Huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp được xem là "vương quốc" quýt hồng lớn nhất miền Tây. Các nhà vườn trồng quýt hồng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn quýt phục vụ Tết Quý Mão 2023.
Hy vọng mùa vui sau đại dịch
Về Lai Vung, hỏi lão nông Lưu Văn Ràng (ngụ xã Vĩnh Thới) thì ai cũng biết ông là "cha đẻ" của cây quýt hồng kiểng. Ông Ràng là nông dân đầu tiên có ý tưởng chuyển đổi quýt hồng trong vườn thành cây chưng Tết ở miền Tây. Cây quýt hồng bình thường cao lớn, cành lá um tùm nhưng qua bàn tay khéo léo của ông đã biến thành cây kiểng chỉ cao 1-1,5 m. Cái hay của ông Ràng là "rút gọn" hình dáng cây nhưng trái quýt vẫn to như thường và hương vị không thay đổi, với giá từ 3-7 triệu đồng/chậu.
Theo ông Ràng, để trồng được một chậu quýt hồng kiểng bán Tết phải chăm sóc cực kỳ vất vả, tay nghề kỹ thuật phải cao, đặc biệt phải nhẫn nại, chuyên cần. Theo ông, phải chuẩn bị cây con từ hơn 2 năm trước. Cứ vào dịp Tết, hàng trăm chậu quýt hồng kiểng "độc, lạ" chưng Tết đã giúp ông Ràng thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Nhà vườn tại làng nghề hoa, kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (TP Cần Thơ) chuẩn bị cho thị trường Tết. Ảnh: CA LINH
Theo ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc HTX Hoa kiểng Bình An (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), năm nay nhà vườn trồng hoa, kiểng gặp khó do mưa nhiều và triều cường dâng cao. "Để phục vụ thị trường Tết 2023, các xã viên HTX trồng khoảng 20 chủng loại, trong đó nhiều nhất là cúc mâm xôi, cúc Đài Loan và cát tường. Giá vật tư nông nghiệp tăng đã làm tăng chi phí sản xuất. Chúng tôi hy vọng thị trường hoa, kiểng Tết sẽ gặp thuận lợi để người trồng đón một mùa xuân an vui" - ông Đoàn Hữu Bốn bày tỏ.
Ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho hay nếu như dịp Tết năm rồi, các hộ dân không mạnh dạn trồng do ảnh hưởng dịch COVID-19 thì năm nay, nhiều nhà vườn tăng số lượng chậu và đa dạng chủng loại. Vụ Tết năm rồi, Chợ Lách chỉ có khoảng 5 triệu sản phẩm nhưng dự kiến dịp Tết 2023, huyện sẽ tung ra thị trường khoảng 10 triệu sản phẩm các loại, chủ yếu là mai vàng, tắc kiểng, hoa giấy, các loại hoa nở như cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, vạn thọ... Bên cạnh đó, các nhà vườn còn trồng nhiều loại kiểng lá, kiểng treo, kiểng bonsai với mẫu mã, kích cỡ đa dạng.
Nhiều kiểu thưởng ngoạn
Từ năm 2015, ông Đoàn Anh Kiệt (ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung) đã tận dụng 5 công đất vườn trồng quýt hồng. Ông không bán trái cho thương lái mà phục vụ khách tham quan du lịch chụp ảnh, thưởng thức tại vườn.
Ông Kiệt là nông dân đầu tiên ở huyện Lai Vung "liều" làm du lịch theo cách mới mẻ này vì lúc đó chưa ai nghĩ đến. Tuy nhiên, điểm tham quan vườn quýt của ông được du khách nhiều nơi tìm tới, vào những ngày Tết đông như lễ hội, sau đó nhiều nhà vườn làm theo.
Ông Kiệt cho biết trong sự hối hả của cuộc sống đô thị, khách du lịch ở các thành phố lớn có xu hướng đi tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái miệt vườn ở miền Tây, bởi họ được hòa mình với cuộc sống của nhà vườn nên thích thú hơn. "Mỗi năm, nhờ phát triển vườn quýt hồng đón du khách mà gia đình tôi có thu nhập vài trăm triệu đồng" - ông Kiệt nhẩm tính.
Trong khi đó, làng hoa Xáng Mới (thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) chỉ với hơn 10 hội viên nhưng trồng đến 50 ha, chủ yếu là mào gà, cúc 7 màu, hướng dương và các loại kiểng như ớt, quất. Một hộ dân trồng hoa cho biết nhiều người thích tự chăm sóc hoa từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Đây là thú vui nhẹ nhàng và ngày càng phổ biến. Ngoài việc bán hoa trưởng thành dịp Tết, các hộ trồng tập trung một phần công sức cho thị trường cây con bằng các loại hoa ngắn ngày, dễ chăm sóc, thu được lợi nhuận khá tốt.
Đặc sản đang hút hàng
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch HĐQT HTX Chế biến thương mại - dịch vụ - nuôi trồng thủy sản Cái Bát (gọi tắt là HTX Cái Bát, trụ sở tại Cà Mau), cho biết trong dịp Tết Quý Mão 2023, HTX cung ứng 4-5 tấn sản phẩm các loại ra thị trường, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. HTX Cái Bát từ lâu được biết đến là vùng nuôi đạt chứng nhận ASC, VietGAP. Các sản phẩm của HTX là đặc sản nức tiếng không chỉ ở Cà Mau mà còn được nhiều nơi ưa chuộng như: tôm khô, chả cá phi, bánh phồng tôm, tôm đông...
Cơ sở "Đặc sản miền Tây quê tôi" (TP Cần Thơ) chuyên kinh doanh các sản phẩm khởi nghiệp và OCOP là những đặc sản của vùng ĐBSCL nên rất hút hàng từ khi khai trương vào cận Tết. Hiện nay, đã có đối tác liên hệ nhưng đầu tháng 11 âm lịch, cơ sở mới bắt đầu trữ hàng bán trong dịp Tết 2023.
"Sản phẩm của cơ sở rất đa dạng như: các loại khô Cà Mau, cá thát lát rút xương (Hậu Giang), dừa sáp (Trà Vinh); sản phẩm làm đẹp như tinh dầu chúc (An Giang)... Cơ sở chủ yếu làm giỏ quà theo yêu cầu của khách hàng để tặng, biếu trong dịp Tết với giá từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/giỏ. Dự kiến số lượng sản phẩm bán trong dịp Tết tới sẽ tăng hơn năm rồi" - ông Trương Hòa Hội, chủ cơ sở "Đặc sản miền Tây quê tôi", thông tin.
Theo Người Lao Động
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.