Đầu tháng 12-2021, tên tuổi của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây chú ý đặc biệt khi giành chiến thắng trong phiên đấu giá lô đất hơn 10.000m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với giá lên tới 24.500 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ đồng/m2).
Ngay sau khi kết quả đấu giá được công bố, dư luận bắt đầu tò mò và bàn luận nếu có đủ tiềm lực tài chính để sở hữu khu đất, doanh nghiệp (DN) này sẽ kinh doanh ra sao, khi thu hồi vốn đã khó nói gì lợi nhuận.
Một số chuyên gia tỏ ra dè dặt hơn: Hãy xem Tân Hoàng Minh có trả bằng “tiền tươi thóc thật” hay không. Sau đó DN này bất ngờ bỏ cọc thông qua một “tâm thư” gửi đến các lãnh đạo cấp cao, trong khi các cơ quan trực tiếp liên quan đến vụ đấu giá đất Thủ Thiêm lại không được đề cập trong “tâm thư”.
Như vậy, Tân Hoàng Minh chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng đặt cọc, một con số không hề nhỏ. Đổi lại họ được gì? Phải chăng đây là “nước cờ” đã được tính toán kỹ lưỡng?
Nhìn vào dữ liệu hoạt động của tập đoàn này, có thể nhận thấy Công ty Tổng Bách Hóa (mã chứng khoán TBH trên UPCoM), với phần lớn cổ phần thuộc về thành viên của Tân Hoàng Minh là CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh (96,65%), đã ghi nhận đà tăng vượt trội.
Từ ngày 13-8-2021, TBH giao dịch trên thị trường Upcom với hơn 93 triệu cổ phiếu (CP), mức giá tham chiếu 5.700 đồng/CP. Giá trị vốn hóa tại thời điểm này của Tổng Bách Hóa khoảng 530 tỷ đồng. Sau 4 tháng giao dịch, TBH đã có tới 17 phiên tăng trần.
Đặc biệt, sau thông tin Tân Hoàng Minh trúng giá đất khủng, TBH ghi nhận đà tăng mạnh mẽ. Đỉnh điểm là ngày 7-1-2022, trước khi Tân Hoàng Minh thông báo bỏ cọc vài ngày, TBH đã đạt mức 108.000 đồng/CP, tức tăng 1.260 lần so với mức giá ngày đầu ra mắt.
Giá trị vốn hóa từ vài trăm tỷ đồng lên hàng ngàn tỷ đồng. Đây là một hiện tượng lạ, bởi từ năm 2017 đến 2020, lợi nhuận của Công ty Tổng Bách Hóa liên tục âm. Báo cáo quý I-2021, lợi nhuận cả DN chỉ vỏn vẹn 15 tỷ đồng.
“Vây Ngụy cứu Triệu” là kế thứ 2 trong bộ 36 kế sách được sử dụng rất nhiều trong chính trị, quân sự thời xưa. Cho đến nay kế sách này vẫn giữ nguyên giá trị của nó khi được áp dụng trong các bài học cuộc sống và kinh doanh. Tuy khó nắm bắt nhưng nếu biết ứng dụng sẽ đem lại hiệu quả cao trong thực tế.
Nhìn vào con số doanh thu từ CP bán ra của Công ty Tổng Bách Hóa, dư luận cho rằng Tân Hoàng Minh đang sử dụng kế “vây Ngụy cứu Triệu”. 600 tỷ đồng bỏ cọc so với hàng ngàn tỷ đồng doanh thu từ bán CP (tăng giá) có nghĩa DN lãi lớn.
Bỏ “con tép”, bắt “con tôm” chăng?
Có thể nói, tháng 12-2021 là tháng đầy may mắn với Tân Hoàng Minh. Theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố, trong tháng 12-2021 hơn 9.400 tỷ đồng trái phiếu đổ về 3 công ty có mối liên hệ mật thiết với Tân Hoàng Minh.
Và đặc biệt hoạt động huy động vốn diễn ra mạnh nhất sau vụ đấu giá Thủ Thiêm. Trong khi đó, những thông tin cơ bản như lãi suất, mục đích huy động, trái chủ, các đơn vị tham gia thu xếp, tài sản đảm bảo... của các DN trên lại khá ít ỏi.
Thực tế, trước đó các DN khác cũng đã đẩy mạnh huy động vốn bằng trái phiếu. Cụ thể, CTCP Cung Điện Mùa Đông huy động thành công tổng cộng 450 tỷ đồng thông qua 2 lô trái phiếu. Đây là các trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cố định 11,5%/năm.
Hay CTCP Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn Soleil cũng huy động thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng vào đầu tháng 11-2021, lô trái phiếu 450 tỷ đồng (tháng 8) và 800 tỷ đồng (tháng 7). Tổng giá trị huy động từ đơn vị này lên đến 1.750 tỷ đồng với lãi suất 11,5-11,75%/năm.
Rồi sau đó Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt cũng huy động thành công các lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng, lãi suất 11,5-12%/năm.
Việc cấp tập huy động vốn bằng trái phiếu của nhóm công ty trên diễn ra ngay sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Như vậy, trong khoảng thời gian tháng 7 đến tháng 12-2021, nhóm DN tham gia đấu giá đã có thể thu hút về 14.320 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, chưa kể các kênh khác như vay ngân hàng...
Nhìn vào bức tranh tổng thể, 2021 là năm nhiều khó khăn với nền kinh tế và DN bởi sự tác động của dịch bệnh, không ít DN lao đao phá sản. Tuy nhiên, sau thông tin đấu giá đất khủng, giá BĐS lại được đà tăng lên. Đây là tin vui với những DN sở hữu các quỹ đất lớn, nhưng lại là tin buồn với người dân có nhu cầu thực sự. Bởi khi đã lên cao, mặt bằng giá mới được thiết lập, giá BĐS khó quay đầu trở lại.
Vụ việc của Tân Hoàng Minh cũng cho thấy những kẽ hở trong các quy định về đấu giá đất đang tạo điều kiện cho “ai đó làm mưa làm gió” và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Nhận xét về điều này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng việc sớm xem xét điều chỉnh các quy định về đấu giá cấp thiết, tránh trường hợp gây lũng đoạn thị trường và huy động vốn trá hình của các DN.
“Khi vốn đổ vào BĐS, chứng khoán sẽ bị ngân hàng siết chặt, các DN sẽ tìm mọi cách để lách luật huy động vốn. Thậm chí, DN có thể dùng các “cò” để tạo những giao dịch giả nhằm tạo nên làn sóng sốt đất ảo, từ đó đánh vào tâm lý FOMO của nhà đầu tư để huy động vốn. Nhà đầu tư thường không nắm được đầy đủ thông tin của DN lẫn thị trường do bị “tung hỏa mù”, nên đây là rủi ro rất lớn” - TS. Lê Đăng Doanh nói, và cho rằng DN dùng thủ thuật để huy động vốn thành công, nhưng đổi lại về lâu dài cái mất của DN sẽ lớn hơn, vì mất niềm tin của thị trường.