"Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản", ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, cho biết.
Nhận định này của ông Hoa được đưa ra giữa bối cảnh thị trường bất động sản cả nước đang trong giai đoạn chững lại, nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu vốn và gặp khủng hoảng tài chính.
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản, toàn ngành địa ốc nhìn chung đang đương đầu với nhiều khó khăn và đối diện hàng loạt thách thức. Điều này xuất phát từ sự đứt gãy dòng tín dụng trên thị trường.
Doanh nghiệp đồng loạt phá sản
“Việc áp lực lạm phát và lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn nóng khiến chi phí lãi vay cũng không thể hạ nhiệt tại thị trường Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Lập chia sẻ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản cho rằng thị trường địa ốc đang gặp khó khăn do vấn đề tắc nghẽn vốn và lãi suất cho vay tăng cao. Ông Lập khẳng định chỉ khi nào các vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp được giải quyết, nguồn vốn được khơi thông, áp lực lạm phát suy giảm, lãi vay về mức hợp lý, khi đó thị trường mới có thể phục hồi.
Nguồn cung dự án mới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do vấn đề pháp lý, cùng với đó là các thay đổi trong chính sách pháp luật và quy hoạch
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản
Đây là sẽ là một bài toán khó cho các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp. Trong đó, các chính sách của Nhà nước sẽ là lời giải đặc biệt quan trọng đối với thị trường.
“Nguồn cung dự án mới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do vấn đề pháp lý, cùng với đó là các thay đổi trong chính sách pháp luật và quy hoạch”, ông Lập nhận định thêm về bối cảnh thị trường hiện tại.
Vấn đề mà ông Nguyễn Đức Lập chia sẻ đang phản ánh thực tế tình trạng hiện tại của toàn ngành địa ốc. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), gần 1.200 doanh nghiệp trong ngành đã tuyên bố phá sản, giải thế vào thời điểm cuối năm 2022, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Người dân chật vật mua nhà
Doanh nghiệp bất động sản lao đao, câu chuyện tìm nơi an cư của người dân có nhu cầu mua nhà ngày càng khó khăn.
Theo PGS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, sự lệch pha cung cầu bất động sản thể hiện rõ trong việc thị trường khan hiếm sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực. Ngoài ra, sự thiếu hụt của phân khúc nhà ở giá rẻ đã khiến giá các căn hộ bị đẩy lên cao.
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, giá bất động sản Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.
"Người Việt Nam trung bình cần ít nhất hơn 23 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia trên thế giới”, ông Cấn Văn Lực chia sẻ.
Dựa trên số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nguồn cung của thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm vào năm 2022, tương đương hơn 20% so với năm 2018. Đáng chú ý, cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp.
Dù thị trường bất động sản đang phải trải qua một giai đoạn đầy sóng gió, ông Nguyễn Đức Lập vẫn cho rằng năm 2023 vẫn tồn tại một số điểm sáng đối với ngành.
“Nhiều quy hoạch tổng thể ở các địa phương sẽ được thông qua sau khi Quốc hội phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia. Nhiều dự án hạ tầng chiến lược được triển khai rộng khắp sẽ góp phần kích thích thị trường bất động sản hồi phục”, ông Nguyễn Đức Lập nhận định.
Ông Lập cho rằng năm 2023 sẽ là giai đoạn bản lề khi thị trường bất động sản bước sang một chu kỳ mới. Đây sẽ là thời điểm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản mới được đồng loạt thông qua. Ba bộ Luật này sẽ là “kiềng ba chân” giúp quyết định sự phát triển lành mạnh của thị trường nhà đất trong tương lai.