Theo CNN, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2, các thị trường toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng lao đao vì các lệnh trừng phạt qua lại, đà phục hồi của kinh tế thế giới càng thêm căng thẳng.
6 tháng sau khi cuộc xung đột nổ ra, tình trạng bấp bênh vẫn bao phủ lên nền kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến khiến lạm phát thế giới leo thang, gây áp lực cho các cơ quan hoạch định chính sách trên khắp thế giới.
Chứng khoán giảm điểm
Người tiêu dùng đang xoay xở với chi phí sinh hoạt tăng cao. Doanh nghiệp cũng chật vật vì nhu cầu suy yếu và chi phí đi lên. Các doanh nhân đều phải theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở Ukraine.
"Đó vẫn là một yếu tố lớn", ông David Coombs - Trưởng bộ phận Đầu tư đa tài sản tại Rathbone - nhận định. "Không may là tình hình rất khó thay đổi", ông nói thêm.
Dù đã phục hồi mạnh vào mùa hè, chứng khoán Mỹ vẫn giảm 2,3% so với hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, tâm lý ảm đạm vẫn bao trùm thị trường.
Diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào bước đi tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, tình hình chiến sự tại Ukraine có thể ảnh hưởng tới động thái mới của ngân hàng trung ương Mỹ.
Cổ phiếu của các công ty châu Âu, vốn chịu tác động trực tiếp của xung đột và cuộc khủng hoảng năng lượng, đã sụt giảm gần 5%. Đáng nói, triển vọng có thể còn xấu hơn nữa.
Ông Coombs cho rằng cổ phiếu của các công ty châu Âu sẽ phục hồi mạnh mẽ nếu xung đột chấm dứt. Tuy nhiên, ông không mấy lạc quan về kịch bản này.
Thị trường hàng hóa biến động
Xung đột không chỉ tác động tới các thị trường chứng khoán toàn cầu. Giá lúa mì đã giảm mạnh sau khi tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3 do ảnh hưởng của xung đột.
Giá quay đầu giảm nhờ thỏa thuận về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Tuy nhiên, theo bà Tracey Allen - chiến lược gia nông sản tại JPMorgan Chase, các lô hàng của Ukraine vẫn gặp khó trong khâu hậu cần.
Thêm vào đó, bà cảnh báo thời tiết khắc nghiệt có thể khiến giá bật tăng trong những tháng tới.
Giá năng lượng cũng biến động mạnh do xung đột Nga - Ukraine. Giá dầu thô toàn cầu tăng vọt lên mức 139 USD/thùng vào đầu tháng 3. Tuy nhiên, giá đã quay đầu giảm do lo ngại rằng một cuộc suy thoái sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.
Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng vọt khi phía Nga liên tục tạm dừng dòng chảy năng lượng qua các đường ống quan trọng sang châu Âu. Nắng nóng kỷ lục cũng làm tăng nhu cầu sử dụng điện.
Người tiêu dùng và các ngành công nghiệp của châu Âu đang lao đao vì giá khí đốt tự nhiên tăng chóng mặt. Khu vực đồng tiền chung euro cũng gấp rút dự trữ khí đốt tự nhiên cho mùa đông. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị đe dọa bởi đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa hè và tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga.
Euro rẻ hơn USD
Thị trường ngoại hối toàn cầu cũng trồi sụt mạnh trong những tháng qua. Trong tuần này, đồng euro đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm so với đồng USD. Nguyên nhân là giới đầu tư lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy châu Âu vào suy thoái.
Tháng trước, đồng euro lần đầu rơi xuống ngưỡng 1 USD đổi 1 euro kể từ năm 2002.
Trong khi đó, sức mạnh của đồng USD tăng lên sau khi FED mạnh tay nâng lãi suất. Cùng với đó, giới đầu tư muốn đổ tiền vào một "bến đỗ an toàn" trong bối cảnh kinh tế biến động.
Đồng USD tăng giá sẽ là tin xấu cho những nền kinh tế mới nổi, có nợ hoặc nhập khẩu bằng đồng USD. Giới quan sát cho rằng đà tăng trưởng của đồng bạc xanh cũng tạo áp lực cho cả các nước phát triển hơn.
"Trong giai đoạn này, sự phục hồi bền vững của các đồng tiền chủ chốt so với đồng bạc xanh có vẻ khó xảy ra", nhóm chiến lược gia của ING nhận định.