Chia sẻ với Japan Times, Sachiko Sato, nhân viên văn phòng 46 tuổi đến từ Tokyo, không khỏi lo lắng khi thấy con trai mình ngồi lì trước máy tính cả ngày để học trực tuyến.
Cô cũng nhận ra rằng bản thân cũng dần lệ thuộc nhiều hơn vào thiết bị công nghệ trong đại dịch.
Vì thế, Sato quyết định thử "cai nghiện" kỹ thuật số. Mỗi ngày, cô đều cất điện thoại vào tủ khóa, sau đó chạy bộ.
Ban đầu, cô cảm thấy lo lắng khi không cầm điện thoại bên người 24/7.
"Tôi không thể ngừng nghĩ đến trường hợp có ai đó cần liên lạc với mình trong thời điểm đó. Dần dần, tôi cố tập trung vào việc mình làm và thấy thoải mái hơn", cô kể.
Từ đấy, Sato dần đặt ra nhiều quy tắc để hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ lúc về đến nhà. Cô không sử dụng điện thoại trong bữa cơm, dừng lướt Internet trước giờ ngủ.
Sato không phải người duy nhất quyết định "cai nghiện" kỹ thuật số. Nghiên cứu từ công ty Cross Marketing Inc. trên 1.000 nam giới và nữ giới ở Nhật chỉ ra 50% hiểu được sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ của mình.
Các chuyên gia cho biết việc cắt giảm tần suất sử dụng thiết bị điện tử đem lại ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống: ngủ ngon hơn, tăng khả năng tập trung...
Sau nhiều năm gắn với thói quen ngồi lì trước màn hình laptop, ôm điện thoại ngay cả trong giờ nghỉ, Kazuya Mori (58 tuổi), chủ kinh doanh, tỏ ra băn khoăn. Ông giải thích rằng đôi lúc cảm thấy mệt mỏi khi luôn trong trạng thái "online".
Ông dần thử đi dạo mà không đem theo điện thoại.
"Nó khiến tôi cảm thấy thoải mái, nhạy cảm hơn với những sự vật, sự việc ở quanh mình. Tôi hiểu rằng điện thoại, laptop chỉ là thiết bị hỗ trợ cuộc sống mà thôi", Mori nói.
Dưới tấm ảnh đại diện trên nền tảng nhắn tin Line, Yuto Itoyama, chàng trai 27 tuổi đến từ tỉnh Yamaguchi, luôn hiển thị dòng chữ: "Tôi sẽ tắt điện thoại sau 21h".
Điều này giúp anh tự nhắc nhở bản thân, giải thích cho bạn bè, đồng nghiệp về sự "biến mất" trên mạng xã hội của anh sau 21h hàng ngày.
Từ khi bắt đầu thay đổi tần suất sử dụng thiết bị điện tử vào 4 năm trước, Itoyama cũng không thường xuyên sử dụng Instagram như trước.
"Thay vì 'thả tim' vào từng tấm ảnh của bạn bè, tôi có thời gian để trò chuyện trực tiếp với họ về những điều xảy ra trong cuộc sống", anh nói.
Shodai Morishita (29 tuổi), Giám đốc tổ chức Digital Detox Japan, thường tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn thay đổi thói quen sử dụng thiết bị kỹ thuật số ở Nhật Bản.
Anh cho biết nhiều người dễ cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi không sử dụng thiết bị công nghệ trong một khoảng thời gian, dù ngắn hay dài. Morishita nhấn mạnh rằng "cai nghiện kỹ thuật số" không phải dừng sử dụng các thiết bị này, mà nhận thức là không nên lệ thuộc vào chúng.
"Chúng tôi muốn giúp mọi người tạo khoảng cách với các thiết bị công nghệ trong cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta cần dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn", anh nói.