Thứ sáu, 19/04/2024

Xuất khẩu nông sản khởi sắc từ đầu năm

01/02/2023 6:40 AM (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có đơn hàng tăng trưởng mạnh trong những tuần đầu năm

Ngày 31-1, trao đổi với phóng viên, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, phấn khởi khoe công ty ông đã nhận lượng đơn hàng tăng khoảng 10% ngay trong tháng đầu năm 2023. Và ngay ngày đầu tiên đi làm (mùng 6 Tết), Phúc Sinh Group đã xuất 20 container hàng nông sản gồm cà phê, hạt tiêu, hồi, quế sang một số thị trường đúng tiến độ đã thỏa thuận với các đối tác.

Đơn hàng dồi dào

Theo ông Phan Minh Thông, nhu cầu về các mặt hàng nông sản - thực phẩm trên thế giới đang khá cao, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang đứng tốp đầu thế giới và có nhiều lợi thế cạnh tranh nên dù dự báo sản lượng xuất khẩu sẽ giảm 10%-15% vì giá tăng nhưng vẫn bảo đảm đầu ra cho ngành. 

Còn về hạt tiêu, Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch toàn cầu, nên giá tiêu tăng hay giảm thì xuất khẩu mặt hàng này năm nay cũng sẽ khả quan.

"Trong thế giới phẳng, nông dân Việt Nam ngồi nhà có thể biết chính xác giá nông sản giao dịch tại châu Âu, Mỹ… Vì vậy, nếu chỉ mua nông sản thô để xuất theo cách thông thường trước đây, DN sẽ khó kiếm lời. Cải tiến, chế biến sâu là giải pháp quan trọng, cũng là thách thức lớn đối với các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam" - ông Thông nhìn nhận.

Xuất khẩu nông sản khởi sắc từ đầu năm - Ảnh 1.

Nông sản, thủy sản là các lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023 Ảnh: NGỌC TRINH

Về phần Phúc Sinh Group, kế hoạch năm 2023 sẽ tiếp tục phát triển sâu, tiếp cận thêm nhiều thị trường để mở rộng thị phần xuất khẩu. Song song đó, đầu tư xây dựng thêm 4 nhà máy sản xuất để bảo đảm năng lực sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu các đơn hàng. "Trước mắt, trong năm nay sẽ có 2 nhà máy hoàn thành, đưa vào hoạt động; đến năm 2024 sẽ có thêm 2 nhà máy nữa. Chúng tôi đã nỗ lực lớn để đạt mức tăng trưởng hơn 35% trong năm 2022, mục tiêu năm nay là chinh phục mức 39%" - ông Thông chia sẻ.

Cũng có khởi đầu thuận lợi ngay từ đầu năm mới, Vina T&T Group chỉ nghỉ mùng 1, còn lại làm việc không ngừng để đáp ứng các đơn hàng đã ký. Từ ngày 28 tháng chạp, công ty này đã chuẩn bị kỹ lưỡng các mặt hàng chiến lược mới để xuất khẩu, kỳ vọng sẽ mang về doanh số tốt trong năm 2023. 

Cụ thể, ngay trong những ngày đầu năm Quý Mão, công ty này đã xuất lô sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc; các lô bưởi vào Mỹ, Singapore, New Zealand, Úc và nhãn vào Nhật… "Đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1 tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định thì những mặt hàng mới được cấp phép xuất khẩu chính ngạch liên tục có đơn hàng bổ sung theo ngày" - ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, thông tin.

Cẩn trọng với những thách thức mới

Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, các ngành hàng nông sản tươi sống của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa biên giới, gỡ bỏ chính sách "Zero COVID-19". Trong đó, xuất khẩu những mặt hàng giá trị cao như cua, tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ đã khôi phục mạnh ngay sau khi Trung Quốc mở cửa giao thương trở lại.

Cơ hội là vậy nhưng theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Trung Quốc không còn "dễ tính", các tiêu chuẩn ngày càng khó hơn, nhất là có những quy định, điều chỉnh rất bất ngờ đối với thủy sản nhập khẩu. Do đó, bên cạnh việc tận dụng lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, nhu cầu cao… thì để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường này, DN Việt Nam cần thay đổi cách làm. Cần xây dựng chiến lược chi tiết tới từng phân khúc khách hàng theo từng vùng miền, địa phương nhằm tăng tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Với xuất khẩu gạo, sau kỳ nghỉ Tết, giá gạo xuất khẩu tăng bình quân khoảng 10 USD/tấn, cụ thể gạo 5% tấm đang ở khoảng 470 USD/tấn, tăng 10 - 12 USD/tấn so với trước đó. Thị trường lúa gạo xuất khẩu và nội địa sôi động ngay từ đầu năm. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho hay từ cuối năm 2022, nhiều DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu tương đối lớn. Tuy nhiên, thường cuối vụ giá gạo rất thấp nhưng năm 2022, cuối vụ lại bán được giá khá cao, do vậy các hợp đồng ký cho vụ đông xuân năm 2023 sẽ có giá tốt hơn. Giá gạo tăng thì nông dân có thêm động lực mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng. "Năm nay chi phí cho lúa gạo đội lên khoảng 18%, chắc chắn sẽ đẩy giá đầu ra tăng theo. Các DN xuất khẩu gạo ít nhiều lo lắng vì nếu giá tiếp tục tăng thì những hợp đồng đã ký sẽ gặp rủi ro. Bên cạnh đó, lượng gạo tồn kho của các DN còn thấp nên khả năng đầu vụ đông xuân xuất khẩu sẽ khan hàng" - ông Nam nêu thực trạng.

Cũng theo doanh nhân này, trong năm 2023, nhu cầu tiêu dùng gạo của một số nước, trong đó có Trung Quốc, sẽ tăng nhưng nguồn cung lại giảm. Dự kiến, cả năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, thấp hơn năm 2022. Trước diễn biến của thị trường gạo xuất khẩu và nguồn cung lúa gạo, các DN có xu hướng xuất khẩu thận trọng nhằm linh hoạt ứng phó, hạn chế rủi ro mất lợi nhuận do giá lúa gạo trong nước tăng trong khi giá xuất khẩu đã chốt từ trước, không thể điều chỉnh theo giá thu mua. "Tại Intimex, chúng tôi có đơn hàng ổn định nhưng không xuất bán ồ ạt mà triển khai theo tiến độ và theo dõi sát diễn biến thị trường" - ông Nam nói thêm. 

Mở rộng thị trường và mặt hàng mới

Ngày 31-1, chủ trì hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu cả năm từ 6,5%, các Thương vụ cần giữ vững những thị trường truyền thống, phát triển các thị trường mới, nhất là thị trường có tiềm năng ở khu vực châu Á (gồm Tây Á, Nam Á), châu Phi và Mỹ Latin.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu hệ thống Thương vụ Việt Nam tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, quốc gia, DN, từ đó giúp DN trong nước điều chỉnh kịp thời những chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho phù hợp nhu cầu của thị trường.

Các đơn vị thuộc bộ hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục đàm phán mở rộng ngành hàng, nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam trong thời gian tới.

M.Chiến

Theo Người Lao Động

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay giải pháp tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng không còn đứng ở mức đỉnh "chót vót" ghi nhận trong ngày hôm qua đối với vàng nhẫn 9999, song giá vàng miếng SJC vẫn đang "đu đỉnh" gần 85 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia chỉ điểm "bình thường" và "bất thường" khi vàng "nhảy múa".

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Trong khi phân khúc chung cư tăng giá vùn vụt suốt cả năm 2023 kéo dài tới hiện tại vẫn ở biểu đồ đi lên thì đất nền, nhất là đất ven đô lại "ngủ" khá lâu.