Cần bắt đúng “bệnh” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Hàng năm hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng, 45% trong đó là vốn trung và dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25% - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Ngoài vai trò là kênh huy động vốn, thị trường trái phiếu góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế.
“Trái phiếu DN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế. Do đó, thị trường trái phiếu và thị trường vốn còn nhiều dư địa phát triển”, TS. Cấn Văn Lực nói.
“Khi nói đến bất cập trong huy động vốn trái phiếu, ta thấy tỉ lệ phát hành trái phiếu "3 không" trong tổng khối lượng phát hành trái phiếu DN tới hơn 30% là rất nghiêm trọng. Đây là phát hành của những DN chưa niêm yết”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh lo ngại.
Theo ông Thịnh, ở nhiều quốc gia, việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là bình tường nhưng với thị trường non trẻ như Việt Nam thì điều này chưa phù hợp. Ngay cả việc xem xét số lượng phát hành trái phiếu của chúng ta cũng không đến nơi đến chốn, quy định vốn vay trên vốn chủ sở hữu cần phù hợp để bảo đảm khả năng trả nợ.
“Việc các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu DN chiếm tỉ trọng lớn trong tổng khối lượng vốn tiêu thụ cũng là vấn đề nghiêm trọng. Đó có thể là tình trạng ngân hàng giúp DN phát hành trái phiếu để "đảo nợ", chuyển từ ngân hàng cho vay nợ có bảo đảm, quản lý giám sát, sử dụng chặt chẽ sang cho vay thông qua trái phiếu DN, tức gần như giao nguyên số tiền cho DN, họ sử dụng gì, đầu tư ra sao, ngân hàng cũng không quản lý được”, ông Thịnh nêu thực tế.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng mua bán lòng vòng, gần như ngân hàng cũng không quản lý được. Công ty con mới thành lập và lượng vốn rất bé vẫn tham gia phát hành trái phiếu. Chủ thể mua trái phiếu không chú ý đến khả năng tài chính, hấp thụ, rõ ràng đã làm lu mờ hình ảnh công ty phát hành.
“Ngoài ra, còn có tình trạng bán chui không qua thị trường mà chỉ qua tin nhắn Facebook, Zalo để gạ gẫm mua với lãi suất rất cao. Đặc biệt, việc giám sát quá trình sử dụng vốn gần như buông lỏng. Vì vậy, có nhiều kẽ hở cần được lấp lại để làm sao tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu DN trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, an toàn của nền kinh tế”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu thực tế.
Cùng quan điểm, Th.S Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết: “Hiện nay, phát hành TPDN gắn với khái niệm “3 không”: không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm. Nhưng tôi lo ngại còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm”.
Bản thân thị trường không có lỗi, chính sách do chúng ta làm nên
Để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, TS. Cần Văn Lực cho rằng, Chính phủ cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua, để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả doanh nghiệp. Xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả.
“Đã gọi là thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường tài chính rất văn minh, do đó hãy để thị trường tự điều chỉnh, chứ không phải là các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được. Không phải vì một số trường hợp, vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Còn theo ông Phùng Xuân Minh, Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Rating), thị trường TPDN Việt Nam còn mới và quá non trẻ. Với kinh nghiệm 12 năm khảo sát một số thị trường quốc tế như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…, những gì thị trường TPDN trong nước đang trải qua cũng là những "lỗi" mà các thị trường nói trên mắc phải từ 20-30 năm trước khi còn ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, bản thân thị trường không có lỗi, chính sách do chúng ta làm nên.
“Hiện nay thị tường TPDN cần sẵn sàng 3 yêu cầu quan trọng gồm: Nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm là khâu quan trọng; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…). Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hoá xếp hạng tín nhiệm…”, ông Phùng Xuân Minh nêu ý kiến.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, cần quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần xếp hạng tín nhiệm trong khoảng thời gian ngắn, đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.
“Cần phải chú trọng phát triển thị trường chứng khoán chưa chính thức (OTC), quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là những điều rất quan trọng nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất.