Phiên giao dịch chiều ngày 20/4 vừa khép lại trong sự bất ngờ, thậm chí là hụt hẫng của giới đầu tư chứng khoán. Chỉ số VN Index lại dò đáy mới 1.384,72 điểm; giảm 21,73 điểm (1,55%). Sắc đỏ và xanh lơ bao trùm bảng điện tử. Áp lực bán tháo vẫn lớn từ sau 14 giờ chiều trong khi lực cầu yếu ớt khiến cho chỉ số rơi tự do.

Trước đó, trong ngày 19/4, chỉ 30 phút cuối phiên, lệnh bán tháo trên diện rộng đã khiến VNIndex rơi 26,15 điểm, xuống 1.406,45 điểm - mức đáy thấp nhất kể từ 27/10/2021. Kể từ đầu tháng 4 đến giờ, thị trường chỉ có bốn phiên tăng điểm (trong đó ba phiên tăng nhẹ), còn lại đều là những phiên giảm mạnh. Vốn hóa thị trường (tính đến hết ngày 19/4) đã “bốc hơi” 19 tỷ USD.

Tình trạng này có nguyên nhân dài hạn và định kỳ song cũng có nguyên nhân ngắn hạn từ việc một số lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết bị bắt giam và sau đó là hiệu ứng của hàng loạt tin đồn thất thiệt khác. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn 2017-2021. Quy mô thị trường trái phiếu tăng mạnh từ 4,93% GDP năm 2017 lên 16,6% GDP năm 2021.

Đối với thị trường cổ phiếu, chỉ trong năm 2021, chỉ số VNIndex đã tăng gần 395 điểm, cán mốc 1.498,28 điểm. Trong năm, thị trường đã nhiều lần lập đỉnh cao hơn 1.500 điểm, có những phiên giao dịch đạt kỷ lục thanh khoản 56.100 tỷ đồng. Cuối năm 2021, vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 35,7% so với năm 2020, xấp xỉ 123% GDP năm 2020.

Cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp là hai trụ cột chính của thị trường chứng khoán, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh kênh huy động vốn truyền thống là ngân hàng thương mại. Tại Nghị quyết 54 cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025, được Chính phủ ban hành ngày 12/4/2022, Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025, quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu tối thiểu 85% GDP, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp 20% GDP.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc chủ tịch một tập đoàn bị bắt vì tội danh “thao túng chứng khoán” vừa qua đã gây rung lắc thị trường trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm duy trì sự phát triển bền vững của thị trường và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Các nhịp rung lắc của thị trường phản ánh xu hướng tích luỹ ngắn hạn và là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tốt với giá hấp dẫn…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan như: Vụ Tài chính ngân hàng, Cục Quản lý - Giám sát kế toán, kiểm toán, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước… phải tăng cường giám sát kiểm tra, đấu tranh với các hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Các hành vi thao túng phải bị xử phạt nghiêm minh, ngược lại những doanh nghiệp làm ăn chân chính phải ủng hộ hết mức để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, vì đây vẫn là kênh huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Thực tế minh chứng, đối với thị trường cổ phiếu, so với trước kia, thị trường này đã có bước phát triển tốt thời gian vừa qua, các doanh nghiệp tham gia thị trường cổ phiếu phát triển khá sôi động. Nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường thể hiện được vị trí vai trò, kết quả sản xuất kinh doanh, thương hiệu doanh nghiệp… qua việc vốn hoá trên thị trường chứng khoán, đây là điều đáng khích lệ. Thời gian gần đây, những tác động tin đồn, dư luận khiến thị trường chứng khoán, đặc biệt thị trường cổ phiếu chao đảo.

Dù vậy, về dài hạn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, tiềm năng thị trường vẫn tốt, việc các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt, ngay khi giá cổ phiếu đi xuống (down xuống) thì các doanh nghiệp nước ngoài lại mua vào rất nhiều. Có thể khẳng định, một thị trường chứng khoán được phát triển minh bạch bềnh vững, là nơi huy động vốn rất tốt cho nền kinh tế.

Về trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, vừa qua có một số vấn đề liên quan đến sai phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, như: thao túng thị trường chứng khoán, thông tin sai sự thật, tài sản không phải của mình. Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định, đây là hiện tượng cá biệt riêng lẻ, còn đại đa số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đều làm đúng quy định, huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế.

Giai đoạn tới, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, các cơ quan chức năng sẽ hạn chế tối đa lỗ hổng, nhược điểm của thị trường, tăng cường tính minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ uy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Thực hiện siết lại việc phát hành, siết các công ty chứng khoán chuyên nghiệp, các báo cáo kiểm toán bảo đảm sự minh bạch. Các công ty kiểm toán độc lập phải có trách nhiệm cao trong việc kiểm toán các báo cáo tài chính.

Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ hơn mục đích, phạm vi phát hành, điều kiện phát hành trái phiếu. Chắc chắn những doanh nghiệp thua lỗ, nhiều nợ xấu, không bảo đảm an toàn tài chính sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Khi phát hành phải đăng ký cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm huy động vốn tập cho dự án sản xuất kinh doanh, không phải huy động vốn cho vay lại, trả nợ, hay huy động vốn để tái cơ cấu tài chính. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường hiệu quả giám sát, trường hợp nào vi phạm phải thanh tra xử  lý theo chứng quy định, tôi tin tưởng thị trường chứng khoán, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp vẫn có thể phát triển tốt và bền vững. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt ở giai đoạn hậu COVID-19.

Chia sẻ quan điểm này, thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới những diễn biến và sự phát triển của thị trường chứng khoán và tiền tệ, ngoài những chỉ đạo sát sao kịp thời tới các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, mới đây, tại Lễ công bố, kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tổ chức ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những định hướng rất nhất quán.

Cụ thể, khi nhắc tới một số vụ án, vụ việc vừa qua liên quan tới thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích rõ, về khách quan, Việt Nam là một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, mọi công việc phải làm theo hướng nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Quá trình đó, cần nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh phù hợp, không cầu toàn, không nóng vội. Từ thực tiễn phát triển thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, chúng ta cần tiếp tục phát huy những mặt tích cực, những mặt được, đồng thời nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, bất cập để khắc phục, ai làm đúng thì khuyến khích, động viên, khen thưởng, nhưng sai thì phải sửa, ai vi phạm phải bị xử lý theo quy định. 

Thủ tướng cũng yêu cầu, công tác thông tin, tuyên truyền phải khách quan, trung thực, để nhà đầu tư để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tin tưởng khi thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật, góp phần giúp thị trường tài chính phát triển lành mạnh, bền vững.