Nghề trồng nấm đã có mặt ở TP.Long Khánh (Đồng Nai) hơn 20 năm nay. TP.Long Khánh được coi là nơi sản xuất nấm lớn nhất tỉnh với sản lượng nấm các loại khoảng 300 tấn/năm.
Dịch Covid 19 đợt thứ 4 bùng phát vừa qua khiến nhiều mặt hàng nông sản rớt giá vì khó tiêu thụ. Nông dân trồng nấm ở TP.Long Khánh cũng chịu thiệt hại nặng nề.
Ông Phùng Văn Tôn trồng nấm mèo ở xã Bàu Trâm kể, trong mùa dịch, giá nấm từ khoảng 80.000 đồng/kg rớt xuống chỉ còn 10.000-15.000 đồng/kg. Gia đình ông thua lỗ gần nửa tỷ đồng trong mùa dịch.
Không thể bỏ trống trang trại, ông Tôn quyết tâm khôi phục sản xuất, duy trì nghề trồng nấm với hy vọng kinh tế khởi sắc sau dịch bệnh.
Hiện ông Tôn đã tái đầu tư, treo 75 thiên (1 thiên = 1.000) phôi nấm thêm vào số 300 thiên ở 4 trang trại của ông.
Bà Hà Thị Hoa, người trồng nấm sò ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang cũng bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
300 thiên nấm sò của bà thu hoạch xong không bán được, đành đổ bỏ hoặc đem cho người dân xung quanh.
Tuy nhiên, nếu chán nản mà bỏ bê trại nấm thì thu nhập càng túng thiếu. Sau khi kiểm soát dịch bệnh, giá nấm khởi sắc trở lại đã tạo động lực để gia đình bà Hoa và nhiều hộ dân xung đầu tư trồng lứa nấm tiếp theo.
"Còn hơn 1 tháng rưỡi nữa đến tết Nguyên đán. Làng nghề trồng nấm ấp Bàu Cối đang tất bật cho vụ Tết, vụ mùa được mong đợi nhất trong năm", bà Hoa kể.
Ở ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang), nấm mèo được coi là mặt hàng chủ lực của làng nghề. Đây cũng là khu vực trồng nấm mèo lớn nhất TP.Long Khánh
Ông Nguyễn Duy Tiện, ở ấp Bàu Cối cũng vừa đầu tư thêm 20 thiên nấm mèo; nâng tổng số nấm mèo của gia đình gần 100 thiên (gần 100.000 phôi nấm).
Hiện tại giá nấm mèo đang khá cao, trên 100.000 đồng/kg. Ông Tiện dự kiến thu khoảng 5 tấn nấm khô, đem lại doanh thu khoảng 500 triệu đồng.
Ông Tiện cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi. Giá bán nấm các loại cũng đang ổn định ở mức cao.
Ngoài nấm mèo tăng giá, nấm bào ngư đang dao động từ 40.000-45.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm trước dịch; nấm sò có giá từ 13.000-15.000 đồng/kg.
"Bà con trồng nấm đang hi vọng sẽ có một vụ thu hoạch nấm được mùa được giá", ông Tiện nói.
Không chỉ trồng nấm mèo, ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang) còn có nhiều cơ sở sản xuất các loại phôi nấm.
Những ngày này, nhu cầu trồng nấm của người dân tăng cao. Các cơ sở làm phôi nấm cũng tăng hết công suất.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ cơ sở sản xuất phôi nấm Luật Huệ ở xã Bảo Quang cho biết, không khí làm việc tại cơ sở đã khẩn trương trở lại ngay sau khi tỉnh Đồng Nai thực hiện bình thường mới.
Theo bà Huệ, hiện tại giá nấm đang tăng cao cao nên lượng phôi nấm cũng hút hàng. Thời gian dịch bệnh vừa qua, hàng không bán được nên bây giờ các cơ sở đang làm hết công suất để phục vụ cho bà con.
"Rất nhiều bà con cả trong và ngoài xã đặt mua nhưng cơ sở không cung cấp đủ", bà Huệ nói.
Ông Phạm Văn Hòa - Giám đốc HTX Nấm Bảo Quang cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào mùa này, bà con tăng gia sản xuất, đón đầu giá cả thị trường, mong đem lại nguồn thu lớn cho gia đình.
Trên địa bàn ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang hiện có 90 hộ dân tham gia chuỗi liên kết làng nghề nuôi trồng nấm mèo.
Vụ nấm tết năm nay được cho là khá thuận lợi vì thị trường tiêu thụ bắt đầu ấm dần lên sau đại dịch. Vụ tết này, lượng nấm trồng toàn xã ước tăng thêm khoảng 40% so với các vụ khác.
"Bà con cũng đang khấp khởi hi vọng một vụ nấm được mùa được giá để khôi phục kinh tế sau đại dịch", ông Hòa chia sẻ.
Chốt phiên giao dịch sáng 26/11, giá vàng nhẫn giảm "sốc" đến 2,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Điều này khiến những người "ôm" vàng khóc ròng vì trót lỗ.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử; bảo vệ sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Do nhiều người tại TP.HCM đổ xô đi mua sắm sớm sớm trước Black Friday, nhiều chỗ thi nhau giảm giá mạnh và liên tục đưa thêm hàng lên kệ để đáp ứng nhu cầu của khách.
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.