Sở QH-KT TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP về tổng kết “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế, áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tại địa bàn quận Tân Bình”.
Sở QH-KT cho rằng cần hiểu rõ, hiểu đúng về việc phát triển đô thị quanh sân bay. Đây không phải là xây dựng một đô thị mới mà chỉ là một quá trình phát triển quy hoạch dựa vào các cơ hội đang có.
Trong báo cáo nói trên, Sở QH-KT nêu ba giải pháp phát triển đô thị xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Thứ nhất, về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển không gian đô thị: Cần rà soát quỹ đất có khả năng phát triển dự án để xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng chuyển đổi chức năng các nhà máy công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm nhằm bổ sung chức năng thương mại, dịch vụ, logistics...
Mặt khác, để đạt mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh sân bay cũng không thể bỏ qua quyền lợi của người dân đang sinh sống tại khu vực này.
Cạnh đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu vực xung quanh nhà ga metro số 2, số 5 để ưu tiên bổ sung các chức năng dịch vụ thương mại, công cộng, logistics. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cụm dân cư hai bên tuyến đường Trường Sơn và khu vực dọc theo tuyến Cộng Hòa - Trường Chinh theo hướng chuyển đổi, bổ sung chức năng thành các cụm thương mại, dịch vụ và dân cư với đầy đủ hạ tầng xã hội.
Hoặc xem xét theo hướng điều chỉnh các cụm dâm cư trên thành các cụm logistics và dịch vụ thương mại có giao thông gắn kết trực tiếp thuận lợi với sân bay; bổ sung các khu vực triển lãm hội thảo quốc tế…
Thứ hai, về quy hoạch giao thông đô thị: Tổ chức các loại hình giao thông công cộng chuyên biệt (xe điện, taxi, buýt nhanh...) kết nối từ các hướng đến sân bay. Cạnh đó, bổ sung các cầu vượt để giảm ùn tắc tại các giao lộ ở khu vực này.
Thứ ba, tổ chức các sản phẩm dịch vụ, thương mại chất lượng cao. Song song, tổ chức các hoạt động dịch vụ phát triển kinh tế đêm kết hợp dịch vụ giải trí, ẩm thực, văn hóa... tại Công viên Hoàng Văn thụ, Gia Định hoặc các khu vực đô thị xung quanh sân bay…
Hai cơ hội để phát triển đô thị khu vực sân bay
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh Văn phòng Sở QH-KT TP.HCM, cho biết: “Việc sân bay Tân Sơn Nhất nâng cấp đầu tư để mở rộng công suất, xây dựng thêm nhà ga, xây dựng thêm các kết nối giao thông, sẽ tạo ra ảnh ưởng tích cực với sự phát triển đô thị quanh khu vực sân bay”.
Theo Sở QH-KT, để đạt mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh sân bay cũng không thể bỏ qua quyền lợi của người dân đang sinh sống tại khu vực này.
Theo ông Thụ, việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là một cơ hội, ngoài ra, trùng hợp là chúng ta có thêm một cơ hội khác khi tới đây TP.HCM sẽ điều chỉnh quy hoạch chung TP.
“Phải triển khai nghiên cứu đồ án quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung TP. Phải bắt tay nghiên cứu đồ án, đặc biệt là các quận xung quanh sân bay như Gò Vấp, Tân Bình cần chuẩn bị tích cực hơn để phối hợp với TP. Trên cơ sở đó, những khu vực chúng ta cần điều chỉnh quy hoạch sẽ có nghiên cứu đồng bộ” - ông Thụ nói.
Ngoài cơ hội, ông Thụ cho rằng cũng có thách thức khi triển khai phát triển đô thị quanh sân bay. Xung quanh sân bay quỹ đất công còn nhiều, trực thuộc sự quản lý của bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước. Vì vậy, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch rất cần có sự tham gia, phối hợp với các bộ, ngành trung ương.
“Nếu không có ý kiến đồng thuận, sự hợp tác của cơ quan trên về kế hoạch sử dụng đất, về cơ cấu tổ chức lại mục đích sử dụng đất của họ và nếu các quận không phối hợp được với các đơn vị chủ quản đang sử dụng đất trên, thì tính khả thi của các đồ án quy hoạch sẽ không cao. Đây là thách thức rất lớn” - ông Thụ phân tích.
Vì vậy, theo ông Thụ, việc phát triển đô thị quanh sân bay cần đòi hỏi quá trình phối hợp rất quyết liệt giữa các cơ quan liên quan. Thêm nữa, khi phát triển đô thị quanh sân bay cũng gặp thách thức rất lớn về giao thông, nên cần có sự phối hợp đồng bộ, chi tiết hơn để giải bài toán này.
Theo ông Huỳnh Xuân Thụ: “Chúng ta cũng lưu ý, nên tránh dùng cụm từ “đô thị sân bay”, vì ở đây không có gì mới cả, tất cả rất bình thường, lâu nay TP.HCM đã là đô thị gắn với sân bay. Chúng ta tránh thông tin không đúng là sẽ xây dựng một TP mới xung quanh sân bay, để không gây hoang mang cho người dân.
“Khi sân bay nâng cấp thì chúng ta có một số cơ hội mới để phát triển thêm, hoàn thiện hơn. Nếu hiểu sai có thể khiến giá đất khu vực này bị đẩy lên, rất nguy hiểm” - ông Thụ nhấn mạnh.
Phó chánh Văn phòng Sở QH-KT TP cũng cho rằng cần thông tin để người dân hiểu rõ đây chỉ là quá trình phát triển tuần tự, từ từ, liên tục. TP đang có cơ hội cải tạo, nâng cấp dần dần, hoàn thiện, chỉnh trang khu vực đô thị gần sân bay cho đồng bộ hơn.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc