Nguyên tắc phát triển du lịch bền vững không thể bỏ qua sự tôn trọng đối với giá trị văn hóa, tự nhiên của cộng đồng, mang lại lợi ích tương hỗ cho người làm du lịch cũng như địa phương. Thế nhưng, 2 lợi ích này không phải lúc nào cũng trùng khớp lên nhau. Để có điều kiện đầu tư lớn, tầm nhìn xa, chỉ có các doanh nghiệp đủ mạnh có thể áp dụng triết lý này.
Vùng Tây Bắc nước ta là nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc thiểu số có văn hóa truyền thống đặc sắc, phong cảnh hùng vĩ, tự nhiên, tri thức bản địa độc đáo. Để khai thác được tiềm năng này, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chủ yếu tập trung vào mảng xây dựng cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, hầu như các doanh nghiệp đều chưa đạt được ngưỡng phát triển mong muốn, dù đối với cộng đồng du lịch quốc tế, họ rất nổi tiếng và phần nào được tôn trọng vì hướng phát triển xanh, vì cộng đồng và có đóng góp cho kinh tế địa phương.
Một số cơ sở lưu trú sang trọng vượt hẳn lên vì đầu tư lớn, sử dụng lao động người địa phương. Thậm chí, khi xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng quy mô, họ chủ trương sử dụng kiến trúc sư người địa phương, vật liệu xây dựng do địa phương sản xuất, công xây dựng cũng ưu tiên cho người địa phương. Mục tiêu của các doanh nghiệp này là tạo ra hình ảnh thương hiệu của họ càng nhiều đặc trưng địa phương càng tốt. Trong các khu du lịch nghỉ dưỡng lớn, sang trọng chủ yếu dùng vật liệu tre nứa để làm vật dụng, đồ dùng, trồng cây cảnh nhiệt đới đặc trưng của địa phương để cảnh quang khu du lịch trùng khớp và sắc màu bản địa. Họ dùng sản phẩm thổ cẩm sản xuất từ những khung cửu thủ công của người địa phương như một cách tạo ra hình ảnh riêng, hòa hợp với môi trường, thân thiện với du khách. Cơ sở lưu trú tại địa phương, điện nước sinh hoạt được dùng chung, đường giao thông là đường nội thôn, trong xã. Và đương nhiên, người lao động đều là con em của dân địa phương. Đến giai đoạn này, các doanh nghiệp bắt đầu vướng phải những khó khăn nhất định, không phải điều kiện khách quan mà hoàn toàn là vấn đề đào tạo con người.
Các khu nghỉ dưỡng lớn, sang trọng ở Tây Bắc đều treo trong khu vực đón khách dòng khuyến cáo lưu ý đối với khách đến nghỉ dưỡng: “Chúng tôi theo đuổi triết lý kinh doanh bền vững và đề nghị quý khách tôn trọng cộng đồng địa phương”. Nhân viên trong các khu nghỉ dưỡng bộc lộ bất cập khi nói chuyện riêng với nhau bằng tiếng dân tộc thiểu số, chểnh mảng trong chăm sóc khách hàng, hành xử tùy hứng và đôi khi thiếu kiến thức cơ bản trong ngành dịch vụ du lịch vì không được đào tạo bài bản, không va chạm và trải nghiệm so sánh với bên ngoài. Họ không lấy khách hàng là trung tâm mà lấy chính họ ra làm trung tâm trong toàn bộ guồng quay vận hành và cho rằng, đây là triết lý riêng.
Xét về hiệu quả kinh doanh, đây không phải là một bước đi hiệu quả nhất trong việc hút khách, đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn, tăng suất đầu tư và tăng lợi nhuận. Những người đi du lịch sẵn sàng hòa hợp với cộng đồng bản địa với điều kiện họ được hưởng lợi và được phục vụ xứng đáng với giá mua dịch vụ. Có thể thấy nhiều cơ sở lưu trú nằm trong các khu vực cộng sinh với cộng đồng dân tộc thiểu số nhầm lẫn giữa khái niệm cộng đồng địa phương và nhóm lao động địa phương làm dịch vụ du lịch.
Trong các buổi tọa đàm về mô hình du lịch, các doanh nghiệp bàn thảo về tình trạng các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đều là các vùng đặc sắc văn hóa bản địa, vùng được ưu đãi về đầu tư và sẵn có tiềm năng lớn về văn hóa dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hầu như các vùng này đều phát triển chậm dù du lịch đã được bản địa hóa. Để có được thành công như các khu nghỉ dưỡng ven biển, đảo, du lịch vùng núi, vùng đồng bào thiểu số phải áp dụng một triết lý kinh doanh khó hơn, lâu dài hơn. Trên thực tế, triết lý kinh doanh lấy cộng đồng bản địa làm trung tâm sẽ loại trừ sự chụp giật, ăn xổi ở thì, hớt váng... và thường tính thời gian hàng thập kỉ trở lên.
Giám đốc một khu nghỉ dưỡng tại Sa Pa, Lào Cai xin giấu tên cho hay: Để theo đuổi mục tiêu làm giàu cho cộng đồng dân tộc thiểu số trước, lợi nhuận doanh nghiệp sau thì chúng tôi cần phải đầu tư nhiều hơn, đào tạo kỹ hơn và hạ giá dịch vụ xuống thấp. Làm cầu nối giữa khách du lịch và cộng đồng địa phương là mục tiêu đôi khi ngay cả người địa phương cũng không muốn. Họ muốn làm ăn nhỏ lẻ, cóp nhặt, chắc chắn chứ không muốn tạo ra các sản phẩm chuỗi, giá trị lớn. Dịch vụ tắm lá thuốc của người dân tộc tại Lào Cai là một ví dụ, rất ít các doanh nghiệp lớn, khu nghỉ dưỡng cao cấp sang trọng có thể xây dựng dịch vụ này một cách nguyên bản, quy mô, làm giàu cho người bản địa mà vẫn đảm bảo tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch đậm tính bản địa.
Hướng đi đúng đắn của du lịch bền vững tại các vùng dân tộc thiểu số Việt Nam là mục tiêu xanh, chìa khóa vàng của doanh nghiệp làm du lịch. Tuy nhiên, nếu vận dụng triết lý kinh doanh không thấu đáo, con đường đi tới sẽ dài hơn và hiệu quả kém đi, chậm sẽ càng chậm hơn.