Chịu liên đới vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, cổ phiếu FLC Faros (ROS) trong hệ sinh thái này cũng đang lao dốc với nhiều phiên giảm sàn liên tiếp.
ROS vẫn luôn là một cổ phiếu "nổi tiếng" trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên sự nổi tiếng này đa phần nghiêng theo hướng tiêu cực. Mã này gây chú ý khi lên sàn vào năm 2016 với vùng quanh mệnh giá 10.000 đồng, nhưng rồi leo một mạch lên trên 100.000 đồng vào cuối năm.
Rớt dưới mệnh giá
Sang năm 2017, ROS tiếp tục có đợt tăng giá mạnh cùng với thanh khoản cao đột biến, nhiều phiên giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng được sang tay. Cổ phiếu theo đó chính thức lọt vào rổ VN30 (nhóm 30 cổ phiếu uy tín nhất của HoSE) trong đợt đánh giá tháng 7/2017.
Việc lọt vào rổ danh mục "ưu tú" giúp cổ phiếu ROS trở thành điểm thu hút dòng tiền của nhà đầu tư, bao gồm cả các quỹ đầu tư nước ngoài. Thị giá theo đó bứt phá liên tục lên đỉnh lịch sử 214.000 đồng vào đầu tháng 11/2017 (giá điều chỉnh còn khoảng 178.000 đồng).
Tuy nhiên, đó đã là những gì tốt nhất của cổ phiếu này, bởi từ cuối năm 2017 thì ROS bắt đầu vào giai đoạn rơi tự do. Đà rơi mạnh nhất diễn ra trong giai đoạn 2018-2020.
ROS chính thức vuột mất mốc 10.000 đồng vào cuối tháng 1/2020 để trở thành cổ phiếu duy nhất dưới mệnh giá vẫn còn nằm trong rổ VN30. Đỉnh điểm là thị giá lao dốc về vùng đáy quanh 2.000 đồng từ tháng 7/2020, được xếp vào dạng cổ phiếu "trà đá".
Việc thị giá liên tục lao dốc, mất 99% so với vùng đỉnh khiến nhiều nhà đầu tư gần như mất trắng toàn bộ khoản đầu tư, các quỹ đầu tư chỉ số cũng lao đao không kém.
Một cổ phiếu trong thời gian dài lao dốc và rơi về mức "trà đá" như ROS lại có một suất trong nhóm cổ phiếu uy tín nhất thị trường đã khiến không ít nhà đầu tư, đặc biệt là người mới tham gia thị trường băn khoăn.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn đầu ngành bảo hiểm, xây dựng… với doanh thu và lợi nhuận lớn cũng nhiều lần ngậm ngùi đứng ngoài danh sách trên, điều này đủ nói lên điều kiện khắc nghiệt để góp mặt trong rổ chỉ số VN30.
Sau thời gian dài chìm ở vùng đáy thì mãi đến tháng 1/2021, HoSE mới chính thức loại ROS ra khỏi VN30, chấm dứt 3,5 năm nằm trong rổ chứng khoán tốt nhất.
Hành động này có phần chậm chạp khi thực tế các quỹ chỉ số như FTSE Vietnam Index (FTSE ETF) và cả Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) đã loại ROS ngay tại đợt review quý I/2020 của các quỹ ngoại này.
Nên review sớm cổ phiếu bất thường
Một chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán nước ngoài chia sẻ với Zing rằng việc xem xét loại ROS ra khỏi VN30 nên làm ngay và làm sớm, bởi thị trường còn rất nhiều cổ phiếu tốt và an toàn hơn vẫn thỏa điều kiện vào rổ chỉ số này.
Nhắc lại thời điểm cổ phiếu ROS lên sàn, FLC Faros là một công ty chuyên về xây dựng cho nội bộ hệ sinh thái FLC nên có biên lợi nhuận khá tốt, do có lượng khách hàng ổn định và tăng trưởng từ tập đoàn mẹ FLC Group.
Công ty khi đó còn được đánh giá cao về mặt chỉ số tài chính, cộng thêm thanh khoản cổ phiếu tăng mạnh nên đã thỏa điều kiện để đưa vào rổ VN30.
Tuy nhiên vị chuyên gia đánh giá, theo thời gian thì tính hiệu quả của FLC Faros không còn và nhất là có quan hệ sâu rộng với FLC Group - một hệ sinh thái có nhiều vấn đề và góc khuất mà nhiều nhà đầu tư đã lên án.
"Do đó cổ phiếu ROS cũng bắt đầu có vấn đề và gây rủi ro trong đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vì họ bị hạn chế tiếp cận thông tin để nắm bắt tình hình nên có độ trễ nhất định. Cổ phiếu sau đó không còn được đánh giá cao", ông bổ sung.
Việc duy trì ROS trong rổ chỉ số uy tín khiến nhiều nhà đầu, nhất là người mới tham gia thị trường ngộ nhận rằng đây vẫn là cổ phiếu tốt. Do vậy, đôi khi nhà đầu tư vẫn mạnh dạn mua vào mà không lường hết rủi ro đến từ hệ sinh thái xung quanh cổ phiếu này.
Vị này cho rằng VN30 là top cổ phiếu đáng quan tâm và đầu tư. Do vậy việc duy trì ROS trong danh mục, cộng với thông tin tiêu cực từ hệ sinh thái liên quan thì có thể ảnh hưởng đến cách đánh giá của nhà đầu tư trong và nước ngoài.
Điều kiện về thao túng giá nên được đặt ra sau trường hợp của ROS, từ đó đảm bảo rổ VN30 được lành mạnh và đúng tiêu chí nhất
Chuyên gia chứng khoán
Ngoài ra thị trường còn có sản phẩm phái sinh dựa trên VN30 nên có thể chịu ảnh hưởng nếu giá cổ phiếu trong rổ này biến động quá mạnh.
Việc ROS nằm trong rổ quá lâu còn dẫn đến nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin lớn, rằng giá giảm sâu là cơ hội mua vào. Thực tế cho thấy nhà đầu tư đã phải thất vọng và trả giá cho việc bắt đáy.
Từ đó, vị chuyên gia hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành chứng khoán cho rằng cơ quan quản lý nên review (đợt đánh giá) liên tục khi có diễn biến bất thường, thay vì thực hiện định kỳ nửa năm mỗi lần (vào tháng 1 và tháng 7).
"Cần có cơ chế đánh giá liên tục mang tính thị trường, không thể chờ các hành động mang tính vi phạm rõ ràng mới xem xét. Điều kiện về thao túng giá nên được đặt ra sau trường hợp của ROS, từ đó đảm bảo rổ VN30 được lành mạnh và đúng tiêu chí nhất", ông khuyến nghị.
Hoạt động giám sát không thể nhìn bên ngoài để đánh giá các hoạt động, nghiệp vụ của cơ quan quản lý. Các cơ quan cần thu thập để củng cố thông tin, bằng chứng về các giao dịch mang tính chất vi phạm thì mới có thể cảnh báo hay xử phạt.
"Tuy nhiên đâu đó việc giám sát vẫn chưa chặt chẽ, không bám sát được tình hình, có thể giám sát nhưng chưa quyết liệt, chưa đưa ra biện pháp ngăn chặn ngay trước khi xảy ra vấn đề lớn", ông nói thêm.
Ngoài ra, các khung hình phạt vẫn còn nhẹ so với các lỗi vi phạm trên thị trường chứng khoán. Mức độ phạt còn nhẹ và cũng chưa đủ để răn đe các đối tượng.
Vị này tin rằng đâu đó có sự nương tay hay "xử lý mềm" nhất định với một số cá nhân, chẳng hạn các hình thức xử phạt trước đó với ông Trịnh Văn Quyết hầu như không có tác dụng, dẫn đến các vi phạm sau có mức độ nghiêm trọng hơn.
Khung hình phạt thấp cũng là một yếu tố dẫn đến cho các đối tượng có ý đồ xấu, các đội lái vẫn hoạt động. Vị chuyên gia nêu quan điểm cơ quan Nhà nước cần tăng mức xử phạt để răn đe, thậm chí là xử lý hình sự mới khiến những người có ý đồ "chùn bước".
Tại kỳ họp thứ 13 diễn ra những ngày cuối tháng 3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020.
Cơ quan này xác định Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.
Những hành vi này dẫn đến việc một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.