Thứ sáu, 29/03/2024

Người dân còn sợ dịch, du lịch chưa thể phục hồi

03/11/2021 7:00 PM (GMT+7)

Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, khi mỗi tỉnh vẫn chống dịch theo một cách riêng, tâm lý người dân còn sợ dịch thì du lịch khó phục hồi.

Khi đợt dịch thứ tư vừa giáng thêm đòn cho ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói không muốn nhắc đến những khó khăn. Theo ông, bức tranh u ám của ngành du lịch - lĩnh vực được đánh giá là chịu tác động nặng nhất của đại dịch - là hiện thực đã xảy ra. Thay vào đó, Chủ tịch Vietravel đưa ra những đóng góp để có thể vực dậy ngành du lịch.

Người dân còn sợ dịch, du lịch chưa thể phục hồi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, ảnh: Vietravel

- Sau khi dịch tạm lắng, các địa phương đã hết giãn cách, người dân cũng đang dần thích ứng với điều kiện mới - sống chung với Covid-19. Đến giờ, ông thấy du lịch đã hồi phục như thế nào?

- Nhiều người nói du lịch giảm sâu rồi có thể bật lên rất nhanh, thậm chí là trước cả khi trạng thái "bình thường mới", khi nhu cầu đi lại của người dân như "chiếc lò xo bị nén" sẽ bung ra mạnh mẽ. Nhưng tôi cho rằng điều này khó xảy ra.

Tôi nghĩ du lịch khó phục hồi thực sự nếu nhịp sống của người dân chưa trở lại, các ngành dịch vụ, các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn hay khống chế trong một thời gian nhất định.

Chúng ta phải nhìn bức tranh của ngành du lịch trong một bối cảnh chung. Nó là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển dựa trên hệ thống dịch vụ công cộng và xã hội. Nói cách khác, nếu xã hội chưa "bình thường mới" một cách thực chất, các ngành dịch vụ chưa hoạt động như thông thường.

- Cơ sở nào ông nói du lịch vẫn chưa có "bình thường mới"

- Theo tôi quan sát, đã có sự thay đổi trong tâm lý khách hàng, nhu cầu thị trường. Trước đây, mỗi tour du lịch chúng tôi thường tổ chức từ 40-50 khách, các đoàn khách đến từ rất nhiều nơi khác nhau. Nhưng hiện nay, nhu cầu đi du lịch quy mô đông như này không còn, mọi người hướng vào du lịch cá nhân, gia đình, các chuyến Family Trip, Private Trip. Tâm lý của thị trường chung vẫn tương đối thận trọng với vấn đề du lịch, khách hàng chú trọng nhiều đến sự an toàn, hơn là nhu cầu, sở thích của bản thân.

Như Phú Quốc, chúng ta cho thí điểm du lịch trở lại, nhưng hàng quán dịch vụ không mở thì khách hàng cũng không mặn mà. Bản chất của du lịch là nhu cầu chi tiêu, trải nghiệm của khách hàng để thưởng thức các dịch vụ, hoạt động mà họ chưa từng làm ở những địa phương khác. Việc này cũng gián tiếp tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế địa phương, phát triển nhiều ngành kinh tế. Nếu nhìn từ nút thắt này, thị trường du lịch cũng khó có thể trở lại nhanh chóng.

Trong ngành du lịch, chúng tôi có một thuật ngữ là "du lịch lòng máng", tức là nước chảy trôi tuồn tuột, không đọng lại được gì, hàm ý việc du lịch mà du khách không chi tiêu, cầm đi 10 triệu rồi cầm về cũng đúng bằng số tiền đó. Nếu vậy thì du lịch không thể đem lại tác động tích cực cho kinh tế địa phương.

TP HCM cũng là một ví dụ. Đợt bùng phát thứ tư diễn ra ở những đầu tàu kinh tế của cả nước, những nơi vừa là thị trường du lịch, vừa là lượng khách hàng lớn nhất. Nhưng bức tranh chung hiện nay là mọi người vẫn còn tâm lý lo ngại, sợ dịch bệnh. Khách hàng lo ngại về tính an toàn của những thành phố lớn bởi những gì vừa trải qua, còn những địa phương khác lại suy nghĩ về rủi ro bệnh dịch từ những người đến từ những thành phố lớn.

- Vậy làm sao có thể cởi bỏ tâm lý thận trọng cho người dân trong khi thực tế không thể chối cãi là các địa phương hằng ngày vẫn có ca nhiễm mới, thậm chí như TP HCM vẫn cả nghìn ca mới?

- Điều này liên quan đến kiến nghị của tôi để ngành du lịch trở lại, đó là vấn đề tâm lý xã hội. Để thay đổi, tôi nghĩ cần triển khai mạnh hơn là việc gia tăng độ phủ vaccine tại những thị trường du lịch. Cởi trói tâm lý thị trường sẽ tạo ra động lực cho ngành trở lại.

Ngoài ra, các địa phương cần có những quy định hướng dẫn công ty lữ hành, khách hàng được đi đâu, phạm vi ra sao, được làm những gì. Chưa có quy định hướng dẫn, chúng tôi như đứng ở ngã tư đường, với đèn vàng đang nhấp nháy mà không biết sắp chuyển sang đèn xanh hay đèn đỏ.

Ở vế đầu tiên, tôi nghĩ chúng ta cũng cần có những chiến dịch làm tươi đẹp hình ảnh những thành phố lớn. Tôi và bạn bè vẫn thường nói về việc, cứ mỗi lần đi đâu, người ta nghe thấy về người Sài Gòn họ đều sợ, cho dù độ phủ vaccine ở thành phố này đang đứng đầu cả nước. Chúng ta đã trải qua những ngày u ám, nhưng mọi thứ đang dần trở lại, thành phố đang dần phục hồi. TP HCM không thể cứ mãi gắn với hình ảnh của "ổ dịch".

- Ngoài cởi bỏ tâm lý của người dân, theo ông còn yếu tố nào sẽ quyết định sự "trở lại" của ngành du lịch?

- Yếu tố quan trọng nhất là sự đồng bộ với một ví dụ điển hình là việc áp dụng Nghị quyết 128 vào thực tế ở mỗi địa phương. Đây điều kiện cần để cuộc sống nói chung và du lịch nói riêng trở lại, dỡ bỏ các quy định kiểm soát riêng của địa phương, giúp người dân được tự do đi lại. Nhưng trên thực tế, mục tiêu này vẫn chưa thực sự được tháo gỡ, khi mỗi tỉnh tự chọn cho mình một "màu" riêng.

Việc địa phương tự định vị như vậy, về mặt ưu điểm, sẽ bám sát hơn tình hình dịch thực tế. Nhưng vì quan điểm điều hành khác nhau, tinh thần thận trọng, vô tình khiến những nút thắt của bức tranh chung không được tháo gỡ triệt để.

Lấy ví dụ khu vực kinh tế trọng điểm của TP HCM và 5 tỉnh Đông Nam Bộ, trước khi dịch bùng phát, đây là một vùng kinh tế có mối liên kết rất mạnh, sự liên thông giữa các địa phương không chỉ dừng ở khía cạnh giao thông, mà còn là kinh tế và hỗ trợ sự phát triển chung. Tuy nhiên, hiện nay mỗi tỉnh lại có một chính sách chống dịch khác nhau, dẫn đến câu chuyện thiếu đồng nhất.

Hay việc áp dụng Nghị quyết 128 vào cuộc sống, một tỉnh ở Tây Nam Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn dày 58 trang. Nói thực, tôi không nghĩ người soạn thảo, người dân trong tỉnh có thể nhớ chính xác được từng nội dung trong văn bản hướng dẫn này.

Nghị quyết này ra đời là điều chúng tôi rất mong mỏi, vì đây "là điều kiện" cần cho phép thiết lập trạng thái "bình thường mới", nhưng chúng ta đang thiếu đi "điều kiện đủ" là việc triển khai.

Tôi kiến nghị, người đứng ra điều phối để giải bài toán này nên là Chính phủ. Dựa trên tình hình dịch tại mỗi địa phương, tính chất liên kết giữa các vùng để có thể đưa ra "màu" phù hợp. Các tỉnh sẽ không được áp dụng các quy định chặt hơn là khuyến nghị của Chính phủ, nếu muốn thay đổi thì phải đề xuất.

- Nếu đưa ra dự đoán, ông đánh giá khi nào du lịch có thể trở lại?

- Tôi cho rằng du lịch sẽ phục hồi dần dần, chứ không thể có một bước nhảy vọt trong thời gian ngắn. Theo dự báo của chúng tôi, từ nay đến ngày 15/1/2022 sẽ là giai đoạn khởi động lại thị trường. Từ 15/1 đến 15/4 là giai đoạn thị trường dần hồi phục từng phần. Và sau đó, đến giai đoạn 30/4 và hè năm sau mới là giai đoạn bình thường mới trở lại. Để du lịch đạt quy mô như trước khi dịch xảy ra, chúng tôi ước tính phải đến hè năm 2023.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán (CTCK) bị sự cố hệ thống công nghệ thông tin thi thoảng vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thường sớm được khắc phục trong phiên.

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.