Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Công điện của Thủ tướng về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Công điện được gửi cho bộ trưởng các bộ, ngành gồm: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chủ tịch UBND các tỉnh.
Thời gian qua, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu còn đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế, tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam. Sau đó, tình trạng này đã lan ra các địa phương phía Bắc, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của nhân dân.
Các bộ, ngành cùng đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên kết quả xử lý chưa có chuyển biến rõ nét. Tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra, gây bức xúc cho người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định. Bộ Công Thương triển khai quyết liệt các giải pháp theo thẩm quyền để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12/11.
Đồng thời, Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự và thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi phải bảo đảm khoa học, hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022.
Bộ trưởng Tài chính phối hợp các bộ, ngành liên quan, định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê chi phí liên quan kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn.
Theo đó, Bộ Tài chính phải thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Thủ tướng cũng yêu cầu bộ trưởng các bộ gồm: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia. Đồng thời, các bộ hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu theo quy định.
Để tháo gỡ vướng mắc về vốn, tín dụng, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương phối hợp tháo gỡ cho từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện tối đa bảo đảm nguồn vốn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu thông tin tuyên truyền xăng dầu có định hướng, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện về tổng thể thị trường xăng dầu trong nước và thế giới trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhằm ổn định tâm lý xã hội và người dân, tránh gây hoang mang dư luận.
Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.
Các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.