Chủ nhật, 24/11/2024

Ðưa kinh tế sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng

26/10/2021 7:00 PM (GMT+7)

Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại để phục hồi kinh tế là yêu cầu cấp thiết.

Ðưa kinh tế sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng - Ảnh 1.

Ðẩy mạnh giải ngân đầu tư công góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong ảnh: Toàn cảnh Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (tỉnh Hậu Giang).

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ ước tính đạt và vượt tám trong số 12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao với các điểm nhấn quan trọng: Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm...

Nhận diện khó khăn

Nhìn vào bốn chỉ tiêu chưa đạt, có thể nhận thấy nền kinh tế đang đứng trước những khó khăn chưa từng thấy. Cụ thể: Tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt từ 3% đến 3,5% so mục tiêu đề ra là tăng trưởng 6%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt từ 3.660 USD đến 3.680 USD, thấp hơn mức mục tiêu 3.700 USD/người; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32%, thấp hơn mức mục tiêu từ 44% đến 47%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều ước giảm từ 0,5 điểm đến một điểm phần trăm, thấp hơn so mục tiêu từ một điểm đến 1,5 điểm phần trăm. Ðáng lo ngại là xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Thị trường tài chính, bất động sản có thời điểm tăng trưởng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, nhất là du lịch, lưu trú, ăn uống. Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề với tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao...

Nhận diện những khó khăn nền kinh tế đang phải đối mặt, TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, đáng lo ngại nhất là các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang suy giảm. Ðầu tư công chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, trong khi đầu tư tư nhân giảm mạnh. Năm 2020, đầu tư công là bệ đỡ của tăng trưởng với mức tăng 34,5% thì chín tháng năm 2021 mới giải ngân được hơn 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều tỷ lệ giải ngân hơn 56% so cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò trong nền kinh tế, kể cả trong sử dụng nguồn lực nắm giữ và tác động cải cách thể chế để đẩy nhanh kế hoạch tái cơ cấu như kỳ vọng. Tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa của khu vực này vẫn rất chậm, từ đầu năm đến nay mới có ba phương án cổ phần hóa của ba doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt. Tăng trưởng đầu tư tư nhân giảm từ mức khoảng từ 15% đến 17%/năm của giai đoạn trước xuống chỉ còn 3,9% trong chín tháng năm 2021.

Ðáng lưu ý, vùng động lực phía nam đang yếu dần. Sự suy yếu này đã bắt đầu từ vài năm trở lại đây và càng trở nên rõ nét sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, thể hiện ở tỷ trọng trong GDP chung của cả nước giảm dần từ mức 39,7% năm 2010 xuống còn 37,7% năm 2020. Nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng và logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía nam chỉ bằng hai phần ba so với phần đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm phía bắc.

Tận dụng các dư địa tăng trưởng

Với mức tăng trưởng 1,42% trong ba quý, kinh tế Việt Nam khó có khả năng bật lên trong quý IV để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6%. Tuy nhiên, cơ hội cải thiện mức tăng trưởng là khả thi vì đến nay, đại dịch cơ bản được kiểm soát và cả nước đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc tận dụng các dư địa sẵn có và tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), chuyển đổi số, giải ngân vốn đầu tư công.

PGS, TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích: Nếu công tác chống dịch trong thời gian tới không làm đứt gãy lưu thông hàng hóa và sản xuất, sự hồi phục của kinh tế Việt Nam sẽ rất tốt. Hai động lực chính cho tăng trưởng trong quý IV là xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, xuất khẩu dự kiến sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các ngành sản xuất trong nước nối lại sản xuất và hưởng lợi từ sự hồi phục của nền kinh tế thế giới thông qua việc thực thi các FTA. Ðối với đầu tư công, Chính phủ đã có các giải pháp tập trung thúc đẩy giải ngân, nhất là các dự án mang tính trọng điểm quốc gia, các dự án kết cấu hạ tầng, không chỉ tạo động lực cho tăng tưởng trong ngắn hạn mà còn có tác động trong cả dài hạn.

Ðặc trưng nổi bật của cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta là tạo ra sự đứt gãy các liên kết trong toàn bộ nền kinh tế và các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu. Do đó, các giải pháp đề ra cần thống nhất một số nguyên tắc xuyên suốt như bảo đảm tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương và giữa T.Ư với địa phương; giữa doanh nghiệp, người lao động, người dân và chính quyền các cấp... Do đó trong bốn bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh đến giải pháp quản lý hạn chế di chuyển cần thông minh hơn, trên cơ sở giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin, đơn giản hóa và điều phối các quy trình, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng như vừa qua. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam trong hỗ trợ tăng trưởng cần hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn và thực hiện chính sách tiền tệ ít hơn. Vì dư địa chính sách tài khóa vẫn còn và việc sử dụng công cụ tài khóa có thể giúp kích cầu trong ngắn hạn và cung trong dài hạn. Bên cạnh đó, các chương trình trợ giúp xã hội cần được thực thi hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng kinh tế, trong đó Việt Nam cần tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt. Ðó chính là những giải pháp quan trọng cần thực thi để nền kinh tế sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Thuế rượu bia cao nhất thế giới, ta vẫn muốn tăng thêm

Thuế rượu bia cao nhất thế giới, ta vẫn muốn tăng thêm

Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.

Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tỷ giá thế nào sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tỷ giá thế nào sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.

Thị trường rung lắc theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Thị trường rung lắc theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.

CEO nhảy nhót thì có gì hay?

CEO nhảy nhót thì có gì hay?

Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt

Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?

Giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, các chuyên gia đều đồng thuận dự báo một kịch bản

Giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, các chuyên gia đều đồng thuận dự báo một kịch bản

Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?