Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền
Với vị trí quan trọng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa rất sớm, cấp quốc gia vào năm 1962 và cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Di tích được nhà nước và Thành phố Hà Nội quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư tôn tạo, tu bổ các hạng mục công trình kiến trúc và phụ trợ để phát huy giá trị của di tích.
Các hạng mục quan trọng như Khuê Văn Các, khu vực điện Đại Thành, khu Thái học, hồ Văn, vườn Giám được tu bổ từ sau khi được xếp hạng, đặc biệt là kể từ khi Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thành lập vào năm 1988. Trong thời gian tới, thực hiện chủ trương đầu tư của Thành phố về tu bổ, tôn tạo các di tích, 4 hạng mục của Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ được đầu tư, bao gồm: Khê Văn Các, khu điện Đại Thành, cổng chính và hệ thống tường gạch vồ.
Các hạng mục phụ trợ như phòng bán vé, nhà vệ sinh, trạm biến áp, nơi phục vụ khách tham quan nghỉ chân, cửa hàng lưu niệm, hệ thống camera... được đầu tư xây dựng tạo nên diện mạo khang trang cho di tích, đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan.
Là một trung tâm hoạt động văn hóa của Thủ đô Hà Nội, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học được tổ chức tại Di tích để phát huy giá trị của Di tích.
Là nơi gắn với giá trị hiếu học, tôn sư trọng đạo tôn trọng nhân tài, hàng năm Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón hàng nghìn đoàn học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương khác đến tham quan, làm lễ dâng hương. Hoạt động khuyến học tại di tích ngày càng đi vào nền nếp, đặc biệt là thành công bước đầu của chương trình giáo dục di sản, giúp các em học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị tốt đẹp của Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng, của truyền thống văn hóa dân tộc nói chung, từ đó hình thành nên thái độ đúng đắn, lòng yêu mến di sản văn hóa dân tộc, động lực mạnh mẽ để cho thế hệ trẻ sáng tạo, đồng hành trong kỷ nguyên của hội nhập và toàn cầu hóa.
Các cuộc triển lãm, trưng bày được tổ chức thường xuyên giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn những giá trị của Di tích. Các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức tại Hà Nội và nhiều địa phương khác thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở.
Thực hiện kế hoạch “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục tuyên truyền về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, Trung tâm đã xây dựng hơn 30 chủ đề giáo dục di sản và tổ chức cho hàng trăm đoàn học sinh các cấp đến trải nghiệm tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các chương trình giáo dục di sản đa dạng về chủ đề, xây dựng theo phương pháp mới đầu tiên ở các bảo tàng di tích Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đổi mới trong phương pháp dạy và học ở các nhà trường, phù hợp với các lứa tuổi, phát triển kỹ năng cho học sinh.
Năm 2019, phòng Trải nghiệm cùng di sản được xây dựng, là địa điểm hoạt động, trải nghiệm của nhóm học sinh đi theo lớp hoặc của trẻ em đi theo gia đình, cũng là nơi dành cho khách tham quan tham các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu về di sản.
Không gian này được trang bị đầy đủ các điều kiện phù hợp cho các hoạt động giáo dục di sản: Bàn, ghế cho các hoạt động của học sinh như vẽ, nặn… và các thiết bị hiện đại: máy tính, máy chiếu, ipad… phục vụ cho các hoạt động chiếu phim, clip về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử khoa cử Việt Nam.
Các hoạt động khoa học như hội thảo, tọa đàm, triển lãm, trưng bày về lịch sử khoa bảng, các danh nhân, về Văn Miếu – Quốc Tử Giám được tổ chức thường xuyên đã tập hợp được đông đảo các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học uy tín của Trung ương và Hà Nội tham gia, cung cấp cơ sở khoa học cho các hoạt động của Trung tâm, đặc biệt là công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.
Bên cạnh đó, hoạt động điền dã, sưu tầm đã thu được hàng nghìn hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Nho học, Giáo dục khoa cử Nho học, Di tích Nho học... tại 200 di tích Nho học trên địa bàn cả nước, lập hàng chục nghìn phiếu tư liệu từ chính sử, thư tịch cổ.
Hiện nay, Trung tâm đang tích cực triển khai theo hướng đưa di tích trở thành không gian sáng tạo với các nội dung: Không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo.
Đổi mới tư duy quản lý
Để đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám từng bước trở thành trung tâm hoạt động văn hóa của Thủ đô, không gian sáng tạo trong thời đại số, hình thành được văn hóa sáng tạo thì trước hết phải thay đổi nhận thức, từ tư duy quản lý di tích theo kiểu cũ, đóng, mở cửa di tích chuyển sang tư duy phát huy các giá trị của di tích với những sản phẩm, hoạt động mang tính sáng tạo.
Đề cao giá trị sáng tạo và chuyển hóa thành các hành vi, hoạt động và nền nếp tại di tích sẽ từng bước hình thành nên văn hóa sáng tạo tại địa điểm là một di sản với những giá trị do các thế hệ trước để lại.
Trên cơ sở đó, để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại với sự đa dạng về nhu cầu và mong muốn được tiếp cận những giá trị mang bề dày của văn hóa đã tạo dựng trong hàng nghìn năm.
Một đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc theo tinh thần mới, thích ứng với cơ chế tự chủ cũng là đòi hỏi bức thiết cần được xây dựng trong trung hạn và dài hạn.
Cơ chế, chính sách của Nhà nước để Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát huy được quyền tự chủ là vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay. Làm thế nào để Trung tâm có cơ sở mạnh dạn thực hiện các bước đi theo tinh thần đổi mới và sáng tạo để hợp tác với các đối tác chiến lược cùng đồng hành xây dựng, phát triển các sản phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ du lịch... thành một hệ sinh thái bền vững, vừa hàm chứa giá trị tư tưởng, quảng bá tinh hoa giáo dục, tinh thần hiếu học hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, vừa hài hòa với hoạt động du lịch.
Những không gian sáng tạo, các cá nhân sáng tạo chỉ có thể đến và hoạt động lâu dài tại di tích trên cơ sở khung pháp lý và chính sách cụ thể, thiết thực và hiệu quả, phát huy được nguồn lực của cộng đồng cho sự sáng tạo tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng và các di sản nói chung.
Chuyển đổi số mang lại trải nghiệm mới cho du khách
Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu số được xây dựng theo hướng nền tảng mở, ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất hiện nay trong lĩnh vực di sản văn hóa (công nghệ số hóa quét Laser 3D, không ảnh, thực tế ảo AR/VR…) và công nghệ 4.0 cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu số, phục vụ các nhiệm vụ chung của Thành phố trong việc xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó bao gồm: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa phi vật thể, hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa vật thể, hệ thống công nghệ thông tin.
Đồng thời, phát triển các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ, như: Hệ thống hỗ trợ thuyết minh đoàn qua công nghệ giao tiếp không dây, hệ thống tương tác trên điện thoại thông minh: Ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, nội dung trải nghiệm đa phương tiện.
Tổ chức chương trình trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng ứng dụng công nghệ.
Theo đó, trên nền tảng công nghệ mới nhất, xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn: Tái hiện lại câu chuyện về lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn; là sự kết hợp của yếu tố văn hóa truyền thống và có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại vào các ngày cuối tuần, mang lại một trải nghiệm không thể quên dành cho du khách khi đến Hà Nội.
Tiêu biểu như: Không gian từ cổng chính đến khu Bái đường: Trang trí ánh sáng nghệ thuật. Khu vực vườn: Biểu diễn sân khấu thực cảnh với chủ đề Hành trình đạo học, trải nghiệm các sinh hoạt của trường Quốc Tử Giám kết hợp với trải nghiệm công nghệ thông qua kính thực tế ảo. Ứng dụng các công nghệ hiện đại: Chiếu 3D, thực tế ảo AR/VR, 3D Hologram. Tương tác thông minh Al, Video Wall... Khu vực sân Thái học: Sử dụng ánh sáng, nghệ thuật bằng 3D Mapping để khách tham quan trải nghiệm những giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Với mong muốn đưa di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh thông qua các sản phẩm du lịch sử dụng công nghệ; quảng bá giá trị di tích hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích; thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế đến tham quan và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tại Di tích, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Thành phố, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy các nguồn lực, đổi mới, sáng tạo, phát huy được tiềm năng to lớn của di tích, góp phần cho sự phát triển chung của Thủ đô.