Đang bơm nước ra khỏi ruộng chuẩn bị sạ giống cho vụ lúa đông xuân 2021-2022, nghe tin giá phân bón tăng, ông Ba Be (Nguyễn Văn Be, thị trấn Bình Phong Thạnh, Mộc Hóa, Long An) cho dừng lại.
Hiện, hộ ông Ba Be trồng lúa với diện tích 70ha.
Cho đến giờ, ông Ba Be vẫn còn tồn trong kho 100 tấn lúa nếp của vụ lúa hè thu vừa qua.
Ông Ba Be cho biết, hiện tại Đồng Tháp Mười, giá phân URE từ 320.000 đồng/bao nhảy lên 700.000 đồng/bao, phân DAP từ 580.000 đồng/bao lên 950.000 đồng/bao.Không chỉ phân bón, giá nhân công cũng tăng chóng mặt. Hiện, công làm ruộng là 250.000 – 300.000 đồng/ngày.
Công cắt máng từ 300.000 đồng/ha tăng lên 500.000 đồng/ha. Công sạ giống từ 250.000 đồng/ha tăng lên 500.000 đồng/ha.
Thuê máy bay xịt thuốc từ 180.000 đồng/ha tăng lên 250.000/ha.
"Tôi tính, nếu năm ngoái giá thành làm lúa là 20 triệu đồng/ha thì năm nay là 30 triệu đồng/ha", ông Ba Be chia sẻ.
Đi sâu vào "vựa lúa" Đồng Tháp Mười, tại huyện biên giới Tân Hưng (Long An), "vua lúa" Tám Thơi (Nguyễn Văn Thơi, xã Vĩnh Đại) cũng đang rối trí khi giá phân bón tăng cao ngất.
Hiện, ông Tám Thơi có đến 35ha đất lúa. Vụ lúa hè thu vừa rồi, ông bán hết mấy trăm tấn lúa, nhưng "chẳng lời một xu".
Theo ông Tám Thơi, so với năm 2020, giá phân bón hiện tăng gần gấp đôi.
"Nếu giá phân bón tăng cao ngất như vậy thì có tiết giảm chi phí đầu vào kiểu gì nông dân cũng rất khó sống với cây lúa", ông Tám Thơi bộc bạch.
Một vấn đề rất quan trọng được ngành nông nghiệp đẩy mạnh trong vụ đông xuân 2021-2022 là giảm giá thành trồng lúa.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), hiện trong giá thành sản xuất lúa, chi phí phân bón chiếm khoảng 25%, giống khoảng 10%.
Lâu nay, nông dân vẫn đang sử dụng quá nhiều phân bón. Phần lớn diện tích lúa vẫn đang sử dụng lượng giống quá nhiều, từ trên 100kg/ha trở lên.
Ông Ba Be cho biết, vì làm cánh đồng lớn nên bài toán giảm chi phí đầu vào ông đã làm từ vài năm trước.
Theo đó, trước đây ông Ba Be sạ 200kg giống lúa xác nhận/ha, rồi xuống 120kg/ha, giờ còn 100kg/ha.
Cùng với việc giảm giống lúa, ông Ba Be cũng giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với việc giảm nhân công, ông Ba Be tăng cường cơ giới hóa.
Tuy nhiên, theo ông Ba Be, dù có làm mặt ruộng rất kỹ, nhưng do sạ thưa nên cỏ dại, lúa ma mọc xen lúa. Gần đây lại xảy ra tình trạng ốc bươu vàng. Điều này dẫn đến chi phí diệt cỏ, cấy dặm, diệt ốc bươu vàng đội lên.
Ông Ba Be cũng cho rằng, với số lượng phân bón ông đang sử dụng như hiện nay không thể giảm thêm được nữa.
Theo ông Ba Be, do đất Đồng Tháp Mười đang kém phù sa, phèn nặng và gần đây lại nhiễm mặn, nên phải giữ mức phân bón tối thiểu.
Ông Ba Be cho rằng, nếu giảm lượng phân bón nữa, thậm chí gặp phải phân bón kém chất lượng, kéo theo sụt giảm năng suất lúa lại càng nguy.
"Dùng hết cách rồi, giảm tối đa chi phí rồi. Cứ giảm đầu này, lại tăng đầu kia", ông Ba Be thổ lộ.
Ông Tám Thơi chia sẻ, vài năm gần đây, nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp Mười đã ý thức nhiều đến việc giảm chi phí đầu vào trồng lúa.
Tuy nhiên, nếu giá phân tăng cao ngất, giá lúa thấp như hiện nay, bài toán tiết giảm chi phí đầu vào kiểu gì thì nông dân cũng rất khó sống với cây lúa.
"Trong tình hình hiện nay, bài toán giảm chi phí làm lúa chỉ là hạn chế thua lỗ cho nông dân. Cái chính là đẩy mạnh xuất khẩu, tăng tiêu thụ để kéo giá lúa gạo lên. Đồng thời, nhà nước có biện pháp làm chậm đà giá phân bón tăng cao", ông Tám Thơi thổ lộ.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Việt Nam sẽ có điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành năng lượng và năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và chuyển đổi kinh tế xanh.
Cột mốc 100.000 USD/1 Bitcoin đã đến rất gần vì giá loại tiền điện tử này tăng vô cùng chóng mặt thời gian gần đây trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Mỹ trở thành trung tâm tiền số của thế giới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Chính phủ đã đặt ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp nền tảng
Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan của Mỹ dự báo chỉ số USD Index có thể tăng thêm 7% trong vòng vài tháng tới. Trong khi đó, Barclays dự báo USD có thể ngang giá với đồng euro nếu ông Donald Trump thực hiện các biện pháp thuế quan mạnh mẽ để bảo vệ thị trường Mỹ.
Những ngày qua, các cơ sở làm đẹp phun môi, phun chân mày, chăm sóc da, trị nám… tại TP.HCM đang khá nhộn nhịp nhờ các khách hàng nữ tranh thủ đi làm đẹp sớm đón Tết.