Tòa tối cao Singapore phán quyết một người dùng Instagram phải bồi thường 200.000 cho Louis Vuitton
V.N (Theo ST)
06/07/2025 3:53 PM (GMT+7)
Một người bán hàng trên Instagram đã rao bán các sản phẩm Louis Vuitton (LV) giả nhưng quảng cáo là hàng thật, đồng thời phớt lờ các thủ tục tố tụng của Tòa án Tối cao Singapore, đã bị buộc phải bồi thường 200.000 đô la Singapore cho thương hiệu thời trang xa xỉ Pháp LV vì vi phạm quyền nhãn hiệu.
Các sản phẩm LV giả được rao bán là hàng thật. Ảnh: Tòa án tối cao Singapore.
Ng Hoe Seng hoạt động dưới các tài khoản Instagram “emcase_sg” và “emcrafts_sg” để bán các mặt hàng giả như ốp điện thoại, ví hộ chiếu, ví đựng thẻ và ví nhỏ qua mạng xã hội này.
Những món hàng giả này được rao bán dưới dạng “chính hãng” nhưng chỉ có giá bằng một phần nhỏ so với hàng thật – ví dụ, một ví hộ chiếu giả có giá 159 đô la Singapore, trong khi giá thật dao động từ 560 đến 945 đô la.
Louis Vuitton Malletier (LVM) phát hiện hành vi vi phạm vào tháng 7/2022 và tiến hành một chiến dịch “mật phục”. Một đại diện của công ty đã mua thử các sản phẩm trị giá 2.100 đô la Singapore từ tài khoản Instagram “emcase_sg”. Sau khi xác minh đó là hàng giả, LVM gửi thư yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm vào tháng 3/2023.
Tuy nhiên, ông Ng không dừng lại mà tiếp tục hoạt động dưới một tài khoản mới là “emcrafts_sg”. Để bắt quả tang lần nữa, một đại diện của LVM đã tiến hành mua hàng thử lần hai. Công ty sau đó đã đệ đơn kiện vào tháng 8/2023. Ông Ng hoàn toàn phớt lờ vụ kiện và không xuất hiện trước tòa.
Ngày 30/11/2023, Tòa án Tối cao phán quyết có lợi cho LVM và tiến hành đánh giá mức bồi thường.
LVM cho rằng họ xứng đáng được bồi thường 4,84 triệu đô la, nhưng yêu cầu ông Ng bồi thường 2,9 triệu đô la, căn cứ trên 29 hành vi vi phạm, mỗi hành vi tính mức tối đa theo luật định là 100.000 đô la. Tuy nhiên, Thẩm phán Dedar Singh Gill không đồng tình.
Ông giới hạn mức bồi thường tối đa là 900.000 đô la, tương ứng 100.000 đô la cho mỗi loại sản phẩm vi phạm trong số 9 loại khác nhau, và cuối cùng tuyên mức bồi thường 200.000 đô la.
Mặc dù LVM lập luận rằng hàng giả làm tổn hại danh tiếng thương hiệu, thẩm phán Gill đặt câu hỏi về mức độ ảnh hưởng tài chính: “Tôi nghi ngờ rằng nguyên đơn có thể chịu tổn thất doanh số ở mức đáng kể... vì hàng nhái của các thương hiệu xa xỉ thường không thể thay thế hàng thật”.
Ông cũng lưu ý: “Cần phải nhớ rằng bị đơn chỉ là một cá nhân kinh doanh tự do qua mạng xã hội, không phải là nhà sản xuất quy mô lớn phân phối hàng vi phạm cho các nhà bán lẻ khác hay tạo thành chuỗi vi phạm”.
Trong bản án, thẩm phán Gill nhấn mạnh đến các thủ đoạn tiếp thị lừa dối mà ông Ng sử dụng để quảng bá sản phẩm giả trên Instagram: “Chiêu thức của bị đơn là đăng lại các bài đăng và/hoặc story của khách hàng đã mua sản phẩm – bề ngoài là để cảm ơn và khoe khoang đánh giá tích cực. Theo tôi, điều này làm tăng mức độ gây hiểu lầm cho công chúng”.
Thẩm phán cho biết Ng đã “sử dụng một nhóm ‘influencer’ để khuếch đại thông điệp sai lệch về tính ‘chính hãng’ của sản phẩm tới người theo dõi và công chúng”.
Thẩm phán cũng bác bỏ lời biện minh của ông Ng rằng các sản phẩm là "tái chế nâng cấp" từ hàng Louis Vuitton thật:
“Đây là lời nói dối chồng lên lời nói dối, càng làm sai lệch sự thật với người tiêu dùng.”
Thẩm phán Gill cảnh báo về những rủi ro từ các nhà bán hàng trực tuyến, những người dễ dàng lẩn tránh việc thực thi pháp luật:
“Những người bán hàng online có thể dễ dàng phân tán rủi ro bằng cách lập nhiều kênh bán hàng khác nhau với chi phí thấp. Giống như rắn nhiều đầu – chặt một đầu thì đầu khác lại mọc lên.”
Ông cũng phê bình Ng vì vi phạm lệnh cấm trước đó bằng cách chuyển tài khoản Instagram sang chế độ riêng tư nhưng vẫn cho phép người theo dõi truy cập, cho rằng đây là hành vi cố ý che giấu để tiếp tục vi phạm.
Cuối cùng, thẩm phán chỉ trích ông Ng vì từ chối tham gia vụ kiện: “Bị đơn đã thể hiện mình là một kẻ cố tình vi phạm và phải gánh chịu hậu quả tương xứng.”
Louis Vuitton có đại diện các luật sư Ravindran Muthucumarasamy, Chan Wenqiang và Neo Xuan Hao Edwin từ hãng Ravindran Associates.
Ông Ng không có luật sư bào chữa.
Dù thắng kiện tại Tòa án Tối cao, vẫn chưa rõ LVM có thể thu hồi đủ số tiền 200.000 đô la này hay không. Tính đến ngày 3/7, doanh nghiệp đăng ký của ông Ng là EMCASE SG đã chấm dứt đăng ký tại Cơ quan quản lý kế toán và doanh nghiệp Singapore.
Chiều 5/7, Công ty Hanoi Metro cho biết, giá vé hành khách đi trên hai tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Cầu Giấy sẽ được điều chỉnh tăng 40% với vé lượt và tăng 2,5 lần với giá vé tháng.
Tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật Bản) dự kiến mở thêm 3 trung tâm mua sắm tại TP.HCM với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.000–1.500 lao động. Kế hoạch mở rộng này thể hiện cam kết lâu dài của AEON tại thị trường Việt Nam.
Thời gian tới, AEON - chuỗi trung tâm thương mại hàng đầu Nhật Bản dự kiến sẽ có thêm 3 trung tâm mua sắm tại TP.HCM. Trong đó, 2 trung tâm sẽ được mở rộng, phát triển ra các khu vực mới.
Những gói đồ ăn vặt và đồ uống “tí hon” đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng, khi các thương hiệu cố gắng giữ chân người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu bằng các lựa chọn có giá rẻ hơn.
Chiều 5/7, Công ty Hanoi Metro cho biết, giá vé hành khách đi trên hai tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Cầu Giấy sẽ được điều chỉnh tăng 40% với vé lượt và tăng 2,5 lần với giá vé tháng.
Tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật Bản) dự kiến mở thêm 3 trung tâm mua sắm tại TP.HCM với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.000–1.500 lao động. Kế hoạch mở rộng này thể hiện cam kết lâu dài của AEON tại thị trường Việt Nam.
Thời gian tới, AEON - chuỗi trung tâm thương mại hàng đầu Nhật Bản dự kiến sẽ có thêm 3 trung tâm mua sắm tại TP.HCM. Trong đó, 2 trung tâm sẽ được mở rộng, phát triển ra các khu vực mới.
Những gói đồ ăn vặt và đồ uống “tí hon” đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng, khi các thương hiệu cố gắng giữ chân người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu bằng các lựa chọn có giá rẻ hơn.