Đây là những sản phẩm du lịch mới nhất của Quận Tân Bình, Gò Vấp tiếp nối chuỗi hoạt động ra mắt các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới của các quận 1, 12 và huyện Hóc Môn… Những sản phẩm này ra mắt dịp lễ 2-9 được kỳ vọng góp phần vào nhịp sôi động của ngành du lịch TP.HCM đang phục hồi mạnh mẽ.
Chưa bao giờ hoạt động du lịch lại sống động như hiện nay. Theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM, đã có hơn 30 chương trình, sản phẩm du lịch nội đô đang được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đưa vào khai thác kích cầu du lịch và gần 20 chương trình du lịch mới đang khảo sát. Hàng chục điểm tham quan, sản phẩm du lịch về đêm đang được ngành du lịch và các đơn vị sở ngành liên quan tập trung đầu tư, tôn tạo, hoàn chỉnh đề án để xây dựng kết nối tour, tuyến.
Với sản phẩm du lịch "Gò Vấp -Trăm năm tìm lại dấu xưa", du khách không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên với Phù Châu Miếu - Ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật.
Miếu được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XIX. Trước năm 1975, miếu là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định.
Đây là những hoạt động trong chuỗi kế hoạch mở cửa, phục hồi du lịch theo chương trình "TP.HCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City" và kế hoạch "mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng".
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết ngành du lịch sẽ chọn tour khám phá quận Tân Bình, Tân Phú là hai trong những sản phẩm du lịch điểm nhấn để giới thiệu khách trong nước và quốc tế dịp lễ 2-9 và dịp Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE) sắp tới. Hai sản phẩm du lịch mới này sẽ tiếp thêm động lực phát triển cho du lịch thành phố; tạo được sự lan tỏa, nâng cao hoạt động thu hút khách du lịch tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhận định tiềm năng du lịch của từng quận, huyện phong phú nhưng chưa có những giải pháp khơi gợi đúng mức, chưa đánh giá đúng những điều quý giá của địa phương về tài nguyên du lịch. Do đó, ngành du lịch thành phố năm nay phát động và đề nghị lãnh đạo quận, huyện quan tâm để phục hồi du lịch, dịch vụ.
Du khách tham quan làng nghề đúc đồng ở quận Gò Vấp. Nghề đúc lư đồng xuất hiện ở Sài Gòn từ thế kỷ thứ XVIII. Khi đó, có hai nghệ nhân sau khi học nghề ở phủ Thừa Thiên đã đem nghề đúc đồng về phát triển ở Phú Lâm, rồi chuyển về làng An Hội cho tới nay.
Nghề đúc đồng phát triển thịnh vượng ở Sài Gòn từ lâu. Khi đó cả khu vực An Hội có trên 30 hộ theo nghề này. Đến nay An Hội vẫn còn 5 hộ gia đình vẫn còn giữ được nghề đúc đồng thủ công, giữ lửa, truyền nghề cho con cháu.
"Đến nay, khoảng 50% quận, huyện trên địa bàn đã công bố những sản phẩm du lịch. Những đơn vị làm trước có nhiều cố gắng, và nhiều đơn vị đi sau cũng nhìn vào các sản phẩm đó, tìm ra điều đặc sắc hơn để quảng bá cho địa phương của mình", bà Phan Thị Thắng nói.
Những chuyến khảo sát đã thôi thúc lãnh đạo các quận huyện quan tâm nhiều hơn nữa đến du lịch. Từ đây, các ngành dịch vụ khác cũng có điều kiện phát triển theo, vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và có đóng góp rất lớn vào phục hồi kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng những sản phẩm du lịch mới này vẫn cần hoàn thiện thêm để thật sự hấp dẫn với du khách. Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly chia sẻ những tour được khảo sát, xây dựng lần đầu tiên ở nội, ngoại thành TP.HCM sẽ tạo bước đầu giới thiệu điểm đến cho khách tới tham quan, có thể khách sẽ tự khám phá.
"Nhưng tour phát huy giá trị thật sự, kể được những câu chuyện, khơi gợi và truyền tải văn hóa, giá trị, đặc trưng của địa phương… lại là việc của doanh nghiệp lữ hành và khi đó, điểm đến mới lan tỏa, tạo cảm xúc cho du khách" - bà Phan Yến Ly nói.
Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ - địa điểm gìn giữ rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử về lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ anh dũng kiên cường trong 30 năm chiến tranh (1945 - 1975). Bên trong bảo tàng có một phòng mô phỏng địa đạo Củ Chi. Ông Phạm Đức Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam Bộ, cho biết lần đầu tiên bảo tàng trở thành một điểm đến trong tour đặc trưng của Quận Tân Bình. Bảo tàng sẽ đầu tư thêm nhiều hoạt động cho du khách trải nghiệm, với mục tiêu đón khoảng 100.000 lượt khách/năm, thay vì mức 60.000 - 70.000 lượt khách hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng (thứ 2 từ trái qua) và đoàn khảo sát lắng nghe chia sẻ từ phóng viên chiến trường Nguyễn Minh Trí trong bảo tàng.
Với tour "Tân Bình - Biết bao điều thú vị", du khách sẽ được tự tay làm những lọ nến thơm với đủ màu sắc. Trong ảnh, Giám đốc Sở du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa trải nghiệm làm nến thơm.
Nhiều du khách lần đầu tiên được trải nghiệm tập golf cùng HLV chuyên nghiệp tại sân golf Tân Sơn Nhất
Các hoạt động trong lịch trình tour sẽ tạo cảm xúc, trải nghiệm cho du khách