Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản đề nghị giữ nguyên mức học phí như năm học 2021-2022 nhưng nhiều trường ĐH vẫn công bố những con số tăng chóng mặt.

 

Hơn 765 triệu đồng/khóa học

Trường ĐH Luật TP HCM là một trong những trường có mức học phí cao nhất năm học tới.

Theo thông báo của trường, học phí Khóa 47 áp dụng từ năm học 2022-2023 đến 2025-2026 thấp nhất cho hệ đại trà là 151 triệu đồng, dành cho các ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh. Học phí hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179 đến 204,7 triệu đồng/khóa. Hệ chất lượng cao ngành quản trị - luật có học phí một khóa là 358,2 triệu đồng. Học phí cao nhất thuộc hệ chất lượng cao ngành luật, giảng dạy bằng tiếng Anh với 765,9 triệu đồng/khóa.

Một trường giảng dạy ngành luật khác là ĐH Luật Hà Nội cũng dự kiến mức thu học phí khá cao so với năm học trước. Theo đó, năm học 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH, học phí là 2 triệu đồng/tháng - tăng 2,04 lần so với mức 980.000 đồng của năm học 2021-2022. Học phí chương trình đào tạo chất lượng cao là 5 triệu đồng/tháng - tăng 1,65 lần so với mức 3.025.000 đồng của năm học 2021-2022.

Năm học tới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tính học phí theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 (276.000 đồng cho hệ đại trà và 771.000 đồng hệ chất lượng cao).

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết năm học 2022-2023 sẽ chính thức điều chỉnh học phí. Cụ thể, mức học phí theo tín chỉ sẽ từ 350.000 đồng - 1 triệu đồng/tín chỉ.

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội dự kiến tăng học phí với sinh viên hệ chính quy lên mức 4,2 triệu đồng/tháng. So với năm học trước, sinh viên năm học sắp tới phải đóng học phí cao hơn 7 triệu đồng. Với các năm học tiếp sau khóa 2022, mỗi năm, học phí của ĐH Kinh tế Hà Nội sẽ tiếp tục tăng 2 triệu đồng so với năm học đầu tiên.

Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược TP HCM công bố mức học phí đối với sinh viên của 3 khóa tuyển sinh năm 2020, 2021 và 2022 từ 37 triệu đồng đến 77 triệu đồng/năm học, tùy từng ngành...

Học phí đại học ồ ạt tăng - Ảnh 1.

Nhiều học sinh mơ ước vào trường đại học yêu thích nhưng không phải lúc nào cũng toại nguyện do rào cản học phí.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu"

PGS-TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính - ĐHQG TP HCM, thừa nhận khi các trường ĐH công lập tự chủ tăng học phí có thể dẫn đến việc giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên khó khăn. Điều này sẽ làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH.

Theo ông Thụy, tăng học phí cũng khiến các ngành khoa học cơ bản có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước bị ảnh hưởng. Cùng một mức học phí, sinh viên sẽ ít lựa chọn các ngành khoa học cơ bản mà theo học các ngành mang tính "hot" hơn, bởi cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn. Xu hướng này có thể là do sự thay đổi nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân người học nhưng cũng có thể do mức học phí. Các xu hướng mới này có thể gián tiếp tạo ra "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu" về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần.

Tại hội nghị tự chủ ĐH vừa được tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến việc bảo đảm công bằng cho mọi người trong tiếp cận giáo dục ĐH chất lượng cao. Cho tự chủ, tăng học phí mà không có cơ chế về quỹ học bổng, hỗ trợ của ngân sách nhà nước và các trường thì sẽ mất công bằng. Thực tế, trong khi học phí tăng thì mức vay tín dụng cho sinh viên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Lý giải về việc tăng học phí ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng cần nhìn nhận thực chất của vấn đề. Hiện nay, tổng số kinh phí đầu tư tính cho một sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng GD-ĐT, cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một số trường ĐH trong khu vực có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường ĐH công lập ở Việt Nam. Nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay, các trường ĐH trong nước rất khó để cạnh tranh. 

Mức vay học tập thấp

PGS-TS Nguyễn Ninh Thụy lưu ý theo quy định hiện hành, chỉ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn - như mồ côi hoặc thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập thấp hay gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh - mới được vay tín dụng học tập. Tuy nhiên, mức cho vay cũng khá thấp, chỉ 2,5 triệu đồng/tháng.

So sánh với mức sống của sinh viên hiện nay, số tiền vay 2,5 triệu đồng/tháng chỉ bằng khoảng 35%-40% tổng chi phí học tập. Bên cạnh đó, thời hạn cho vay ngắn; sinh viên phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn:

Công bằng xã hội không giảm

Tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội. Nếu nhìn theo một góc độ khác, các trường ĐH muốn có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo thì cần có kinh phí, muốn vậy thì cần tăng học phí.

Nếu giữ nguyên mức học phí thấp thì vừa suy giảm chất lượng GD-ĐT vừa không có điều kiện hỗ trợ sinh viên nghèo, đây là điều cần thay đổi. Đầu tư cho giáo dục ĐH là đầu tư cho tương lai, tăng sự tiếp cận giáo dục ĐH.

GS-TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội:

Không để học phí tăng đột biến

Chúng ta đang trên lộ trình điều chỉnh học phí ở mức đúng và đủ nhưng không có nghĩa là để học phí tăng đột biến. Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và người học để đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân tương lai có năng lực, có khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng.

Ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2016, chúng tôi bắt đầu một chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin Việt - Nhật có mức học phí gấp 2,5 lần bình thường. Đầu tiên, nhiều người e dè và không mong muốn học. Nhưng lứa đầu tiên ra trường có 30% đi làm tại Nhật Bản và chỉ sau 1 năm, mức lương của các em có thể bù lại học phí đã đóng trong 5 năm.

Khi tự chủ, các trường cần có lộ trình tăng học phí phù hợp. Để tạo ra sự công bằng trong giáo dục, vẫn cần có những chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo và sinh viên giỏi. Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường cam kết với người học mức học phí sẽ không tăng quá 8%-10% mỗi năm. Với những sinh viên thuộc hộ nghèo, nhà trường có các chính sách hỗ trợ.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thiện Tống:

Học phí cao phải đi cùng với chất lượng tăng

Trước đây, hai lĩnh vực y tế và giáo dục được miễn phí. Nhà nước yêu cầu phổ cập THCS thì đồng nghĩa với việc phải miễn học phí ở bậc học này. Ở bậc ĐH thì khác, vì lợi thế khi tốt nghiệp ĐH là rất rõ ràng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đi làm có thu nhập nên dù gia đình nghèo cũng cố gắng cho con em vào ĐH bằng được. Vì vậy, thu học phí ĐH là hợp lý. Tuy nhiên, học phí phải đi cùng với chất lượng.

Những trường ĐH tự chủ tài chính cũng chia làm hai dạng. Những trường quản lý tốt thì đủ sức để phát triển nhưng trường không đủ sức mà thu học phí cao thì thiệt thòi cho sinh viên nghèo. Thu học phí cao phải đi kèm với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Nếu chỉ là tìm cách để có nguồn thu, đủ tài chính để hoạt động thì không ổn.

Phụ trách một quỹ học bổng, tôi để ý những năm gần đây, nhiều sinh viên nghèo không vào được trường y. Người giỏi mà không vào được ĐH mình mơ ước thì không chỉ thiệt thòi cho bản thân họ mà về lâu dài còn thiệt thòi cho cả xã hội.

Các trường cần tính đến phương án những hệ đào tạo chất lượng cao, có khả năng thu tiền thì có thể tuyển đầu vào thấp hơn một chút. Lấy từ nguồn kinh phí này bù lại cho những sinh viên giỏi nhưng kinh tế khó khăn. Đây cũng là một cách có thêm kinh phí để tăng thu nhập cho giảng viên khi dạy cả hai chương trình.