Giữa “vòng xoáy” lạm phát toàn cầu, CPI 6 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ. Đây là kết quả của những nỗ lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng áp lực lạm phát những tháng cuối năm là rất lớn. Nếu không có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% như đề ra sẽ trở nên rất thách thức.
Các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022, CPI của chúng ta chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Điều gì đã kìm giữ lạm phát ở mức này, thưa bà?
Sáu tháng đầu năm 2022 CPI của tăng bình quân 2,44% so với cùng kỳ năm trước, đây là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia.
Cụ thể là lạm phát tại nhiều nước đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5/2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1%, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Tại Châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4% tương đương với Việt Nam; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.
Trong 6 tháng đầu năm, giá năng lượng trên thế giới tăng mạnh đã tác động vào giá cả hàng hóa trong nước. Cụ thể là giá xăng trong nước bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 51,83%, tác động làm CPI chung tăng tới 1,87 điểm phần trăm. Giá gas tăng tới 25,92%. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tính trong CPI tăng 7,95%. Ngoài ra, dịch Covid-19 được kiểm soát nên nhu cầu ăn uống ngoài nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí của người dân trong những tháng gần đây tăng cao cũng đã tác động tới tốc độ tăng CPI.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố làm tăng CPI cũng có những yếu tố giúp kiềm chế CPI trong 6 tháng đầu năm. Đó là giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt trong đó giá thịt lợn giảm 20,1% đã giúp kiềm chế CPI. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua các địa phương đã miễn giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch nên đã làm cho giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56%.
Đặc biệt, trước áp lực lạm phát tăng cao thì Chính phủ cũng đã kịp thời thực hiện một loạt các giải pháp giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/04/2022.
Nhờ vậy mà chúng ta đã kiểm soát được lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%.
Với đà tăng giá xăng dầu như vừa qua, bà đánh giá như thế nào về áp lực lạm phát những tháng cuối năm 2022?
Tôi cho rằng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn. Theo đó, một số yếu tố có thể khiến CPI tăng cao trong các tháng cuối năm.
Thứ nhất, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế.
Đặc biệt là giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như xăng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải.
Mà hiện nay giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore chiếm khoảng 70% giá cơ sở đối với xăng và khoảng 80% giá cơ sở đối với dầu cho nên việc giá thế giới tăng cao có tác động rất mạnh tới giá trong nước.
Theo tính toán của chúng tôi thì giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.
Chúng ta có lợi thế là chủ động được về nguồn lương thực, thực phẩm ở trong nước, tuy nhiên chúng ta cũng sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng khi mà thế giới đang có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Mà nhóm hàng lương thực, thực phẩm có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong đó nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại, chỉ số giá nhóm thịt lợn tháng 6/2022 tăng 0,87% so với tháng trước và kéo theo giá các hàng hóa chế biến từ thịt lợn cũng tăng theo.
Thứ ba, kinh tế trong nước của chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét và cùng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm, khi đó cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
Thứ tư, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước cũng sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là việc áp dụng Khung học phí các cấp học của công lập theo Nghị định 81.
Ngoài ra, từ 1/7/2022, việc tăng lương cũng sẽ có tác động làm tăng CPI. Tuy nhiên, đối với việc tăng lương là cần thiết ở thời điểm này, việc tăng lương sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp cơ cấu lại chi phí và là động lực để người lao động làm việc tốt hơn, nâng cao năng suất lao động, qua đó cũng sẽ bù đắp lại chi phí tăng lương của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, mà chúng tôi cũng đánh giá việc đạt được 4% theo mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đề ra trong năm nay là một thách thức rất lớn.
Với những áp lực như vừa nêu, theo bà, đâu sẽ là giải pháp để có thể kiểm soát được lạm phát trong năm nay?
Theo tôi, đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao.
Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chú trọng công tác bảo đảm nguồn cung, nhất là giai đoạn cuối năm. Bộ Công Thương và các địa phương phải tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường nhằm ổn định giá của mặt hàng này.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81 và giá dịch vụ y tế theo lộ trình để điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, tôi cho rằng không nên điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng. Và khi điều chỉnh học phí cần điều chỉnh giãn ra giữa các địa phương để tránh tạo áp lực cao lên lạm phát.
Đặc biệt, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Ông Đường 'Bia' thừa nhận làm nhà ở thương mại là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn, không dành cho các doanh nghiệp nhỏ.
Theo luật, một doanh nghiệp nợ tiền thuê đất quá thời hạn thì cơ quan chức năng sẽ phong tỏa tài khoản ngân hàng, cưỡng chế tiền thuế. Tiếp sau, biện pháp mạnh hơn nữa được áp dụng là thu hồi đất. Như vậy, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có bị bức tử?
Hiện nay, hơn 100.000 USD, một số tiền rất lớn, mới có thể mua được 1 Bitcoin. Diễn biến giá gần đây của Bitcoin có thể là một cơn sốt đầu cơ trong đó đồng tiền điện tử này có nguy cơ trở thành bong bóng. Giá Bitcoin nay đã tăng khoảng 1.000% so với đầu năm 2019.
Manchester City đã thua 5 trận liên tiếp trên các đấu trường từ trong nước ra châu Âu. Tưởng như họ rũ được vận rủi khi dẫn trước Feyenoord 3-0 ở trận Champions League đêm qua. Nhưng 3 bàn gỡ của Feyenoord từ phút 75 đến phút 89 đưa tỉ số về 3-3.
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.