Báo cáo 117 trang với tựa đề “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao” được Ngân hàng Thế giới công bố gần cuối buổi chiều hôm nay 21/11.
“Để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn,” bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết.
Bà Ferro nhận định thêm: "Ngoài ra, trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi và bất ổn gia tăng, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và đầu tư sẽ rất cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo thành công lâu dài".
Trong 40 năm qua, hội nhập toàn cầu là động lực chính giúp Việt Nam phát triển thành công, tạo nên một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu.
Báo cáo mới nhất của World Bank khẳng định: Với nền tảng thành công sẵn có, Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 6% trong hai thập kỷ tới.
Thành công của mục tiêu này phụ thuộc vào việc nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Việt Nam phải thực hiện quá trình chuyển đổi này trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động sâu sắc.
Vì vậy, Ngân hàng Thế giới đề xuất trong báo cáo nói trên một chiến lược tổng thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các giải pháp chính sách trọng tâm được đề xuất bao gồm: Đẩy mạnh hội nhập thương mại chiều sâu; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy các hoạt động sử dụng công nghệ cao và kỹ năng chuyên sâu và khu vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao, bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ; và chuyển đổi sang mô hình sản xuất carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Báo cáo nêu rõ 5 gói chính sách lớn được đánh số từ 1 đến 5, và còn có thêm một nhóm chính sách khác bao trùm hơn.
Trong gói chính sách 1 có tên "Từ hạ thuế quan sang hội nhập thương mại sâu trong khu vực", Ngân hàng Thế giới nêu ra các khuyến nghị chính sách như: Hạ thấp rào cản chính sách phi thuế quan trong thương mại; nâng cao khả năng kết nối khu vực; định hình nghị trình hội nhập toàn cầu.
Trong gói chính sách 2 (Từ nền kinh tế kép sang hội nhập các chuỗi giá trị trong nước), các khuyến nghị bao gồm: Tiếp tục tăng cường môi trường kinh doanh; kết nối doanh nghiệp đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước; triển khai các cơ chế tài chính chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Tương tự, một loạt khuyến nghị khác được nêu ra trong gói 3 (Từ lắp ráp khâu cuối thâm dụng lao động chuyển sang các hoạt động thâm dụng công nghệ và kỹ năng đem lại giá trị cao). Bao gồm: Hạ thấp rào cản thương mại dịch vụ ở những lĩnh vực dịch vụ xương sống như viễn thông, tài chính và vận tải; ngăn ngừa xung đột lợi ích và đảm bảo đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân; hợp lý hóa quy định về lưu chuyển dữ liệu qua biên giới; thực thi khung pháp lý toàn diện về tài sản trí tuệ.
Trong gói chính sách 4, Ngân hàng Thế giới nhắm vào mục tiêu là từ giáo dục cơ bản vững vàng chuyển sang hình thành lực lượng lao động có kỹ năng cao.
Trong khi đó, gói chính sách 5 thiên về chuyển đổi xanh và được đặt tên là "Từ chế tạo chế biến phát thải nhiều carbon chuyển sang xuất khẩu các mặt hàng giảm thải carbon và đảm bảo khả năng chống chịu".
Ngân hàng Thế giới đưa ra hàng loạt khuyến nghị chính sách trong gói 5. Bao gồm: Hướng tới giá điện đảm bảo hiệu quả chi phí và cơ chế định giá carbon nhằm hỗ trợ quá trình giảm thiểu phát thải carbon; đẩy nhanh đầu tư cho hạ tầng điện; bớt các biện pháp phi thuế quan gây hạn chế thương mại hàng hóa; xây dựng chương trình đầu tư về khả năng chống chịu ven biển cho các trung tâm đô thị, khu công nghiệp và hạ tầng.
Đối với đẩy nhanh đầu tư cho hạ tầng điện trong gói 5, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần: Đẩy nhanh thủ tục phê duyệt dự án nhằm tạo điều kiện triển khai nhanh 4 đường dây 500kV theo Quy hoạch điện 8 (PDP8) nhằm nâng cao công suất truyền tải điện từ miền Nam và mở rộng quy mô công suất lắp đặt ở miền Bắc; áp dụng các công nghệ phổ biến, như truyền tải một chiều điện áp cao (HVDC), sẽ giúp tối đa hóa truyền tải điện trên khoảng cách dài, đồng thời giảm được tác động dấu ấn vật chất; tạo điều kiện giúp ngành điện tiếp cận nguồn tài chính dài hạn từ cả trong nước lẫn nước ngoài.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tham gia nhiều hành vi phạm tội, một lúc phạm nhiều tội, xâm phạm nghiêm trọng tới hoạt động tài chính ngân hàng. Cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình là đúng người, đúng tội, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo này.
Ngày 3/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản ban hành thông báo phân công Thường trực UBND TP theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô trong nước ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên từ 01/12/2024 trở đi, xe sản xuất và lắp ráp trong nước không được miễn 50% phí trước bạ sẽ ảnh hưởng nhiều đến lượng tiêu thụ xe.
TP.HCM triển khai kế hoạch sắp xếp lại đơn vị hành chính, giảm 39 phường, nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Trong khi các sản phẩm như rượu bia và bánh kẹo giảm sút, xu hướng mới của người tiêu dùng dịp Tết năm 2025 đó là chuộng sản phẩm giản đơn, tiện lợi và sản phẩm liên quan chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM đang thu hút sự chú ý của giới siêu giàu và nhà đầu tư, nhờ sức tăng GDP mạnh, nên phân khúc bất động sản hạng sang của TP.HCM thành thị trường trọng điểm trong khu vực.