Thứ ba, 07/05/2024

Về đèo Le, ăn món gà đùm độc nhất vô nhị đất Quảng Nam

20/02/2022 6:30 AM (GMT+7)

Căn bản là do gà ngon nên gà tre đèo Le, đặc sản huyện Quế Sơn (Quảng Nam) chế biến kiểu gì cũng ngon, từ luộc, hấp, nướng. Hoặc lạ và cầu kỳ hơn nữa thì có món: gà đùm.

Gà đùm có lẽ là món ăn độc nhất vô nhị đất Quảng mà chỉ người dân địa phương mới làm. Du khách vào khắp các nhà hàng, quán ăn dọc thắng cảnh Đèo Le, đừng mong gọi được món này.

Đi đèo Le, ăn gà tre trứ danh

Đèo Le ở xã Quế Long (huyện Quế Sơn) chỉ dài 7km. Thế nhưng, cung đường uốn lượn đèo Le đủ sức cuốn hút du khách. Nhất là những ngày xuân, du khách thường rủ nhau lên khu du lịch Nước Mát ngay trên đỉnh đèo.

Kết thúc buổi leo núi và tắm suối ở khu du lịch Nước Mát mà không thưởng thức món gà tre trứ danh đất Quảng thì thiếu sót vô cùng.

Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Nước Mát trên đèo Le ở huyện Quế Sơn. Ảnh: Trần Khánh

Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Nước Mát trên đèo Le ở huyện Quế Sơn. Ảnh: Trần Khánh

Gà tre Đèo Le vốn là đặc sản của người dân huyện Quế Sơn vì hương vị thơm, ngọt. Gà tre vốn là giống gà bản địa thuần chủng, khá nhẹ cân, lại chậm lớn. Gà được nuôi nhiều tại các xã miền núi như: Quế Long, Quế Minh, Quế An...

Có một thuở, gà tre bị các giống gà khác cạnh tranh vì hiệu quả kinh tế cao hơn. Thế nhưng, người dân ở Quế Sơn vẫn quyết tâm giữ giống gà quý này.

Cục Sở hữu trí tuệ cũng từng cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Gà tre Đèo Le. Đến giờ, Quế Sơn có hẳn chương trình Ocop (mỗi xã một sản phẩm) cho món ăn đặc sản gà tre này.

Nếu đi từ thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn) lên khu du lịch, du khách dễ dàng nhìn thấy các quán ăn đặc sản gà tre đèo Le nằm san sát ven đường.

Gà tre mà người dân các xã ở Quế Sơn nuôi thường hạn chế ăn cám công nghiệp. Gà được thả rông trong vườn nhà. Mà vườn nhà dân thì đa phần là tiếp giáp đồi núi.

Gà tre vẫn được người dân nuôi nhiều ở các xã miền núi như: Quế Long, Quế Minh, Quế An. Ảnh: Trần Khánh

Gà tre vẫn được người dân nuôi nhiều ở các xã miền núi như: Quế Long, Quế Minh, Quế An. Ảnh: Trần Khánh

Chỉ cần gà thả vườn hay leo đồi thì thịt gà ngon và săn chắc, chẳng cần phải là gà tre. Thế nhưng gà tre vẫn gắn chặt với đèo Le như một cái duyên, làm thành thương hiệu một đặc sản của quê hương.

Khi bạn ghé vào các hàng quán trên Đèo Le sẽ thấy gà được bắt nhốt sẵn để khách lựa chọn. Gà tre được chế biến theo các cách phổ biến là luộc, nướng, hấp hành, rô ti. Hoặc cầu kỳ hơn nữa thì gọi luôn con gà bó xôi.

Riêng tôi vẫn để dành bụng về ăn ăn món gà đùm mẹ nấu.

Độc đáo món gà đùm

Để làm món gà đùm, con gà không quá lớn, không quá già để thịt mềm. Cả xương gà cũng mềm và ngọt nước.

Thành phần làm xôi là nếp, đậu xanh và hạt sen được ngâm nước 2-3 tiếng, sau đó rửa sạch, để ráo.

Về đèo Le, ăn món gà đùm độc nhất vô nhị đất Quảng Nam - Ảnh 4.

Về đèo Le, ăn món gà đùm độc nhất vô nhị đất Quảng Nam - Ảnh 5.

Xôi và gà được đùm lại bằng tàu lá sen hoặc lá chuối. Ảnh: Trần Khánh

Nguyên liệu làm xôi được trộn đều, ướp thêm ít gia vị gồm muối, tiêu, củ hành băm nhỏ.

Các loại rau thơm còn có rau răm, lá mơ. Các loại lá này được cắt nhỏ, trộn đều vào trong nếp. Và đặc biệt là dùng nhiều ngò rí, loại ngò mẹ trồng trong vườn, thơm nức mũi.

Con gà tre có thể không cần tẩm ướp gì cả. Vì khi nấu, gia vị từ trong nếp sẽ thấm vào thịt gà. Nước thịt gà chảy ra sẽ làm ngọt thêm cho xôi nếp.

Người dân quê thường dùng lá sen để đùm, tức là bó cả gà và xôi lại. Không có lá sen thì dùng tàu lá chuối to để gói. Trước khi gói, lá chuối phải được hơ qua lửa cho mềm và dai.

Một lớp nếp mỏng được trrải trên lá chuối. Sau đó, con gà nguyên con hoặc đã chặt ra từng phần nhỏ được đặt vào chính giữa. Phần nếp còn lại được đổ tiếp vào, bao phủ quanh con gà.

Người nấu cẩn thận gói ghém thành 1 đùm. Cũng vì thế dân quê hay gọi đơn giản món này là món gà đùm.

"Lúc cột dây, chỉ siết đùm gà vừa tay thôi, chừa chỗ cho xôi và gà nở thêm trong lúc chín", mẹ tôi dặn.

Khi chín, xôi và gà đùm quyện vào nhau làm thành hương vị rất khác biệt. Ảnh: Trần Khánh

Khi chín, xôi và gà đùm quyện vào nhau làm thành hương vị rất khác biệt. Ảnh: Trần Khánh

Cách làm chín món gà đùm này cũng khá đặc biệt vì không hẳn là luộc, cũng không hẳn là hấp.

Người nấu thả cả đùm gà vào nồi nước sôi nhưng tuyệt đối, không được để nước thấm vào bên trong xôi nếp. Gà đùm sẽ chín bằng hơi nóng trên ngọn lửa to.

Khâu đun lửa là tốn kém nhiều thời gian nhất. Đùm gà được nấu trong khoảng 2 giờ đồng hồ.

Cũng vì kỳ công và tốn thời gian như vậy nên món gà đùm này hầu như chỉ có người dân địa phương làm. Ở ngoài quán, có mà đói... rã ruột cũng chưa biết con gà đang đi về đâu.

Khi gà đùm chín, mở lớp lá bọc ngoài, một mùi thơm tỏa ra rất quyến rũ. Hương của rau thơm, của nếp, của gà được nấu chín đều một lượt, quyện vào nhau.

Gà được bó kín trong gói lá nên vị ngọt giữ nguyên, hơn đứt món gà luộc.

Còn với món gà bó xôi thường thấy, gà được luộc trước. Xôi cũng được nấu riêng. Sau đó mới lấy xôi phủ quanh con gà rồi đem chiên dầu. Khi ăn, cả gà lẫn xôi đều cứng, giòn chứ không thơm mềm, tơi xốp như món gà đùm. 

Mọi người có thể tự làm lấy món gà đùm khi không tìm thấy trong các hàng quán. Ảnh: Trần Khánh

Mọi người có thể tự làm lấy món gà đùm khi không tìm thấy trong các hàng quán. Ảnh: Trần Khánh

Nhiều người nói, muốn ăn gà tre đúng chuẩn phải đến đèo Le để thưởng thức. Cái này thì tôi không cãi.

Nhưng bảo gà tre đèo Le ngon do được chế biến bằng mạch nước ngọt mát của suối Nước Mát thì chưa chắc. Vì nếu thịt gà ngon thì cứ dùng nước sạch chế biến cũng làm ra món ngon, không nhất thiết phải dùng nước suối.

Và món gà đùm mà người dân quê tôi thường làm, dù không ở ngay cạnh đèo Le vẫn cứ ngon; ngon trong nỗi nhớ của những người con xa xứ, ngon vì cách chế biến khác biệt.

Suối Nước Mát vẫn còn đó, đàn gà tre quê tôi vẫn sẵn sàng chờ đón thực khách. Còn nếu không có dịp về Quế Sơn, bạn cũng có thể tự làm lấy cho mình một món gà thật khác để thay đổi khẩu vị. 


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Độc đáo chiếc bánh mì baguette dài 140 mét

Độc đáo chiếc bánh mì baguette dài 140 mét

Mới đây, thành phố Dijon, Pháp trở thành tâm điểm của giới truyền thông khi kỷ lục Guinness mới được xác lập cho chiếc bánh mì baguette dài nhất thế giới. Chiếc bánh mì "khổng lồ" này đã chính thức soán ngôi vị quán quân với độ dài 140,53 mét, vượt xa chiếc bánh mì 130 mét sản xuất tại Ý vào năm 2020.

Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách

Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách

Sự phát triển của các mạng xã hội với những video ngắn hấp dẫn đang khiến văn hóa đọc tại Việt Nam gặp nhiều thách thức.

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM từ đầu năm đến nay. 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu ngành du lịch thành phố ước khoảng 60.046 tỷ đồng.

Canh chua và văn hóa chống nóng

Canh chua và văn hóa chống nóng

Miền Tây Nam Bộ gần xích đạo nên rất nóng, đặc biệt năm nay, tình hình này lại kéo dài và gay gắt hơn các năm trước. Trong lĩnh vực ẩm thực, người xưa có nhiều cách đối phó với thời tiết nắng nóng. Nắng nóng (dương) cần có nước (âm) để quân bình lại. Một trong những món ăn điển hình là canh chua.

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cùng với những món ăn đặc sản Hà Nội như chả cá, phở cuốn, bún chả… thì món cháo sườn cũng trở nên rất quen thuộc, trở thành một phần trong ký ức của mỗi người Hà thành.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

Từ những kết quả tích cực của quý I/2024 và lễ 30/4 - 1/5, ngành du lịch TP.HCM tiếp tục triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy sản phẩm du lịch ban đêm, đường thủy và du lịch cộng đồng trong quý II/2024.