Nếu ai chưa từng nghe đến cái tên chợ Miên (hay chợ Campuchia) có lẽ cũng sẽ lướt qua quán Tư Xê như bao hàng quán đông đúc, chen chúc trong khu vực chợ Lê Hồng Phong ở Q.10, TP.HCM. Nhưng đã được một người quen mách trước, tôi chủ đích ghé vào để thưởng thức món điểm tâm đặc biệt ở đây là bún Num-bo-chóc, cùng với hy vọng lắng nghe những ký ức ẩn chứa qua cái tên "chợ Miên".
Nằm giữa giữa khu chợ đông đúc, nhộn nhịp nhưng nhìn vài thực khách không có vẻ là những người đi chợ tiện thể tấp vào ăn sáng. Hỏi ra mới biết là họ ở xa nhưng cũng vì quen hương vị món bún Num-bo-chóc mà tìm đến. Bắt chuyện thêm thì tôi càng thú vị khi nhiều thực khách ngồi chung dãy bàn đều từng có thời gian sinh sống ở Campuchia, có những người đã biết nhau từ trước.
Như dì Sáu dù nhà ở tận chợ Gạo, Chợ Lớn, nhưng một mình đi xe gắn máy ra tới Q.10 để ăn tô bún Num-bo-chóc của quá Tư Xê. Dì cởi mở cho biết mình là Việt kiều Campuchia hồi hương từ năm 1970, trước đó đã có quãng thời gian sinh sống và buôn bán ở nước bạn hơn 10 năm. Vì vậy, mảnh đất Campuchia dù sao cũng đã là một ký ức trong cuộc sống của dì Sáu, thỉnh thoảng vẫn gợi lại những nhung nhớ.
Dì Sáu tâm sự: "Có những lúc nhớ ở bển mà chạy ra Tản Đà, Q.5, lên xe khách đi một mạch tới PhnomPenh (Campuchia) chỉ để ăn một tô bún rồi về". Nói vậy để thấy dì từ chợ Gạo chạy một mạch đến quán Tư Xê điểm tâm để tìm chút hoài niệm thì chả có gì là mất công.
Biết tôi lần đầu ăn bún Num-bo-chóc, chị Lan ngồi cạnh đã giới thiệu thêm về món bún cá có hương vị nổi trội của cà ri và thoảng thoảng vị mắm bồ hóc của người Campuchia. Chị cũng là một Việt kiều Campuchia về lại Việt Nam cùng gia đình lúc còn nhỏ, hiện giờ thỉnh thoảng có công việc cũng đi đi về về giữa 2 nước.
Chị Lan kể khu vực này trước đây toàn người về từ Campuchi, tái định cư và buôn bán xung quanh. Sau này mới xây chợ đặt tên là chợ Lê Hồng Phong nhưng người dân vẫn quen miệng gọi là chợ Miên. Cho đến giờ, trong số những người hồi hương ở lại đây không còn nhiều, có người dọn đi nơi khác, có người lớn tuổi rồi mất dần…, hàng quán xưa với nhiều món ngon ở đây cũng theo đó mà không còn.
Còn theo lời chị Ngọc, chủ quán Tư Xê, thì hàng quán ăn uống đúng chất Campuchia do những hộ Việt kiều hồi hương từ những năm 1970 bán đến giờ thì chỉ còn lại 4-5 quán, những chủ nhân đều là thế hệ thứ hai. Cũng như chị là người tiếp nối công việc buôn bán thực phẩm khô nhập từ Campuchia về của má mình là bà Tư Xê. Cái tên quen thuộc với khách trong nước lẫn Việt kiều ở Mỹ, Pháp vẫn giữ cho đến giờ.
Đa số những người thích hương vị ẩm thực Campuchia tìm đến quán để ăn bún Num-bo-chóc và mua các loại khô, mắm của Campuchi, đặc biệt là món khô cá tra Biển Hồ của quán. Riêng món bún thì chỉ bán buổi sáng, còn khô, mắm, lạp xưởng… thì bán cả ngày.
Chị Ngọc có phong cách buôn bán lịch sự, chân tình nên cũng là yếu tố khiến khách nhớ lâu, luôn tìm mua dù ở xa. Việt kiều các nước cũng thường xuyên đặt hàng, có lúc quán không kịp hàng để xuất đi. Chị cũng là số ít thành viên trong gia đình đến giờ vẫn còn nói được tiếng Campuchia. Vì vậy, nhiều người Việt khi du lịch sang đó thường gọi về nhờ chị chỉ dẫn, bày vẽ thêm… Chị luôn sẵn lòng tư vấn.
Họp thành cái chợ nhỏ góp phần lưu giữ cái tên cũng như ký ức về chợ Miên đến giờ còn có quán chè Cô Có hay các món bánh, chuối nướng Campuchia của chị Thúy, đối diện quán Tư Xê… Tất cả nằm lọt thỏm giữa đông đúc hoạt động buôn bán tại con hẻm của khu chợ Lê Hồng Phong.
Đông khách sau quán Tư Xê có lẽ là quán chè Cô Có với nhiều đồ ngọt đậm hương vị Campuchia như chè bí đỏ, xôi Xiêm… Cô Có là một phụ nữ trung niên, cũng là người tiếp nối việc buôn bán của mẹ mình, từ một bàn bán chè nhỏ trong chợ mà gầy dựng thành tiệm chè được nhiều người biết đến tận bây giờ.
Đi xa hơn chút hướng ra vị trí giáp với chợ hoa Hồ Thị Kỷ là quán hủ tiếu Nam Vang Phú Quí. Thực khách đến đây dễ dàng nhận ra quán bởi bảng hiệu nhuốm màu thời gian vốn giữ nguyên từ xưa đến giờ, trải qua 5 thập kỷ. Cô Giàu người gốc Triều Châu, cũng là người theo gia đình trở về lại Việt Nam sau năm 1970 cho biết quán của gia đình trước đây bán ở thủ đô PhnomPenh sát cạnh chợ Lớn Mới. Món hủ tiếu Nam Vang ở quán là đúng gốc kiểu Campuchia, điểm khác biệt với hủ tiếu Nam Vang người Hoa là vị ngọt hoàn toàn từ đường chứ không nêm bột ngọt.
Nhiều năm gần đây, khu vực chợ Miên vào buổi chiều đã hình thành một khu phố ẩm thực lớn thu hút rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là dịp cuối tuần với đủ các món ăn chơi. Tuy nhiên, đâu đó trong cách gọi của người trẻ, trong trí nhớ của người lớn thì cái tên chợ Miên (chợ Campuchia) vẫn được nhớ, như cách người ta nhớ hương vị bún Num-bo-chóc quán Tư Xê, chè quán Cô Có, hủ tiếu Nam Vang Phú Quí…
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.
Nhiều tiệm vàng ở TP.HCM có diễn biến khá lạ vào hôm nay. Trong khi giá vàng miếng SJC tại các “ông lớn” giữ nguyên so với hôm qua thì có tiệm vàng quyết định tăng rất mạnh giá mua vào để "gom" hàng.