Thứ ba, 05/11/2024

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt

25/10/2024 6:12 PM (GMT+7)

Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?

Trên diễn đàn của một tờ báo, phần lớn độc giả trả lời cát-xê như vậy quá cao.

Câu trả lời là cao đến trong bối cảnh một người có thể đi làm cả đời mà không tiết kiệm được 2 tỉ đồng, đến 70-80% người Việt Nam chúng mình là như vậy đó. À, trong 70-80% đó, một bộ phận không nhỏ kiếm tiền không đủ để chi phí cho sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Trong bối cảnh các khu công nghiệp đã sa thải công nhân hàng tuần, các khu nhà trọ ngày nào nhộn nhịp giờ hắt hiu bóng người.

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt - Ảnh 1.

Thực hư tiền cát-xê trong giới showbiz vẫn là chuyện không công khai. Ảnh minh họa

Còn số người mà như một shark trên gameshow Thương Vụ Bạc Tỉ nói "tôi nghĩ một gia đình có khoảng 100 tỉ thôi là đủ", trong xã hội mình chỉ là con số ít thôi.

Con số 2 tỉ đó là cao trong bối cảnh xã hội nhìn nhận không thấy có một ca sĩ nào xuất chúng. Không nói đến xuất chúng, chỉ cần ca sĩ văn minh, hát văn minh, cư xử văn minh cũng hiếm. Hát hò không nghe rõ có phải tiếng Việt hay không. Nổi tiếng không phải từ các sản phẩm âm nhạc, mà từ các chương trình truyền hình thực tế với đủ các chiêu trò cố gây tò mò cho người xem.

Con số 2 tỉ đó là cao trong bối cảnh người người nhà nhà nghe nhạc free trên các mạng xã hội, rồi hát bằng loa kẹo kéo tra tấn hàng xóm. Giờ hứng thú mới của thị dân là nằm xem livestream bán hàng trên TikTok, xem các tiểu phẩm hài của các diễn viên nghiệp dư. Nhạc nhẽo cũng nhạt nghe rồi. Vậy thì ca sĩ đi show mà tới 2 tỉ, nghe có nhầm không?

Kỳ thực, từ xưa đến nay, chưa thấy ca sĩ nào khoe bán album nhạc được bao nhiêu tiền, chỉ thấy khoe hát show hoặc xuất hiện ở sự kiện tiệc tùng, cát-xê quảng cáo được bao nhiêu tiền. Chắc bán album không được bao nhiêu.

Bán được bao nhiêu album, lưu diễn được bao nhiêu buổi, hợp đồng ghi âm trị giá thế nào mới là thước đo giá trị của một ca sĩ. Người ca sĩ không sống bằng quảng cáo tài trợ, hát show mà bằng tiền từ chính khán giả đưa đến. Và chính ca sĩ còn tạo ra doanh thu rất lớn cho thành phố họ đến biểu diễn, người xem từ các nơi khác đến tiêu tiền vào giao thông, khách sạn, ẩm thực và các dịch vụ khác của thành phố. Ca sĩ Taylor Swift chỉ trong hơn 40 buổi diễn ở Mỹ năm ngoái đã tạo ra doanh thu 5,7 tỉ USD cho các thành phố cô đến.

À, đó là ca sĩ bên tây. Xin lỗi, lại lan man lạc đề rồi.

Còn ca sĩ Việt Nam, không có hát show, đi sự kiện, quảng cáo thì chỉ có phá sản. Giành mãi để được một vé vào chương trình truyền hình thực tế để được khán giả biết mặt, đầu tư sản xuất MV, lập kênh cá nhân mua view suốt để phấn đấu từ hạng C, D, E lên hạng A, B mà không có ai đặt show chẳng phải phá sản còn gì?

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt - Ảnh 2.

Sân khấu hoành tráng, rực rỡ của một sự kiện. Ảnh TL

Nhưng con số cát-xê 2 tỉ đồng một show đó có thể không cao.

Chính tờ báo đó viết chỉ có một ca sĩ làm được điều này, và chỉ có 1-2 show được trả lên đến 2 tỉ, còn lại là từ 1,2 tỉ đến 1,6 tỉ. Nếu ca sĩ hạng S đó hát 3 bài và lấy 2 tỉ thì chắc chắc là cao. Nhưng hát 20-25 bài trong show, 2 tỉ rõ ràng không cao.

Mà 2 tỉ đó chắc gì là tiền tươi chuyển vào tài khoản ca sĩ? Hợp đồng 2 tỉ trong đó có tiền vé máy bay hạng thương gia khứ hồi và ăn ở khách sạn sang cho cả ê-kíp ca sĩ thì sao? Tiền cho vệ sĩ thì sao? Thuế thu nhập tự đóng thì sao? Một phần trả bằng hiện vật thì sao? Rồi phải tự bỏ tiền ra để thuê hòa âm phối khí lại các bài hát cho mới mẻ?

Các nhãn hàng họ chi tiền đều tính đến hiệu quả hết rồi. Một cầu thủ chỉ được lĩnh đủ tiền nếu anh đá đủ số trận, ghi đủ số bàn, chấn thương ngồi ngoài chỉ được hưởng lương cơ bản. Thì các ca sĩ cũng vậy, họ cũng phải đảm bảo nghĩa vụ cho nhãn hàng là cam kết lan tỏa được thế nào trên các mạng xã hội, trên các kênh thảo luận. Nếu không thì làm sao được trả đủ tiền. Đâm ra nhiều ca sĩ dù không muốn cũng phải bày trò này trọ nọ để gây chú ý, để tạo lan tỏa.

Để tạo lan tỏa hiệu quả, mình họ đâu làm được? Họ phải thuê ê-kip làm sáng tạo, truyền thông, make-up, stylish, lan tỏa, hòa âm… Ê-kip càng hay thì phải trả lương càng cao. Không có show thì ca sĩ vẫn phải trả tiền nuôi ê-kip.

Mà một ca sĩ thuộc kiểu bắt trend thì có trụ được lâu đâu. Chỉ được vài năm, hoặc nhiều năm thì cũng đến hạn 35 tuổi là hết. Nên ca sĩ hết thời, không được mời đi show ra livestream bán hàng trên TikTok nhan nhản.

Con số cát-xê 2 tỉ đồng một show cũng thuộc vào phạm trù "văn hóa tạo huyền thoại".

Huyền thoại là một niềm tin được chấp nhận rộng rãi, bất kể nó đúng hay sai. Nhu cầu tạo ra huyền thoại trong các ngành nghệ thuật, biểu diễn rất lớn. Anh muốn bán cái gì được giá cao, nhất định anh phải nâng tầm nó lên thành huyền thoại.

Một bức tranh nếu bán cho người khác thì chỉ thu được 1 đồng. Nhưng nếu để cho một nhà sưu tập bán, anh ta sẽ bán được 1.000 đồng.

Vì anh ta biết tạo ra huyền thoại vây quanh người họa sĩ. Anh ta cũng tự xây dựng mình thành một hình tượng mang tính huyền thoại. Anh ta sành ăn, sành mặc, sành trang trí nội thất, chăm chút cho căn nhà của mình, sành nói chuyện về lịch sử, về hội họa, và khách đến nhà anh ta là những người giàu xổi, mới giàu rất sùng bái cái sự sành sỏi của anh ta. Thì việc bán bức tranh giá trị 1 đồng được 1.000 đồng đâu có khó.

Có người tự tạo huyền thoại cho mình. Có người được người đời dựng lên huyền thoại. Ví dụ nhà thơ Hàn Mặc Tử, ông có tự tạo cho mình huyền thoại đâu. Người đời sau tạo nên huyền thoại về bệnh tật và những người tình [chỉ là] trong mộng của ông, để rồi ông được nhớ mãi.

Ca sĩ này nói bỏ 5 tỉ làm MV, nghệ sĩ khác nói giá đi show 2 tỉ, nhãn hàng này bảo trả ca sĩ 1 tỉ cho 3 bài hát, liveshow ca nhạc nọ bảo bán được 10.000 vé.

Trên mạng xã hội người ta đang bóc phốt rần rần cái chuyện ban tổ chức công bố hai show diễn Anh Trai Say Hi ở TP.HCM thu hút được 78.000 khán giả đến trực tiếp theo dõi. Trong khi phân tích chi tiết về diện tích địa điểm thì hai đêm nhạc cộng lại chỉ có sức chứa 30.000 đến 35.000 người.

Tất cả đều nhằm tạo ra huyền thoại. Tới được tầm huyền thoại bán mới được giá. Đến khi rơi mặt nạ thì huyền thoại mất giá cũng là thường. Còn nếu bị bóc phốt ngay thì coi như là mình nổ cho vui, là phông bạt một chút. Cả xã hội người ta phông bạt, mình phông bạt một chút có sao đâu.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Vinmec có “siêu phẩm” chụp CT 1975 lát cắt, tối ưu phát hiện ung thư, đột quỵ

Vinmec có “siêu phẩm” chụp CT 1975 lát cắt, tối ưu phát hiện ung thư, đột quỵ

Ngày 4/11/2024, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang (Khánh Hòa) đưa vào sử dụng hệ thống Hệ thống CTScan GE Revolution Apex 1975, giúp phát hiện chính xác cả những tổn thương nhỏ nhất liên quan ung thư, đột quỵ.

Vừa xem căn hộ 3 phòng ngủ tại Hanoi Melody Residences, khách hàng lập tức "chốt"

Vừa xem căn hộ 3 phòng ngủ tại Hanoi Melody Residences, khách hàng lập tức "chốt"

Các khách hàng mê mẩn "chốt" ngay căn hộ 3 phòng ngủ tại Hanoi Melody Residences khi mang đến cảm xúc mãnh liệt về một tổ ấm đầy ắp giá trị sống, từ sống khỏe, sống tiện nghi tới sống hòa hợp cùng thiên nhiên.

Thách thức từ phân bổ ngân sách và giải ngân đầu tư công

Thách thức từ phân bổ ngân sách và giải ngân đầu tư công

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính việc phân bổ và giải ngân ngân sách đầu tư công hiện nay là một trong những thách thức hàng đầu do các quy định thủ tục quá chặt chẽ.

Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Dù ứng cử viên nào sẽ trở thành tân Tổng thống Mỹ, quan hệ thương mại, đầu tư và kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục phát triển dựa trên những kết quả đã tích lũy được, theo các chuyên gia.

Một Phó tổng giám đốc ngân hàng VIB đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu

Một Phó tổng giám đốc ngân hàng VIB đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu

Ông Hồ Vân Long - Phó tổng giám đốc VIB thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ VIB, các giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 07/11 đến hết ngày 6/12/2024 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Thị trường chứng khoán "thấp thỏm" chờ "biến"

Thị trường chứng khoán "thấp thỏm" chờ "biến"

Thị trường chứng khoán "thấp thỏm" khi các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và những hậu quả tiềm tàng đối với nền kinh tế toàn cầu.