Thứ năm, 28/03/2024

Xôn xao mùa cá đối

13/06/2022 6:00 AM (GMT+7)

Đúng hẹn lại lên, vào độ tháng 5 âm lịch là mùa cá đối lại về với người dân vùng biển Gò Công. Những khu rừng bần, đước… ở các cửa sông giáp biển là nơi lý tưởng để các đàn cá đối theo nước thủy triều bơi đến tìm mồi.

Hơn nửa tháng nay, nhiều ghe lưới ở các xã Vàm Láng, Tân Điền, Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã trúng đậm mùa cá đối. Kéo dài từ tháng 5 đến khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm, cá đối là nguồn lợi không nhỏ đối với ngư dân đánh bắt gần bờ ở vùng biển Gò Công.

Xôn xao mùa cá đối - Ảnh 1.

ảnh minh họa

Ông Trần Văn Lâm 65 tuổi, ở ấp Rạch Bùn, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, có 3 chiếc ghe lưới, đã “ra riêng” cho 3 anh con trai nhưng thỉnh thoảng ông cũng xuống ghe tham gia vài chuyến đánh cá cho đỡ “nhớ nghề, nhớ cá”. Từ đầu mùa đến nay, ngày nào các ghe của gia đình ông cũng bắt được hàng trăm kg cá đối.

Theo ông Lâm, cá đối sống ở nước lợ, rất dạn nên rất dễ đánh bắt. Chúng ăn nổi theo bầy từ vài chục đến hàng trăm con, chủ yếu ăn rong và bọt nước nên nhiều bầy ăn sát vào bờ sông. Cá đối sinh sản theo mùa kéo dài vào tháng 10 âm lịch đến tháng 5 âm lịch thì cá lớn và nhiều hơn. Muốn bắt cá đối thì ghe phải đi lưới vào buổi sáng sớm vì đây là thời điểm đàn cá đối đi ăn, tập trung thành từng đàn.

Tháp tùng theo anh Chín (con út ông Lâm), chiếc ghe của anh Chín từ cống rạch Bùn, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, phải mất hơn 2 giờ rưỡi mới chạy ra đến khu vực đánh cá đối trên cửa sông cửa Đại, giáp biển Gò Công). Vì phải đi từ rạng sáng nên khi lên ghe là bạn ghe nấu cơm ăn sáng rồi tranh thủ kiểm tra lại đồ nghề để chuẩn bị thả lưới khi gặp đàn cá. Vào đêm trước ngày đi đánh cá, nhà các chủ ghe thường sáng đèn, mọi người một công việc chuẩn bị chu đáo cho buổi thả lưới hôm sau như: vá lại lỗ lưới thủng, mua dầu chạy ghe, lương thực cho bạn ghe…

Khu vực mà ngư dân Gò Công thường bắt được nhiều cá đối là vùng nước giao nhau giữa hai luồng nước màu đục (cửa sông cửa Đại đổ ra biển Gò Công) và nước trong xanh (nước biển) ở khu vực cồn ông Cả trên biển Gò Công. Vào mùa cá đối, nơi đây là nơi tập trung nhiều ghe đánh cá đối của Gò Công, tỉnh Bến Tre và cả tỉnh Long An đến đánh bắt.

Ra đến khu vực cồn ông Cả, anh Chín cho ghe chạy chậm lại. Các bạn ghe đứng ở mạn ghe ở khoang trước sẵn sàng thả lưới. Lúc này, chỉ mới 6 giờ sáng nhưng ngoài đây đã sáng hẳn, nhìn ra tứ phía đều thấy có nhiều ghe lưới cá đối của tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bến Tre và cả tỉnh Long An. Những cuộc trò chuyện từ mua, bán cá của ghe rỗi (ghe thu mua cá) đến hỏi thăm kết quả đánh bắt… của nhiều chủ ghe đánh cá vang lên liên tục trên chiếc máy bộ đàm gắn trên ghe càng làm không khí trên mặt nước thêm nhộn nhịp.

Động nước, một đàn cá đối hàng nghìn con nghe động nước nhảy lên, vảy cá lấp lánh trắng cả một vùng nước. Tuy nhiên, anh Chín vẫn chưa kêu thả lưới mà nhấn ga, điều khiển ghe chạy vọt lên song song theo đàn cá một đoạn nữa rồi mới kêu “Thả lưới!” Bạn ghe gấp rút, nhanh tay thả tay lưới bao (loại lưới để bắt cá đối, có gắn phao nổi) xuống nước. Ghe càng chạy, lưới thả xuống càng nhiều thì đàn cá càng nhảy loạn xạ, trắng xóa mặt nước.

Anh Chín bình tĩnh lái ghe kéo lưới theo một vòng tròn mà điểm cuối là đầu lưới có gắn phao lớn (can nhựa 20 lít rỗng nổi lên mặt nước) rồi tiếp tục chạy vào phía trong để lùa cá vào lưới. Ở mũi ghe, các bạn ghe liên tục dùng cây gõ mạnh vào mạn ghe để làm cá hoảng sợ, chui vào lưới. Xung quanh, nhiều chiếc ghe khác cũng thả lưới vây cá rồi lùa cá tạo nên không khí náo nhiệt cả một vùng nước.

Sau vài vòng lùa cá và thấy cá không còn nhảy nữa, các bạn ghe bắt đầu kéo lưới. Ngay từ đầu tay lưới, những con cá đối tươi rói, vảy trắng mắc lưới nằm lủng lẳng nhìn thật thích mắt. Cả tay lưới (có giá tiền gần 15 triệu đồng) có chiều dài độ 25 sải tay (mỗi sải dài khoảng 1,6 mét) mắc đầy cá đối dần dần được kéo lên khoang, thỉnh thoảng còn có một số cá khác cũng mắc lưới như: cá mòi, cá lăng, cá út, cá măng…

Đến trưa, khi phát hiện một đàn cá đối khác nhiều gấp nhiều lần đàn buổi sáng nên anh Chín lái ghe đuổi theo và hối thúc các bạn ghe thả lưới dù còn khá nhiều cá mắc lưới.  Đàn cá nhiều quá nên sau khi thả gần hết tay lưới mà vẫn chưa vây được. Mấy bạn ghe nhanh nhạy nối gần chục sải lưới cũ còn lại trên ghe mới bao hết đàn cá. Những con cá đối to bị lưới quây kín, động nước nhảy tứ tung, mắc trắng trên lưới. Vì cá nhiều quá nên một người trên ghe được lệnh cởi quần áo, nhảy ùm xuống nước, đeo đầu phao giữ lại vì sợ đứt phao là bầy cá tháo chạy. Sau khi quần quanh một số vòng, bạn ghe bắt đầu thu lưới. Tay lưới nặng trĩu với cơ man nào là cá đối lớn. Bạn ghe hào hứng nên làm việc quên cả mệt. Trên đường trở vào bờ, nhìn những đàn cá đối nhảy lao xao mặt nước, các bạn ghe tiếc rẻ nhưng đành hẹn để ngày hôm sau vì tay lưới đã mắc đầy cá đối còn nằm trên mũi ghe.

Gần một ngày thả lưới hôm đó, ghe của anh Chín đã bắt được gần 400 kg cá đối, chưa kể gần trăm kg cá mòi và vài loại cá khác. Cá đối được thương lái mua tại vựa ở rạch Bùn với giá 30.000-40.000 đồng/kg đối với cá nhỏ, riêng cá lớn có giá 100.000-150.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí của chuyến đi (tiền dầu, nước đá để ướp cá…), lợi nhuận còn lại được chủ ghe và 4 bạn ghe chia theo tỷ lệ 50/50.

“Mùa nào, cá nấy” là câu nói truyền miệng của những ngư dân vùng biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh lực lượng tàu đánh bắt ngoài khơi ở những ngư trường xa như nhà giàn DK1, Trường Sa…, các ghe lưới đánh bắt gần bờ giải quyết việc làm đã như mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân vùng biển để cải thiện đời sống.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Sắp có xe đón khách từ khu trung tâm mua sắm, vui chơi đến sân bay Tân Sơn Nhất

Sắp có xe đón khách từ khu trung tâm mua sắm, vui chơi đến sân bay Tân Sơn Nhất

Xe sẽ đón khách tại các điểm vui chơi, tham quan, mua sắm trong nội đô đến sân bay Tân Sơn Nhất, giúp người dân và du khách thuận tiện hơn trong việc đi lại.

Hàng hiệu đắt tiền nhưng mới nhìn giống như giấy vệ sinh, băng dính

Hàng hiệu đắt tiền nhưng mới nhìn giống như giấy vệ sinh, băng dính

Các nhà thiết kế nổi tiếng đã thể hiện sự sáng tạo vô biên khi đưa những món đồ dùng hàng ngày thành sản phẩm thời trang xa xỉ.

Ra mắt gần 100 năm, mẫu túi xách này vẫn đang được bán rất chạy

Ra mắt gần 100 năm, mẫu túi xách này vẫn đang được bán rất chạy

Túi Speedy là một trong những thiết kế mang tính nhận biết cao nhất của Louis Vuitton, được minh tinh Audrey Hepburn vô cùng yêu thích.

Ngành đường sắt tung nhiều khuyến mãi kích cầu dịp thấp điểm

Ngành đường sắt tung nhiều khuyến mãi kích cầu dịp thấp điểm

Ngành đường sắt đang triển khai nhiều khuyến mãi, giảm giá vé để kích cầu đi lại của người dân trong giai đoạn thấp điểm trước và sau lễ 30/4.

Thị phần mỹ phẩm Việt còn khiêm tốn

Thị phần mỹ phẩm Việt còn khiêm tốn

Báo cáo từ Nielsen cho hay, mức chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam đối với mỹ phẩm không nhiều, nhưng đang tăng dần theo thời gian. Chi phí trung bình mà một phụ nữ Việt Nam dành cho mua sắm mỹ phẩm đang ở mức 500.000 - 700.000 đồng/tháng...

Vài cách giúp phục hồi làn da sau Tết

Vài cách giúp phục hồi làn da sau Tết

Chúng ta trong những ngày nghỉ Tết có xu hướng thức khuya và ăn nhiều đồ cay nóng. Hãy chú ý những cách dưới đây để giúp làn da khỏe hơn nhé.