Nhà đầu tư chật vật vì giao dịch đất nền TP.HCM sụt giảm, giá vẫn leo thang

Gia Linh Thứ bảy, ngày 15/04/2023 11:39 AM (GMT+7)
Các tháng đầu năm 2023, lượng tiêu thụ đất nền tại TP.HCM sụt giảm kỉ lục. Nhiều nhà đầu tư phải chật vật tìm khách để thoát hàng nhưng mặt bằng giá của phân khúc này vẫn liên tục tăng.
Bình luận 0

Nhà đầu tư đất nền tìm cách thoát hàng

3 tháng qua, anh Hữu Phương (38 tuổi, kinh doanh bất động sản tự do) đang cố gắng rao bán mảnh đất thuộc một dự án đất nền tại quận 9 cũ (nay là TP.Thủ Đức) nhưng vẫn chưa tìm được khách mua. Thông qua môi giới, nhiều người liên lạc để hỏi giá đất nhưng sau đó không thấy phản hồi.

Cùng cảnh ngộ, chị Thảo Nguyên (45 tuổi) cũng đang "điêu đứng" vì trót "ôm" quá nhiều lô đất ở Củ Chi. "Cuối 2021, có tin Củ Chi được quy hoạch lên thành phố, tôi vội tìm về đây gom đất chờ thời. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến cùng việc TP.HCM chưa thông qua việc quy hoạch thêm thành phố khiến thị trường Củ Chi "hết sốt". Mấy lô đất tôi mua giá gần 3 tỷ/lô, giờ rao bán cắt lỗ 2,9 tỷ nhưng cũng khó tìm khách mua. Thời điểm này, nhà đầu tư nào mạnh vốn thì cứ ôm đất chờ thêm chứ ra hàng khó lắm", nhà đầu tư này chia sẻ.

Trong khi đó, anh Quốc Phong (nhân viên môi giới của một sàn giao dịch tại TP.Thủ Đức) cho biết công ty của mình không có hàng mới bán. Đất nền dự án khan hiếm nguồn cung mới nên chủ yếu công ty nhận kí gửi các sản phẩm đất trong khu dân cư. Tuy nhiên, đất thổ cư thì giá cao nên môi giới cũng phải "chật vật" ra hàng.

Nhà đầu tư chật vật vì giao dịch đất nền TP.HCM sụt giảm, giá vẫn leo thang - Ảnh 1.

Đất nền tại TP.HCM sụt giảm nguồn cung. Ảnh: G.L

Thực tế, thị trường đất nền TP.HCM thời gian qua khan hiếm nguồn cung mới. Số liệu của DKRA Group, phân khúc đất nền trong quý 1 tại thị trường TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 385 sản phẩm, giảm đến 79% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng tiêu thụ mới đạt 78 nền, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở Long An và Bình Dương. Riêng TP.HCM hiếm hoi xuất hiện nguồn cung mới sau thời gian dài vắng bóng dự án, đóng góp 13,8% vào tổng cung thị trường.

Các chuyên gia của DKRA Group cho biết, dù khan hiếm nguồn cung, sụt giảm nguồn giao dịch nhưng mặt bằng giá đất nền liên tục tăng. Theo đó, mặt bằng giá bán mới trong quý có mức tăng trung bình 5% - 7% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng tập trung ở những dự án hoàn thiện pháp lý và tiến độ hạ tầng tốt.

Mức độ quan tâm đất nền sụt giảm

Trong những năm gần đây, đất nền luôn được đánh giá là phân khúc bền vững, là kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, phân khúc này luôn buộc nhà đầu tư phải chấp nhận bỏ vốn ban đầu rất lớn so với các phân khúc khác. Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thắt chặt tín dụng, nhà đầu tư lâm vào cảnh đuối vốn khiến mức độ quan tâm đất nền sụt giảm.

Nhà đầu tư chật vật vì giao dịch đất nền TP.HCM sụt giảm, giá vẫn leo thang - Ảnh 3.

Giá đất nền vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: G.L

Nghiên cứu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đến đất nền tại TP.HCM trong quý 1 tiếp tục sụt giảm mạnh. Cụ thể, mức độ quan tâm đến đất nền tại quận 12 giảm 34%; quận 9 giảm 29%; TP.Thủ Đức giảm 26%; các huyện như Nhà Bè giảm 37%; Bình Chánh giảm 34%; Hóc Môn giảm 25% và Củ Chi giảm 15% so với quý trước đó.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết đất nền là sản phẩm liên quan tới đầu cơ và đầu tư nhiều hơn. Vì vậy, khi thị trường tăng trưởng, đất nền là phân khúc tăng giá đầu tiên. Ngược lại, khi thị trường khó khăn, đất nền trở thành phân khúc bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhà đầu tư chật vật vì giao dịch đất nền TP.HCM sụt giảm, giá vẫn leo thang - Ảnh 4.

Về lâu dài, đất nền vẫn được đánh giá là kênh đầu tư bền vững. Ảnh: G.L

Vị chuyên giá đánh giá khả năng xảy ra cơn sốt đất trong năm nay sẽ khó. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu nhà đầu tư biết lựa chọn những sản phẩm có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền trên chính sản phẩm đó, chẳng hạn như có thể xây nhà trọ, nhà kho, công xưởng hoặc trở thành căn nhà thứ hai. Thị trường vẫn còn dư địa phát triển và nhu cầu về đất đai luôn hiện hữu.

Trong khi đó, ông Phạm Lâm - CEO DKRA Group nhìn nhận với tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, lãi suất vay ở mức cao, những vướng mắc pháp lý đang được tháo gỡ, thị trường sẽ khó có đột biến trong ngắn hạn. Dự báo, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý 2 sẽ tăng nhẹ so với 3 tháng đầu năm, dao động khoảng 450 - 600 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với quý 1 nhằm kích cầu thị trường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem