp protein động vật quan trọng.
Trong 100 g thịt lợn nạc có 19 g protein. Trong 100 g thịt bò cũng chứa tới 21 g protein - đáp ứng xấp xỉ 30% nhu cầu protein trong ngày của một người trưởng thành.
“Bên cạnh đó, thịt đỏ rất giàu các loại vi khoáng chất như sắt, kẽm, vitamin B12”, TS Phương cho hay.
Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, 100 g thịt bò thăn nạc cung cấp 1,6 g sắt và 4,05 g kẽm, khoảng 1 mcg B12. Trong 100 g thịt lợn cũng có khoảng 1 g sắt, 2,5 g kẽm, 0,84 mcg B12. Hàm lượng này khá cao so với các thực phẩm khác.
Những nguy cơ do tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ
Theo TS Phương, mức tiêu thụ cân đối và hợp lý các loại thực phẩm nói chung và thịt đỏ nói riêng là chìa khóa để duy trì cũng như nâng cao sức khỏe.
Vị chuyên gia khẳng định: “Ăn quá nhiều thịt đỏ là yếu tố nguy cơ của một số bệnh như mỡ máu cao, tim mạch, ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng”. Đây cũng là kết luận của Quỹ Phòng, chống Ung thư Quốc tế dựa trên kết quả tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu về tiêu thụ thịt đỏ hay thịt chế biến sẵn trên các nước và nhiều dân tộc khác nhau.
Do đó, để cân bằng giữa lợi ích của việc ăn thịt đỏ (nguồn cung cấp protein và vi chất dồi dào) với những nguy cơ đối với sức khỏe (các bệnh không lây nhiễm và ung thư), người dân cần có những hướng dẫn cụ thể về lượng tiêu thụ hợp lý.
Tiêu thụ hợp lý thịt đỏ để tận dụng lợi ích, tránh nguy hại cho sức khỏe
Theo TS Phương, dù mức độ tiêu thụ thịt đỏ sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thói quen văn hóa ẩm thực, khu vực, tính sẵn có của thực phẩm theo vị trí địa lý tự nhiên, chính sách phát triển nông nghiệp và chăn nuôi của mỗi quốc gia… để đảm bảo tất cả người dân có sức khỏe tốt, chúng ta vẫn cần có kiến thức và thực hành tiêu thụ thịt đỏ ở mức hợp lý.
Liên quan vấn đề này, Quỹ Phòng, chống Ung thư Quốc tế và Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ đã đưa ra khuyến nghị như sau:
- Nên tiêu thụ không quá 3 lần thịt đỏ mỗi tuần.
- Tổng lượng thịt đỏ tiêu thụ trong một tuần nên trong khoảng 350-500 g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700 g thịt sống và không bao gồm trọng lượng xương).
- Nếu tính theo ngày, lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70 g/ngày (thịt đã chế biến chín, tương đương khoảng 100 g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương).
- Nên sử dụng thịt nạc.
- Tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa - những thực phẩm thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất.
Ngoài ra, TS Phương cho rằng cần có những giải pháp truyền thông dinh dưỡng hợp lý kết hợp với những chính sách về chuỗi cung ứng thực phẩm, qua đó đảm bảo người dân ở mọi vùng miền có đủ kiến thức về dinh dưỡng và cơ hội tiếp cận bền vững với hệ thống thực phẩm đa dạng.
“Việc này sẽ giúp xây dựng thói quen tiêu thụ thực phẩm nói chung, trong đó có tiêu thụ thịt đỏ an toàn, hợp lý nâng cao sức khỏe”, vị chuyên gia kết luận.