Thứ tư, 24/04/2024

Yêu chiếc khăn rằn Nam bộ

11/03/2023 1:00 PM (GMT+7)

Tôi yêu chiếc khăn rằn từ lần tham gia chiến dịch mùa hè xanh hồi đại học. Lần đó, thấy tôi đầu trần khiêng đất làm đường giao thông nông thôn, một cán bộ Xã đoàn Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã tặng chiếc khăn rằn cho tôi.

Lúc đó, chiếc khăn rằn giúp tôi che nắng, lau mồ hôi trên mặt. Nhìn tôi khoác khăn rằn, bác Tư - người nấu cơm cho chúng tôi ăn, nói lâu lắm rồi mới thấy con gái choàng khăn rằn như vậy.

Bác Tư kể, ngày xưa khăn rằn theo cha ông đi khai hoang, mở đất gắn liền với chiếc áo bà ba của người dân Nam bộ. Đàn ông, trai tráng thì cột khăn rằn ngang trán hay quấn cổ, cột ngang hông để thấm mồ hôi lúc lao động. Đàn bà, con gái thì đội gọn trên đầu trùm kín cả phần tóc và hai lỗ tai để khỏi nắng.

Do kích thước nhỏ gọn, chất liệu mềm, thấm hút mồ hôi lại mau khô nên khăn rằn trở nên tiện dụng và gắn bó nhiều với người phương Nam.

Yêu chiếc khăn rằn Nam bộ - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Huỳnh Văn Thái Quỳnh (bìa trái) và các cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giồng Riềng tặng khăn rằn cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tư, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng.


Chợt nhớ câu chuyện ngoại kể, hồi năm 1969, khi hay tin Bác Hồ mất, để che mắt kẻ thủ, các chị, các má đất U Minh đã khéo léo viền một đoạn vải trắng vào một góc khăn rằn để đội đầu và để tang cho Bác, thỏa tấm lòng của người dân miền Nam dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc đã đi xa.

Giờ đất nước hòa bình, chiếc khăn rằn để tang ấy vẫn được ngoại cất giữ cẩn thận trong hòm kỷ vật. Hôm rồi, ngày giỗ bác Hai, một mình ngoại ngồi lần giở lại chiếc hòm xưa cũ đó. Và mỗi lần lục tìm món đồ gì trong chiếc hòm đó, ngoại đều đem chiếc khăn rằn ra, mân mê và sụt sùi chậm nước mắt bằng chính chiếc khăn rằn đó như hồi hay tin bác Hai hy sinh trong rừng U Minh trong lúc tham gia chiến đấu.

Tôi hỏi ngoại sao vẫn giữ chiếc khăn ngày ấy, ngoại nhai trầu, móm mém cười: “Tổ cha mày, sao lần nào ngoại lấy khăn rằn ra ngắm nghía bây cũng hỏi vậy hết? Đó là kỷ vật mà con. Đó cũng là quá khứ khó quên con à...”. Nói xong, ngoại im ru, đôi mắt nhăn nheo dõi ra ngoài bờ dừa, nhìn xa xăm...

Tôi chợt nhớ, có lần ngoại nói: “Quá khứ có thể xếp lại, nhưng không được quên. Không có quá khứ thì chẳng bao giờ có hiện tại và tương lai...”.

Tối qua, nhà thơ Lê Bá Dương nhắn tin báo đã nhận được chiếc khăn rằn tôi gửi tặng. Ông là tác giả bài thơ nổi tiếng “Lời người bên sông”: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Nhà thơ Lê Bá Dương kể, chiếc khăn rằn của một người mẹ miền Nam tặng hồi ông ghé nhà thăm đã theo ông 20 năm, giờ đã cho một người bạn cũ. Người bạn cũ ấy là một thương binh. Trong lần tình cờ gặp lại, thấy nhà thơ Lê Bá Dương choàng chiếc khăn rằn, người thương binh ấy đã ngỏ ý xin chiếc khăn rằn, vì người đó bảo thấy chú choàng khăn rằn nên nhớ miền Nam quá, mà tật nguyền nên đi lại tìm mua không dễ. Vậy là ông đành tặng lại chiếc khăn rằn đã theo mình suốt 20 năm, xem như đó là món quà giúp người thương binh nhìn thấy được miền Nam đang rất gần.

Cách đây chưa lâu, tôi có dịp ra Thổ Chu - quần đảo phía Tây Nam của Tổ quốc thuộc địa bàn TP. Phú Quốc (Kiên Giang) theo hành trình “Tuổi trẻ cụm sông Hậu vì biển, đảo quê hương”. Phút trang nghiêm mà tôi vẫn không thể nào quên là mấy trăm đoàn viên, thanh niên áo đỏ sao vàng, thắt khăn rằn, thành kính trước đền thờ Thổ Châu, nơi đang thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; thờ hơn 500 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta từng bị Khmer Đỏ sát hại. Rồi những "chiếc khăn rằn" ấy tham gia vệ sinh môi trường, lắp đèn đường cho nhân dân ấp Bãi Ngự, xã đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc)...

Vô thức, tôi lấy tay áp khăn rằn vào tim mình, thấy tim mình đập mạnh, nhớ lại lời của ngoại: “Quá khứ có thể xếp lại, nhưng không được quên. Không có quá khứ thì chẳng bao giờ có hiện tại và tương lai...”. Khăn rằn có một quá khứ gắn bó từ thời mở đất, từ những năm máu lửa kháng chiến và nay khăn rằn quay trở lại như là một nối kết quá khứ - hiện tại và cả hiện tại - tương lai.

Tôi bỗng nhiên thấy yêu hơn chiếc khăn rằn đang mang trên cổ, vì thấy thấp thoáng bóng ngoại, bóng mẹ và những chiếc áo mang màu cờ.

Theo báo Kiên Giang

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Diễn đàn quốc tế Trinity lần đầu tại Việt Nam sẽ hỗ trợ nhiều lĩnh vực kinh tế

Diễn đàn quốc tế Trinity lần đầu tại Việt Nam sẽ hỗ trợ nhiều lĩnh vực kinh tế

Nhiều lĩnh vực liên quan đến hàng không được kỳ vọng sẽ nhận thêm trợ lực mới thông qua diễn đàn quốc tế Trinity 2024 tại TP.HCM tháng 11 tới đây.

Những sản phẩm du lịch Hạ Long hấp dẫn dịp hè 2024

Những sản phẩm du lịch Hạ Long hấp dẫn dịp hè 2024

TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã và đang trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước mỗi mùa du lịch hè. Với mục tiêu không ngừng đổi mới, địa phương cũng đang tập trung đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động.

Tour nội địa “lép vế” tour nước ngoài dịp lễ 30/4

Tour nội địa “lép vế” tour nước ngoài dịp lễ 30/4

Nhu cầu đi du lịch lễ 30/4 năm nay tăng cao khi kỳ nghỉ kéo dài đến 5 ngày. Tuy nhiên, sức nóng lại đang dồn vào các tour du lịch nước ngoài hơn là du lịch nội địa.

Thử nấu món ăn, thức uống từ những bộ phim đình đám

Thử nấu món ăn, thức uống từ những bộ phim đình đám

Không ít lần ta đã bắt gặp những món ăn hấp dẫn trên phim ảnh, vậy thì liệu các món ăn này sẽ như thế nào khi chế biến ngoài thực tế?

Đây là những địa điểm được người Việt chọn đi chơi nhiều nhất lễ 30/4

Đây là những địa điểm được người Việt chọn đi chơi nhiều nhất lễ 30/4

Nghỉ lễ 30/4 5 ngày liên tục, người Việt chọn đi chơi ở nơi có khí hậu mát mẻ và ưu tiên du lịch biển. Dưới đây là những địa điểm được người Việt chọn đi chơi nhiều nhất dịp lễ này.

Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch

Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch

Điểm du lịch ở Thung Nham (Ninh Bình) có hàng ngàn con chim hoang dã cư ngụ, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam