Theo Wall Street Journal, cuộc chiến ở Ukraine đã phủ bóng lên nền kinh tế thế giới và đẩy các ngân hàng trung ương vào thế tiến thoái lưỡng nan. Câu hỏi đặt ra là họ nên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hay đối phó với lạm phát.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã đưa ra các động thái nhằm hạ nhiệt giá cả. "Chúng ta đang đối mặt với một tình huống phức tạp và không chắc chắn", ông Klaas Knot - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) - nhận định.
Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cuộc chiến ở Ukraine sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm hơn 1 điểm phần trăm trong năm nay, đồng thời đẩy lạm phát thêm 2,5 điểm phần trăm trên toàn cầu.
Tiến thoái lưỡng nan
"Các ngân hàng trung ương cần đối phó với lạm phát, nhưng còn suy thoái kinh tế thì sao", ông Panicos Demetriades - nhà hoạch định chính sách của ECB - đặt câu hỏi. Ông cho rằng họ không thể làm cả hai.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần đầu nâng lãi suất trong hơn 3 năm. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục tăng lãi trong 6 cuộc họp chính sách khác trong năm nay nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong cuộc họp báo hôm 23/3, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định sẽ làm giảm lạm phát bằng cách ngăn tiền lương tăng quá nóng và vẫn giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Nhưng một số nhà đầu tư lo ngại rằng FED sẵn sàng hành động mạnh tay để cắt giảm lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Anh cũng nâng lãi suất lần thứ 3 nhưng với một giọng điệu tương đối ôn hòa. Hồi đầu tháng, ECB gây bất ngờ khi thông báo kết thúc chương trình mua tài sản vào quý III/2022.
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đều đau đầu vì lạm phát tăng cao do đại dịch, đẩy giá tiêu dùng leo thang lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, thậm chí cao kỷ lục.
Nhưng theo giới quan sát, với việc thắt chặt chính sách vào thời điểm tăng trưởng kinh tế bị đe dọa, điều kiện tài chính và thị trường lao động đi xuống, các ngân hàng trung ương có thể vô tình tạo ra hiện tượng đình lạm, tức lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Theo ông Neil Shearing - nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, việc các quan chức FED mạnh tay nâng lãi suất đang làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.
"Với những tác động tiêu cực của cuộc chiến ở Ukraine và các đợt bùng dịch Covid-19 tại Trung Quốc, đà phục hồi của những nền kinh tế lớn có đủ mạnh để chống chịu với các đợt thắt chặt chính sách tiền tệ hay không?", ông Shearing đặt câu hỏi.
Ông cũng nhắc đến những bài học từ quá khứ, nhất là 8 chu kỳ thắt chặt ở Mỹ từ cuối những năm 1970, 5 chu kỳ tại Anh và 3 chu kỳ ở khu vực đồng EUR.
"Tổng cộng là 16 chu kỳ thắt chặt. 13 trong số đó đã kết thúc bằng suy thoái kinh tế", ông cảnh báo.
Các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu hiện đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Bức tranh kinh tế của châu lục này đang xấu đi nhanh chóng. Sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu khí Nga đã khiến gánh nặng năng lượng tăng cao.
Vào tháng 2, lạm phát của khu vực đồng EUR là 5,9%, gần gấp 3 lần mục tiêu 2% của ECB.
Theo ông Knot, các doanh nghiệp và người tiêu dùng lo ngại rằng giá sẽ tiếp tục tăng cao bởi những cú sốc kinh tế gần đây. Chúng thậm chí còn tạo ra vòng xoáy giá cả - tiền lương, tức người lao động yêu cầu tăng lương để trang trải chi phí tăng cao, dẫn tới doanh nghiệp phải tăng giá nhằm bù đắp chi phí lao động.
Các ngân hàng trung ương khác lo ngại rằng nền kinh tế của khu vực đồng EUR, vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, sẽ tiếp tục bị giáng đòn.
Theo ông Yannis Stournaras - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, nhà hoạch định chính sách của ECB, cuộc chiến ở Ukraine sẽ đẩy lạm phát lên cao trong ngắn hạn, nhưng cũng làm đình trệ các hoạt động kinh tế và do đó ảnh hưởng đến lạm phát trung hạn.
Các ngân hàng trung ương đã nhiều lần bất ngờ về mức tăng của lạm phát. Chúng đi ngược với những dự đoán cho rằng lạm phát sẽ sớm giảm trở lại.
Tại cuộc họp từ ngày 2-3/2, các quan chức ECB đã tranh luận về những sai sót trong các dự báo kinh tế mới đây của họ.
"Trượt tới bờ vực thẳm"
Theo ông Robert Holzmann, Thống đốc Ngân hàng trung ương Austria, với tình hình không chắc chắn hiện tại, cần chờ đợi xem mọi thứ diễn ra thế nào. "Điều quan trọng là trở lại lập trường chính sách tiền tệ trung lập hơn và nâng lãi suất. Nhưng ngân hàng cần thực hiện từng bước thận trọng", ông nhấn mạnh.
"Không thể loại trừ kịch bản tăng trưởng thấp và lạm phát cao, ngay cả khi đó không phải kịch bản dễ xảy ra nhất. Do đó, chúng ta cần rất thận trọng", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha nhấn mạnh.
Các ngân hàng trung ương ở Hàn Quốc, New Zealand và Singapore đã bắt đầu nâng lãi suất nhằm ngăn chặn lạm phát và cũng phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách trong tương lai.
Với chiến tranh, các lệnh trừng phạt và nguy cơ thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn, nền kinh tế toàn cầu đang bị kéo đến bờ vực thẳm
Ông Michael Debabrata Patra, Phó thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ
Giới quan sát dự báo ngân hàng trung ương của Australia cũng sẽ nâng lãi suất trong vòng vài tháng tới. Hôm 24/3, cơ quan tiền tệ của Hong Kong đã nâng lãi suất chuẩn nhằm duy trì tỷ giá của đồng HKD với đồng USD.
Các ngân hàng trung ương khác ở châu Á cũng có thể buộc phải thắt chặt chính sách ngay cả khi nền kinh tế suy yếu. Philippines và Ấn Độ đang vật lộn với lạm phát tăng nhanh và dự báo tăng trưởng ảm đạm hơn.
Thái Lan đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng, trong khi doanh thu du lịch - vốn đóng góp lớn vào GDP đất nước - lao dốc bởi số lượng du khách từ Nga và Trung Quốc giảm mạnh.
Tại Ấn Độ, lạm phát đã vượt quá giới hạn 6% trong phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương trong 2 tháng liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế cũng lao dốc. Giới chức Ấn Độ cho biết ở thời điểm hiện tại, họ đang tập trung vào rủi ro tăng trưởng hơn là lạm phát.
"Với chiến tranh, các lệnh trừng phạt và nguy cơ thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn, nền kinh tế toàn cầu đang bị kéo đến bờ vực thẳm”, ông Michael Debabrata Patra - Phó thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ - cảnh báo.