Thủ tướng ấn định thời gian hoàn thành các tuyến kết nối với sân bay Long Thành
Huỳnh Dũng
26/12/2024 8:13 AM (GMT+7)
Để đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành, Thủ tướng ấn định thời gian hoàn thành các dự án Bến Lức - Long Thành, Biên Hoà - Vũng Tàu, đường vành đai và các tuyến đường sắt nhẹ kết nối tới sân bay Long Thành...
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc, truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc triển khai các tuyến giao thông kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thủ tướng nhấn mạnh việc cần phải có sự chỉ đạo rõ ràng, xác định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị và các mốc thời gian hoàn thành, nhằm đảm bảo tiến độ dự án đúng như kế hoạch. Việc giao nhiệm vụ cần "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm".
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có ý kiến giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra, đôn đốc, xử lý ngay các vướng mắc liên quan đến việc đầu tư những tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành. Mục tiêu, để các dự án này hoàn thành đồng bộ cùng với dự án sân bay Long Thành vào ngày 31-12-2025.
Cụ thể, đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan cần hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và tập trung tổ chức thi công. Mục tiêu là hoàn thành dự án này đồng bộ với tiến độ sân bay Long Thành, vào cuối năm 2025. Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư 29.600 tỷ đồng. Ban đầu, dự án được dự kiến hoàn thành vào 30/9/2025.
Song song đó, đối với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thi công gấp rút, với mục tiêu hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đối với dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Dự án này cần hoàn thành cùng với tiến độ của sân bay Long Thành (trước ngày 31/12/2025).
Theo phương án đề xuất, phạm vi dự án sẽ mở rộng đoạn TPHCM - Long Thành trên tổng chiều dài gần 22km, trong đó: Đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 có quy mô 8 làn xe; đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có quy mô 10 làn xe; cầu Long Thành mới có quy mô như cầu hiện tại, tổ chức khai thác với quy mô 10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án hơn 14.955 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 5.555 tỷ đồng (37%), vốn vay thương mại là 9.400 tỷ đồng (63%).
Ngoài ra, đối với dự án đường Vành đai 3 TPHCM, UBND TPHCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An được yêu cầu triển khai thi công nhanh chóng, hoàn thành cơ bản vào năm 2025, nhằm đưa vào khai thác từ năm 2026.
Hiện, dự án thành phần 1 thuộc đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư đạt 24,3% giá trị xây lắp. Còn dự án thành phần 1A Tân Vạn - Nhơn Trạch do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư hiện đạt 77,4% giá trị xây lắp, vượt 11,4% so với hợp đồng và dự kiến về đích trước 4 tháng.
Bên cạnh đó, đối với dự án đường Vành đai 4 TPHCM, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 2/2025.
Đặc biệt, đối với dự án đường sắt (gồm tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu), Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng trong quý I/2025, để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2025.
Theo Vneconomy.vn