Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị phương án dự trữ, cung ứng hàng Tết; đồng thời kết nối với các nhà cung cấp ở nhiều tỉnh, thành để đưa nông sản, đặc sản vùng miền ra thị trường
Đã hết tuần lễ đầu tiên của tháng 12-2023 - cũng là cuối tháng 10 âm lịch, thị trường Tết Giáp Thìn 2024 đang khởi động một cách chậm chạp. Sự dè sẻn của đa số người tiêu dùng và xu hướng đón Tết tiết kiệm không nằm ngoài dự đoán cũng như sự chuẩn bị của các doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh, phân phối hàng hóa.
Hàng nhiều, giá bình ổn
Từ những ngày đầu tháng 12- 2023, nhiều bà nội trợ đã bắt đầu tính toán, sắp xếp các khoản chi tiêu cuối năm. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết do thu nhập của cả vợ chồng năm nay đều giảm nên gia đình cân nhắc khả năng không về quê mà ở lại TP HCM đón Tết.
"Cả 4 người bay ra, bay vào đã mất ít nhất 70 - 80 triệu đồng, trong khi còn bao nhiêu khoản chi khác phải cân đối. Giờ còn hơi sớm nhưng tôi đang cân nhắc khả năng mua quà biếu và sắm sửa Tết dần dần cho đỡ áp lực bội chi và đỡ lo tăng giá cuối năm" - chị Ngọc Thủy bộc bạch.
Tương tự chị Ngọc Thủy, khá nhiều người đang rất đắn đo với các khoản chi dịp Tết. Tâm lý dè sẻn của người dân khiến sức mua thời gian qua tăng chậm.
Tại các ngôi chợ truyền thống lớn ở TP HCM như Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), Bến Thành (quận 1), Tân Định (quận 3), Nguyễn Tri Phương (quận 10)… dù tràn ngập bánh kẹo, mứt, tôm khô, bia, quần áo, giày dép… mẫu mới để bán Tết nhưng người mua vẫn thưa thớt. Tại các siêu thị, tình hình khả quan hơn do nhà bán lẻ và nhà cung cấp bắt tay nhau tung khuyến mãi liên tục để kích cầu.
Hiểu được khó khăn của người dân và DN, Sở Công Thương TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá cả hàng hóa, hỗ trợ DN đưa hàng ra thị trường, giúp người dân có Tết đoàn viên.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đơn vị tiếp tục kích hoạt hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường với 45 DN lớn tham gia và hơn 10.000 điểm bán hàng. "Sở Công Thương cùng các đơn vị đang ráo riết chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm đa dạng hàng hóa cung ứng thị trường dịp Tết. Trong tháng 12-2023, sở sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức hội nghị kết nối cung cầu phục vụ Tết; tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung để DN bán được số lượng hàng lớn và người tiêu dùng tiếp cận được hàng với giá cả hợp lý" - ông Vũ thông tin.
Tổng cộng, các DN TP HCM đã chuẩn bị và dự trữ hơn 22.000 tỉ đồng hàng hóa phục vụ 2 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn. Trong đó, hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% - 43%. Các DN bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết; tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…
"Với hơn 22.000 tỉ đồng trữ hàng và bảo đảm lượng gạo, chúng tôi bảo đảm đủ hàng tiêu dùng, tránh sự thiếu hụt và tăng giá đột biến dịp Tết" - Giám đốc Sở Công Thương TP HCM nhấn mạnh.
Cơ hội cho doanh nghiệp "lội ngược dòng"
Trong lúc thị trường ảm đạm, vẫn có những DN lội ngược dòng thành công và đang tất bật chuẩn bị cho mùa vụ Tết. Đơn cử, Công ty TNHH Tân Nhiên (nổi tiếng với sản phẩm bánh tráng không nhúng nước) vừa tuyển thêm hơn 50 lao động thời vụ, tổ chức tăng ca và tăng 25% công suất sản xuất để phục vụ đơn hàng xuất khẩu lẫn trong nước.
Ông Đặng Khánh Duy, Giám đốc Công ty Tân Nhiên, cho biết rút kinh nghiệm Tết 2023 sản xuất không đủ bán, năm nay, công ty tăng ca sớm. Bình quân mỗi ngày, công ty này sản xuất khoảng 10 tấn bánh tráng; trong đó 20% xuất khẩu, 80% bán cho thị trường nội địa.
"Bánh tráng Tân Nhiên đã có thương hiệu, sản phẩm được sản xuất theo quy trình xuất khẩu nên mẫu mã, chất lượng đồng nhất và được người tiêu dùng tín nhiệm. Công ty vừa đưa vào vận hành một nhà máy mới chuyên sản xuất bánh tráng không nhúng nước và bánh tráng chiên chả giò. Từ đầu năm đến nay, nguyên liệu bột mì đã tăng 10% nhưng công ty chỉ tăng giá bán khoảng 5% và sẽ giữ giá ổn định từ nay đến Tết" - ông Duy khẳng định.
Trong khi đó, Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) đang chuẩn bị lượng hàng Tết Giáp Thìn tăng gấp 3 lần so với Tết vừa qua. Ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Vietnipa, cho biết các sản phẩm mật dừa nước dạng cô đặc và dạng bột của công ty định vị là sản phẩm xanh gắn với tài nguyên bản địa, xuất hiện thường xuyên trong các chợ phiên OCOP và livestream bán hàng trên TikTok nên được biết đến rộng rãi hơn trước.
"Sản phẩm của chúng tôi không chỉ bán tốt ở kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm cao cấp mà còn được nhiều đơn vị chuyên làm quà Tết đặt hàng" - ông Tiến phấn khởi.
Đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina cho rằng bên cạnh tâm lý dè dặt vì khó khăn, nhiều người tiêu dùng cũng ngày càng kỹ tính hơn. Họ chỉ lựa chọn những sản phẩm có uy tín, giá cả hợp lý với mục đích chi tiêu rõ ràng.
"Dù khó khăn, dự kiến ngành hàng bánh kẹo sẽ tăng trưởng khoảng 5%-10% trong dịp Tết này. Riêng Orion Vina sẽ cung cấp ra thị trường 32.000 tấn bánh kẹo phục vụ mùa Tết với tiêu chí quan trọng nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý" - đại diện Orion Vina nhấn mạnh.
Trong khi đó, các DN bán lẻ cho rằng Tết cổ truyền là lễ hội lớn của người Việt, dù khó khăn đến đâu thì người dân vẫn sắm sửa đón Tết. Dự đoán được xu hướng chi tiêu tiết kiệm của người tiêu dùng, các thương hiệu bán lẻ lớn như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market, Big C, GO!, Tops Market, Emart, Lotte Mart, Aeon… một mặt tăng tích trữ hàng hóa, một mặt tính toán giữ giá, trợ giá kèm khuyến mãi hấp dẫn lên đến 50% cho hàng ngàn mặt hàng thiết yếu từ nay đến Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc marketing Saigon Co.op, nhận định người dân sẽ bắt đầu mua sắm trong khoảng 3 - 4 tuần trước Tết Nguyên đán. Sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, bánh chưng, bánh tét; giò chả, dưa hành, củ kiệu, trái cây trưng bày mâm ngũ quả... Sức mua các mặt hàng đồ dùng, may mặc dự đoán tăng nhẹ.
Đẩy mạnh kênh bán hàng online
Cập nhật đến thời điểm hiện tại, các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada... đang chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng cho mùa kinh doanh Tết.
Hệ thống các chuỗi siêu thị, cửa hàng đã chuẩn bị các phương thức bán hàng thông qua website, mạng xã hội Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử; liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày... để thu hút khách.
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op (gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Finelife...) còn tổ chức livestream bán hàng, sản xuất các video ngắn trên các nền tảng số và dành nhiều ưu tiên cho khách hàng gen Y, gen Z trên những nền tảng này.
Chủ động nguồn cung giá rẻ hơn thị trường 5%-10%
Theo Bộ Công Thương, sức mua hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái và khó có thể xảy ra biến động mạnh về giá.
Đến thời điểm hiện tại, một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024.
Trong đó, địa phương đã giao nhiệm vụ cho các DN sản xuất - kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay người dân với giá cả ổn định.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết các DN đã chủ động chuẩn bị nguồn cung những mặt hàng thiết yếu từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng 10%-20% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy mặt hàng. Nhiều DN đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.
"Sự chuẩn bị đồng bộ của các đơn vị nhằm bảo đảm giá cả hợp lý, không có những biến động lớn. Bộ Công Thương cũng phối hợp với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và những địa phương khác để có được nguồn cung hàng hóa rẻ hơn so với thị trường 5%-10%" - bà Lê Việt Nga cho hay.
Cách đây ít ngày, việc cửa hàng bánh cốm Nguyên Ninh - tiệm bánh cốm gia truyền lừng danh 11 Hàng Than, Hà Nội - bị tạm dừng hoạt động do những vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm gây băn khoăn trong dư luận.
Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề, một chuyên gia thương mại đã cần mẫn nhắn nhủ tới những bạn bè thân thiết: "Ngày Tết dù ăn uống đơn giản cũng chịu khó mua sắm một chút để không uổng công các doanh nghiệp thương mại chuẩn bị hàng nhé!"
Bằng cách liên kết trong một doanh nghiệp xã hội, những người phụ nữ Ấn Độ đã đưa một món ăn vặt quen thuộc, làm hoàn toàn thủ công thành mặt hàng xuất khẩu doanh thu hàng triệu USD mỗi năm, mang lại cho họ thu nhập và vị thế trong xã hội.
Giá vàng “nhảy múa”, biến động bất thường, càng khiến dư luận đòi hỏi câu trả lời, tại sao không xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng?
Kể từ khi triển khai hệ thống KRX với thị trường chứng khoán Việt Nam, HoSE đã có 8 lần dời lịch vận hành vào những năm 2015, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và mới đây nhất là ngày 2/5/2024.
Cách đây ít ngày, việc cửa hàng bánh cốm Nguyên Ninh - tiệm bánh cốm gia truyền lừng danh 11 Hàng Than, Hà Nội - bị tạm dừng hoạt động do những vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm gây băn khoăn trong dư luận.
Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề, một chuyên gia thương mại đã cần mẫn nhắn nhủ tới những bạn bè thân thiết: "Ngày Tết dù ăn uống đơn giản cũng chịu khó mua sắm một chút để không uổng công các doanh nghiệp thương mại chuẩn bị hàng nhé!"
Bằng cách liên kết trong một doanh nghiệp xã hội, những người phụ nữ Ấn Độ đã đưa một món ăn vặt quen thuộc, làm hoàn toàn thủ công thành mặt hàng xuất khẩu doanh thu hàng triệu USD mỗi năm, mang lại cho họ thu nhập và vị thế trong xã hội.
Giá vàng “nhảy múa”, biến động bất thường, càng khiến dư luận đòi hỏi câu trả lời, tại sao không xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng?
Kể từ khi triển khai hệ thống KRX với thị trường chứng khoán Việt Nam, HoSE đã có 8 lần dời lịch vận hành vào những năm 2015, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và mới đây nhất là ngày 2/5/2024.