Giải ngân FDI khả quan nhưng thiếu vắng các dự án tầm cỡ
Theo số liệu mà Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tính đến ngày 20/11/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bao gồm cả đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vào nước ta đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó bao gồm 1.812 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,9% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký mới tương ứng hơn 11,5 tỷ USD, giảm 18%. Như vậy, mức vốn bình quân trên mỗi dự án trong 11 tháng năm 2022 là khoảng 6,3 triệu USD; giảm mạnh từ mức bình quân 8,9 triệu USD/ dự án cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng tuy giảm so với cùng kỳ nhưng đã được cải thiện hơn so với các tháng trước. Nếu không tính hai dự án quy mô lớn đã được đàm phán trong cả thời gian dài 7-8 năm và được cấp chứng nhận đầu tư trong 11 tháng năm ngoái là Dự án Điện LNG Long An I và II, vốn đầu tư 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, thì vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ.
Thực tế, sự sụt giảm của đầu tư mới sụt giảm không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà là xu hướng toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối diện nhiều thách thức. Theo số liệu của FDI Markets, trong nửa đầu năm 2022, các dự án cấp mới trên toàn cầu đã giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có 994 lượt đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 13,3% so với cùng kỳ; với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD, tăng 23,3%. Số liệu thống kê cho thấy, quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Trong đó có thể kể tới nhiều dự án đăng ký điều chỉnh vốn với quy mô lớn như: dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn 2 lần, mức tăng tổng cộng 1,19 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng vốn trên 841 triệu USD; dự án Nhà máy Chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…
Việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục điều chỉnh tăng vốn với các dự án tại Việt Nam được nhận định là tín hiệu khẳng định niềm tin đối với nền kinh tế cũng như môi trường đầu tư trong nước.
Riêng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần bất ngờ đảo chiều sau 11 tháng khi giảm 7% so với cùng kỳ xuống chỉ còn gần 4,08 tỷ USD. Số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ đạt 3.298 lượt, giảm 4,8%.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, diễn biến này là phù hợp với xu hướng chung trên thị trường M&A toàn cầu và Việt Nam. Theo dự báo của EY, thị trường M&A Việt Nam sẽ trầm lắng hơn trong những tháng cuối năm.
Trong khi vốn FDI đăng ký giảm, vốn thực hiện lại ghi nhận con số tích cực với giá trị giải ngân 19,68 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021 và gần bằng mức giải ngân FDI cả năm 2021. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.
TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về hút vốn FDI
Trong 11 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ, với vốn đăng ký đạt lần lượt gần 2,26 tỷ USD và gần 1,03 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.
Về đối tác đầu tư, trong 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam dù giảm 24% so với cùng kỳ 2021. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ 3 với hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đan Mạch.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI 11 tháng với số vốn đầu tư đăng ký gần 3,54 tỷ USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp đến là Bình Dương với tổng vốn đầu tư trên 3,03 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn, tăng 44,9% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,19 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn và tăng gần 88,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên.
Về số dự án mới, TP Hồ Chí Minh cũng dẫn đầu cả nước khi thu hút tới 44,5% trong tổng số dự án trên cả nước khi nhà đầu tư tiếp tục tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi.
Triển vọng đón FDI bền vững
Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý III/2022 của EuroCham thực hiện trên hơn 1.200 thành viên đã chấm 62,2 điểm cho Chỉ số Môi trường Kinh doanh BCI của Việt Nam trong quý. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay, BCI quý III của Việt Nam vẫn cao hơn 10,2 điểm so với mức trước đại dịch hồi quý IV/2019 là 52,0.
Một tín hiệu tích cực khác từ EuroCham: có tới 42% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu trong khảo sát cho biết có ý định tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm nay. Nhóm này cũng cho rằng Việt Nam có thể tăng sức hút dòng vốn FDI này thông qua các yếu tố như: giảm bớt khó khăn về hành chính (68%), cải thiện cơ sở hạ tầng (53%), phát triển năng lực nguồn nhân lực (39%) và giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài (39%).
Bình luận về kết quả khảo sát BCI quý III/2022, Chủ tịch EuroCham Alain Cany nhận định: “Tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn”.
Trong ngắn hạn, ông Alain Cany cho rằng triển vọng kinh tế quý IV có thể kém khả quan hơn so với quý II hoặc quý III, nhưng nhìn xa hơn, Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong hai hoặc ba năm tới, chứng tỏ vị thế của mình là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất.
Những năm gần đây, khung khổ pháp lý đã có những điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư nói chung và FDI nói riêng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguy cơ doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam về môi trường, lao động… là những rủi ro tiềm tàng nếu không được quản lý, giám sát tốt.
Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị đã đặt nền tảng mới cho chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, tạo cơ hội hướng tới các nguồn FDI chất lượng cao, không chạy theo số lượng, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế…
Trong một báo cáo gửi Quốc hội hồi tháng 10 năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua Chính phủ đã có một loạt động thái quan trọng để thu hút các dự án FDI hiệu quả, chất lượng. Chẳng hạn, ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt bộ tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…
“Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tổ chức vào đầu tháng 12 mang chủ đề “Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”.
Theo thỏa thuận mới ký kết, T&T Group và tập đoàn đầu tư JTA hàng đầu Qatar sẽ cùng triển khai 1 dự án khu liên hợp thể thao quy mô lớn, trong đó bao gồm sân vận động hiện đại có sức chứa 60.000 người. Bên cạnh đó sẽ là 1 công viên kiểu Disneyland.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết cuối năm, đơn hàng nhiều nên nhu cầu vay vốn tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận vốn ưu đãi và vượt qua được các bước thẩm định từ ngân hàng là không dễ.
Cảng Gemalink trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thiết kế là cảng thông minh, giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường logistics quốc tế cạnh tranh khốc liệt.
Ngày 30/10, các ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán hoàn tất việc công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Vietcombank dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ
Logistics là lĩnh vực đang phát triển sôi động tại Việt Nam nhưng không ít doanh nghiệp nội địa đang đối diện sức ép cạnh tranh lớn từ khu vực và thế giới, nhất là phát triển xanh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và chuyển đổi số.