Nói về những bất cập trong quản lý, điều hành xăng dầu đang nổi cộm thời gian gần đây, đại biểu quốc hội Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, việc không đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường, làm cho người dân rất khó khăn để có được nhiên liệu phục vụ quá trình đi lại. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó chờ tăng giá cũng là nguyên nhân dẫn đến khan hiếm xăng dầu…
Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng: "Bộ Tài chính và Bộ Công thương thời gian qua điều hành chưa sát với tình hình thực tế của thị trường, thời gian tới 2 Bộ cần phải phối hợp nhịp nhàng hơn. Nếu như chưa quyết được giá xăng và chi phí khác có liên quan thì dùng dự trữ có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn. Như vậy, mới bình ổn được thị trường”.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cũng thẳng thắn cho rằng, việc quản lý nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực còn bất cập, đặc biệt là sự phối hợp của các bộ ngành khi đang có thực tế là "bộ này đổ cho bộ kia". Dẫn chứng vấn đề xăng dầu, đại biểu Bé dẫn lại thông tin truyền thông cho hay một số bộ ngành nói "không liên quan". Thực tế này khiến cử tri rất bức xúc, khi quản lý điều tiết xăng dầu chưa chặt chẽ, gây thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại phía Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim bé, Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu, nhưng việc điều tiết xăng dầu không kịp thời đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt xăng dầu phía Nam.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), cần điều hành thị trường xăng dầu một cách năng động hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, không để tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ khi mỗi lần chuẩn bị điều chỉnh giá cả. Công tác điều hành cần phải xem xét, tính toán điều hành cung cầu thế nào, giá cả, phí… là bài toán Chính phủ cần tập trung nhiều hơn.
"Do diễn biến của giá xăng dầu thời gian tới còn những diễn biến phức tạp, nên thời gian tới có thể ủy nhiệm cho UBTVQH có những quyết định liên quan đến vấn đề thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, cần quan tâm nhiều hơn nữa lĩnh vực văn hóa, xã hội nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục", đại biểu Ngân đề nghị./.
Ngoài vấn đề quản lý điều tiết xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh rằng, cần phải tái cấu trúc mạnh hơn nữa thị trường tài chính, thị trường bất động sản và tạo ra một thể chế chặt chẽ và minh bạch: “Về thị trường trái phiếu, tôi nghĩ rằng đây là thị trường có vai trò rất quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải đảm bảo được thể chế rõ ràng, minh bạch, hiệu quả để kiểm soát thị trường này, đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch mua bán trái phiếu trên thị trường phải rõ ràng và minh bạch, có kiểm tra giám sát.