Ngày 26/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội; Tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; Góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Cả nước hiện có khoảng 7 triệu doanh nhân, gần 900.000 doanh nghiệp, đóng góp khoảng 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước và tạo ra việc làm trực tiếp cho gần 30% lực lượng lao động của toàn xã hội. Hàng trăm thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đã trở thành Thương hiệu quốc gia và đã có những tên tuổi doanh nhân vượt ra ngoài đất nước, xếp hạng cùng những doanh nhân lớn trên thế giới.
Tại một hội thảo gần đây về “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã nhấn mạnh rằng: “Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”, và “văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu”.
Thống kê cho thấy, có tới hơn 300 khái niệm khác nhau về văn hóa doanh nghiệp và hàng nghìn triết lý kinh doanh trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Song, đa số đều coi văn hóa doanh nghiệp là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh, sức mạnh nội tại của mỗi doanh nghiệp. Và xây dựng, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc cam kết uy tín thương hiệu, sản phẩm - dịch vụ, mong muốn doanh nghiệp phát triển trường tồn.
Từ xa xưa ông cha ta đã hành đạo “buôn có bạn, bán có phường”; “Giữ chữ tín, bỏ cái lợi trước mắt để giữ đức lâu dài”… Nhờ đoàn kết, sẻ chia, hợp tác, tin tưởng mà thành danh, thành nghề, tồn tại cùng nhau trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ vì thế mà “chữ tín” tự thân nó đã trở thành một thành tố không thể tách rời trong triết lý kinh doanh của người Việt, và càng quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng hiện nay.
Không phải ngẫu nhiên mà “Bộ tiêu chí kinh doanh Việt Nam” - cơ sở để tôn vinh, chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam” lại có tới hơn 50 chỉ số đánh giá, đo lường, với 19 tiêu chí cụ thể và ít nhất 5 điều kiện bắt buộc, trong đó nhấn mạnh tới các yêu cầu như: “Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm pháp luật”.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội”, đồng thời yêu cầu “mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu, tuân thủ nghiêm pháp luật, vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng”.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - một nhà ngoại giao kỳ cựu của đất nước thì “văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân chính là sản phẩm của văn hóa dân tộc”. Vì vậy, cùng với sự không ngừng học hỏi, thích nghi với thế giới bên ngoài bằng nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, doanh nhân thì việc “xây dựng thể chế văn hóa phù hợp, tạo môi trường kinh doanh tích cực, lành mạnh thuộc về trách nhiệm của Nhà nước và giữ vai trò quan trọng tạo dựng văn hóa doanh nghiệp”!