Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới đây đã ban hành Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nông dân làm chủ
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Về tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Để thực hiện được những mục tiêu trên Nghị quyết đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc đề cao việc nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Cùng với đó là phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa.
Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính…
Nghị quyết cũng yêu cầu đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo hướng linh hoạt, hiệu quả; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao hơn; bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất chuyên lúa, hằng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể tại địa phương; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Khắc phục việc ùn ứ nông sản xuất khẩu qua biên giới
Về vấn đề nông sản, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu cần chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường.
Đặc biệt phải có giải pháp căn cơ để khắc phục hiệu quả, kịp thời tình trạng tiêu thụ khó khăn và ùn ứ nông sản xuất khẩu qua biên giới. Chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch; khẩn trương xây dựng các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, hệ thống kho, phương tiện bảo quản, đa dạng hóa phương thức vận tải.
Cùng với đó là phải có thông tin kịp thời các cam kết quốc tế và sự thay đổi chính sách của các thị trường nhập khẩu. Triển khai hiệu quả, thiết thực công tác quảng bá, xúc tiến thương mại dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chủ động phòng, chống gian lận thương mại; có các biện pháp phòng vệ phù hợp với cam kết quốc tế và kịp thời xử lý tranh chấp thương mại phát sinh…
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030
Tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5 - 6%/năm.
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm.
Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020.
Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%.
Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn.
Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, cả nước có hơn 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể. Trong đó, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 4.233 và chờ giải thể lên đến 7.410 doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Xin tòa khoan hồng cao nhất cho cô ruột Trương Mỹ Lan, bị cáo Trương Huệ Vân nói vụ án còn rất nhiều uẩn khúc, nhiều người đã chết.
Là dự án trọng điểm quốc gia, tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) tại Vũng Tàu với tổng đầu tư hơn 5 tỷ USD phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng 8. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu của siêu bão Yagi (bão số 3).
Trong bối cảnh lạm phát giảm và đồng Việt Nam tăng giá, ngân hàng quốc tế Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ không tăng lãi suất.