Vừa qua, nông trại 2 ha tại Đồng Nai của Phạm Phương Thảo, ở tuổi thứ 7 đã được Liên minh châu Âu và Mỹ tái chứng nhận hữu cơ. Thảo mắt hướng ra cửa sổ, quan sát bầu trời giữa trưa, bằng kinh nghiệm của mình, chị nhận ra trời sắp mưa. Cho đến nay, khi đã dày dạn kinh nghiệm về canh tác nông nghiệp hữu cơ, chị vẫn chưa hết sợ những cơn mưa trái mùa.
Lan tỏa "nông nghiệp tử tế"
Thảo nói mọi thứ về nông nghiệp hữu cơ đều có thể kiểm soát, riêng thời tiết thì không. Giống với canh tác thuận tự nhiên, một trong những nguyên tắc canh tác hữu cơ là "mùa nào thức nấy". Cây phải được trồng theo mùa, theo thời tiết để đạt năng suất, chất lượng tốt nhất.
Mưa trái mùa dễ khiến nông sản hữu cơ bị ảnh hưởng, thậm chí mất trắng vì loại nông sản này nói không với thuốc hóa học, dù là dùng để cây kịp thời ứng phó với nguy cơ dịch bệnh khi thời tiết thay đổi bất thường. Thời điểm bắt đầu, người làm nông "nghiệp dư" như chị đã mất ăn, mất ngủ không biết bao nhiêu lần vì lo cho nông trại của mình mỗi khi "trở trời".
"Làm nông nghiệp hữu cơ nhiều ràng buộc, lại lắm rủi ro và khả năng thất bại rất lớn. Mùa vụ đầu tiên không quyết định được điều gì. Thành công là khi các mùa vụ sau đều đạt chất lượng và năng suất như mong đợi. Khi đó, dù chi phí đầu tư khá nặng nhưng với giá thành luôn cao hơn so với nông sản được canh tác thông thường, thị trường ổn định đầu ra nên nông dân vẫn có lợi nhuận" - chị Thảo bày tỏ.
Kinh nghiệm này, chị đã chứng minh được với nhiều nông dân. Nhờ đó, các chủ nông trại tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã "bắt tay" với chị tạo thành cộng đồng sản xuất nông sản sạch lên tới 200 ha. Đây cũng là nguồn cung cho hệ thống gồm 5 cửa hàng tại TP HCM, 2 cửa hàng tại Hà Nội và 1 cửa hàng nhượng quyền tại Đà Nẵng, bán thực phẩm sạch của Thảo.
Hệ thống này cung cấp 80% thực phẩm hữu cơ có chứng nhận trong và ngoài nước; 20% gồm các sản phẩm đang trong quá trình chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, sản phẩm tự nhiên có chứng nhận thân thiện với môi trường và một phần nhỏ là sản phẩm đặc sản địa phương như gạo của người K’Ho.
Không chỉ lo đầu ra, Thảo còn là người đồng hành với nông dân từ những ngày vừa gieo hạt giống. Thảo hướng dẫn "đối tác" của mình gieo trồng, canh tác, thu hoạch theo những tiêu chuẩn cụ thể và được kiểm định bởi bên thứ 3.
"Làm nông nghiệp không dùng hóa chất không chỉ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng mà nông dân cũng được lợi về sức khỏe. Nhiều cô, chú làm nông nghiệp sạch với mình khi ra ruộng vẫn trang bị đầy đủ áo khoác, găng tay... nhưng họ nói không phải sợ thuốc, sợ hóa chất nữa mà sợ... nắng làm đen da" - Thảo cười lớn.
Đến nay, hệ thống cửa hàng của Thảo ngày càng phát triển. Trên tất cả, chị tìm thấy niềm vui khi những ruộng rau không xanh nhờ hóa chất; đất bạc màu dần "hồi sinh" và "nông nghiệp tử tế" đang được lan tỏa. Bằng chứng là ngày càng nhiều nông dân chủ động liên hệ với chị để tham gia cộng đồng trồng nông sản sạch.
Mê tiêu chuẩn rau sạch
Nhưng để có được "trái ngọt" hôm nay, Thảo cũng từng "lên bờ xuống ruộng", thậm chí đã cùng chồng bàn đến chuyện bán nhà.
Năm 2011, Thảo bắt đầu tìm hiểu về nông sản hữu cơ khi mang thai con đầu lòng. Bấy giờ, tại TP HCM đã có nhiều nơi canh tác rau, củ sạch nhưng gần như chỉ xuất khẩu. Nhận thấy tiềm năng của thị trường, cuối năm 2012, chị mở cửa hàng đầu tiên với vai trò cầu nối đưa nông sản hữu cơ đến tay người tiêu dùng Việt. Nhưng "đỏ mắt" đi tìm, Thảo mới kiếm được gần 10 mặt hàng là trà, gạo và một số loại rau để duy trì hoạt động của cửa hàng. Nguồn hàng bị thiếu trầm trọng, rau, củ lại không truy xuất được nguồn gốc, Thảo quyết định tự tay trồng.
"Điều làm mình thích thú nhất là biết được sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ không tồn dư hóa chất. Nền nông nghiệp này còn đóng góp cho sự cải tạo môi trường đất, nước. Những tiêu chuẩn về nông sản hữu cơ của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã thu hút được mình và mình mong muốn trồng được những rau, củ đủ tiêu chuẩn đấy" - Thảo nói.
Nhưng hiện thực hóa những tiêu chuẩn kia cũng lắm thách thức. Chị nhớ lại những năm đầu khi bắt tay vào làm nông trại đạt chuẩn hữu cơ quốc tế là quãng thời gian đầy khó khăn.
Biết chị có ý tưởng làm nông nghiệp sạch, một người bạn đã cho mượn 2 ha đất ở Đồng Nai. Vừa vui vừa bế tắc vì không biết bắt đầu từ đâu, hơn 10 lần chị đi về giữa TP HCM và Đồng Nai chỉ để nhìn mảnh đất rồi thở dài.
Bất ngờ, Thảo quyết định liều. Chị bàn với chồng bán nhà, gom hết tiền bạc thuê đơn vị tư vấn trồng rau nhiệt đới theo chuẩn hữu cơ quốc tế.
Chị xắn tay nhổ cỏ, dựng nhà lưới, học cách ủ phân hữu cơ từ phân chuồng và cây dược liệu nhưng rau, củ cứ sâu bệnh, còi cọc suốt. Nhiều nông dân cùng làm "mách nhỏ" chị chỉ cần dùng 1 chai thuốc bảo vệ thực vật là giải quyết xong. Thảo suy nghĩ rồi dứt khoát từ chối vì chị nghĩ chỉ cần gật đầu lần 1 sẽ có lần 2 và cứ như thế dự án trồng nông sản hữu cơ của chị sẽ "chết mòn".
Khó khăn chồng chất theo thời gian, khiến chị kiệt quệ tài chính và nghĩ đến chuyện từ bỏ. Nhưng đất chẳng phụ công người. Năm 2015, nông trại của chị trở thành nông trại đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của EU và Mỹ.
Từ thành công này, áp dụng nguyên tắc canh tác "vùng nào thức nấy", Thảo tìm đến các vùng quê ở Bình Phước, ngược lên Lâm Đồng, Đắk Nông, ra đến Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu đầu ra cho các chủ nông trại cùng làm nông nghiệp sạch.
"Sức mình có hạn, lo được đầu ra cho bao nhiêu nông trại thì mình phát triển cộng đồng bấy nhiêu thôi. Nhưng vui vì nhiều nông dân không liên kết được với mình nhưng họ đã tìm cách liên kết với người làm nông sản sạch theo các tiêu chuẩn khác. Rõ ràng, tư duy làm nông nghiệp của nông dân đang thay đổi theo hướng tích cực" - chị bày tỏ.
Ở nhiều nơi, nông dân đang rần rần tính chuyện bán đất vì "sốt giá" thì cộng đồng làm nông nghiệp sạch của Thảo vẫn đang "hái ra tiền" trên chính mảnh đất của mình. Trong hệ sinh thái hữu cơ này, cả nông dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều có lợi và chuỗi giá trị hứa hẹn sẽ ngày càng mở rộng.
Chưa dừng lại ở những kết quả có được, Phạm Phương Thảo cùng cộng đồng nông dân làm nông nghiệp sạch của mình đang hướng đến phát triển các farm tours. Đặc biệt, farm tours mà Thảo ấp ủ hướng đến đối tượng chính là học sinh và giá trị giáo dục nhằm thay đổi nhận thức về canh tác nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường.
Mô hình này hứa hẹn sẽ kích thích các dịch vụ đi kèm, góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động nhất định tại các vùng quê cũng như giúp nông dân địa phương canh tác nông nghiệp bền vững.
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.