Thứ ba, 05/11/2024

CEO nhảy nhót thì có gì hay?

04/11/2024 4:30 PM (GMT+7)

Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ

Sáng, mở báo mạng ra thấy rần rần các bài viết CEO vừa hát vừa nhảy "Bên trên tầng lầu" -- thấy hoang mang quá. Vừa có "nhảy", lại vừa có "lầu", ở một thời buổi khá nhạy cảm.

Dụi mắt nhìn lại, hóa ra là một CEO ngân hàng đang làm "dậy sóng" mạng xã hội bằng cách vừa hát hò và nhảy nhót trên nền nhạc bài hát có tên "Bên trên tầng lầu". Hú hồn. Cứ tưởng.

Một tờ báo tóm tắt lại thế này: "Video ca khúc Bên trên tầng lầu do CEO MB Phạm Như Ánh cùng ca sĩ Tăng Duy Tân trình diễn được lan truyền rộng rãi, thu hút hơn 900.000 lượt xem trên mạng xã hội. Phần lớn các bình luận khen ngợi tinh thần sáng tạo, cởi mở và năng động của ban lãnh đạo ngân hàng. Ngoài ra, không ít người bày tỏ bất ngờ với tài ca hát và vũ đạo của CEO MB. Tại hiện trường, màn trình diễn cũng nhận được tràng pháo tay lớn, tất cả người xem đều đứng dậy cổ vũ hào hứng".

CEO nhảy nhót thì có gì hay? - Ảnh 1.

CEO MB Phạm Như Ánh (bên phải) và ca sĩ Tăng Duy Tân. Ảnh: MB

Như vậy rõ rồi, khen là chính, sáng tạo, cởi mở, năng động. Còn chỗ không hay như hát và nhảy thì báo dùng uyển ngữ "bày tỏ bất ngờ". CEO MB là Tổng giám đốc ngân hàng quân đội, là ngân hàng quốc doanh khá đóng kín, như vậy khen cởi mở, năng động cũng hợp lý. Một ngân hàng khá đóng kín đang chuyển mình hướng tới nắm bắt "insight". Mà insight là gì, là những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu, mong muốn, động lực và hành vi của khách hàng.

Ngày trước, người làm ăn hay tự lẩm bẩm "quan trọng là cái tư duy". Bây giờ câu đó sẽ đổi thành "quan trọng là cái insight". Chừng như biết insight là phải nhắm vào GenZ và vào các tương tác mạng xã hội nên các ngân hàng đang đua nhau "insight".

Trong một tối cuối tuần ta sẽ có các gameshow và chương trình thực tế ăn khách như sau: "Anh trai vượt ngàn chông gai" do ngân hàng TCB tài trợ, "Anh trai say hi" được ngân hàng VIB bơm tiền, "Our Song" có ngân hàng VPB đồng hành, "Vũ trụ đồng tiền" với tài trợ chính là ngân hàng BIDV… Còn nhiều nữa nhé. Các ngân hàng đang giàu nhất nền kinh tế, đến lúc họ phải "gánh team" cho showbiz.

Năm ngoái, CEO ngân hàng ACB làm dậy sóng mạng với màn trình diễn "Cô đơn trên sofa"; CEO Standard Chartered Việt Nam xuất hiện với cây đũa nhạc trưởng. Và bây giờ là CEO của MB "Bên trên tầng lầu".

Như vậy sau showbiz, lũ-biz, tu-biz, giờ ta có bank-biz. Mở ngoặc giải thích, lũ-biz là các chuyện xung quanh giới nổi tiếng làm từ thiện trong những đợt lũ lụt. Tu-biz là chuyện xung quanh các cách nhà sư kiếm tiền cúng dường từ bá tánh. Còn bank-biz thì là chủ đề ta đang nói.

Thật ra, các CEO hát hò, nhảy múa đâu phải chuyện lạ. Năm nào các công ty, tập đoàn cũng tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, tổ chức đại hội cổ đông. Ngày diễn ra sự kiện thể nào chẳng có chương trình văn nghệ. Các chủ tịch, CEO máu văn nghệ thế nào chẳng lên sân khấu "làm vài tiết mục cho vui".

Bây giờ, các sự kiện nội bộ được xây dựng để trở thành một sự kiện mạng xã hội, quảng bá thương hiệu, văn hóa công ty, abc xyz loằng ngoằng một loạt ý nghĩa mà dân chuyên tổ chức sự kiện sẽ liệt kê ra để lấy hợp đồng. Các sự kiện kiểu này ngày càng có quy mô lớn, âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp hạng nhất, mời ca sĩ cát-xê bạc tỉ đến hát.

Rồi trong sự kiện, đạo diễn thế nào chẳng gợi ý với lãnh đạo máu văn nghệ "hay em dàn dựng một bài chuyên nghiệp anh hát để đời", và rồi "bác phải hát và nhảy để mang tới các thông điệp đầy năng động tới khách hàng", và rồi "anh lên hát không chỉ gia tăng thương hiệu tập đoàn mà còn làm tăng thương hiệu cá nhân của anh".

Thật ra, đó không phải nịnh. Mà để đạt KPI. Công ty sự kiện trọn gói giờ làm gì cũng phải cam kết bao nhiêu view, like, share trên các nền tảng mạng xã hội. Có anh CEO lên hát, chả cần ngon bổ rẻ, chỉ cần độc lạ, gây tò mò, thế là đạt KPI dễ như bỡn. Team marketing chạy nửa năm không bằng chủ tịch hát một bài.

Vị CEO MB không phải ở "Bên trên tầng lầu" để "hát cho vui". Có dàn dựng hoành tráng, tập dợt không ít, và sau đó báo chí lên bài rất nhịp nhàng, toàn dùng từ thời thượng: cực chất, cực đỉnh, cực hot, gây sốt, gây bão…

Sử dụng phát ngôn, hình ảnh của lãnh đạo vốn là một chiến lược PR quen thuộc. Nhưng sử dụng đến mức độ nào thì quản lý truyền thông của công ty nên xác định rõ. Hình ảnh CEO không tách rời công ty được, nhưng trong nhiều trường hợp, hình ảnh CEO quá lớn át luôn thương hiệu công ty. Điều này không tốt cho một công ty khi thương hiệu một tập thể phụ thuộc nhiều vào một cá nhân. Và khi cá nhân đó đi chỗ khác rồi gặp phải bê bối nào đó thì sao?

Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ, bên cạnh một số ít về đời sống cá nhân, như kiểu Mark Zuckerberg.

Có một CEO nổi tiếng như celebrity (người nổi tiếng) là một điều tốt với công ty. Trong một lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, việc sử dụng hình ảnh CEO như thế nào cũng là một bài toán PR cần giải quyết. Làm tốt thì đúng là bằng cả team marketing chạy KPI nửa năm. Nhưng không tốt thì "ơ kìa" ngay.

Hôm qua, có bạn tâm sự trên mạng: "Mới gom được ít cổ phiếu MBB thì CEO hát ‘không còn tương lai’ thế này thì thôi tuần sau em bán sớm". Thì ra trong bài hát "Bên trên tầng lầu" có ca từ thế này:

Không còn tương lai em cũng chẳng còn thương ai

Thế nên tôi cũng chế lời bài hát để an ủi bạn như này:

Vì sao em phải khóc
Có đáng để buồn đâu
Chứng khoán như cơn lốc
Thoáng phút chốc lướt qua thật mau
Vì sao em phải khóc
Vì sao em phải khóc
Buông bàn tay để chấm hết tất cả thứ làm em buồn

Chúc CEO ngân hàng vui, chứng khoán lên, và làng bank-biz ngày càng thịnh vượng.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Thị trường chứng khoán "thấp thỏm" chờ "biến"

Thị trường chứng khoán "thấp thỏm" chờ "biến"

Thị trường chứng khoán "thấp thỏm" khi các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và những hậu quả tiềm tàng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Nhà đầu tư vàng đứng "ngoài đường biên" chờ đoạn kết cuộc tranh cử

Nhà đầu tư vàng đứng "ngoài đường biên" chờ đoạn kết cuộc tranh cử

Lo ngại những rủi ro thể xảy ra trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, không ít nhà đầu tư vàng đã đứng "ngoài đường biên" thị trường để chờ đợi đoạn kết cuộc tranh cử.

Năm tác động kinh tế quan trọng nhất từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Năm tác động kinh tế quan trọng nhất từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 sẽ có những tác động kinh tế sâu rộng, từ cách người Mỹ bị đánh thuế cho đến cách nước này giao thương với phần còn lại của thế giới.

Xây dựng đô thị vệ tinh, TP.HCM và Hà Nội không thể không phát triển theo TOD

Xây dựng đô thị vệ tinh, TP.HCM và Hà Nội không thể không phát triển theo TOD

TP.HCM và Hà Nội đang thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Nếu lấy tiêu chí 10 triệu dân làm chuẩn cho một siêu đô thị, TP.HCM sẽ trở thành siêu đô thị đầu tiên của cả nước

TP.HCM gỡ vướng pháp lý cho 8 dự án bất động sản

TP.HCM gỡ vướng pháp lý cho 8 dự án bất động sản

UBND TP.HCM cho biết từ tháng 5/2023 đến nay, thành phố đã tháo gỡ vướng mắc hoàn toàn cho 8 dự án bất động sản trên địa bàn.

TP.HCM tập trung gỡ pháp lý cho hàng chục dự án nhà ở xã hội

TP.HCM tập trung gỡ pháp lý cho hàng chục dự án nhà ở xã hội

Trong 4 năm qua, TP.HCM chỉ mới đã hoàn thành 6 dự án nhà ở xã hội. Hiện tại, thành phố đang tìm giải pháp để gỡ pháp lý cho gần 30 dự án, tăng nguồn cung nhà ở.