Thứ sáu, 22/11/2024

Bình ổn thị trường trong bối cảnh mới

05/04/2022 11:05 AM (GMT+7)

Các doanh nghiệp kỳ vọng cơ quan chức năng làm tốt hơn nữa việc kết nối, dẫn dắt, hỗ trợ cùng tạo đột phá cho chương trình bình ổn thị trường năm 2022

Chiều 4-4, Sở Công Thương TP HCM có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) để triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2022 trên địa bàn thành phố, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung vào 5 nhóm hàng chủ lực: lương thực thực phẩm thiết yếu, sữa, dược phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng và các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch.

Thêm nhiều DN tham gia

Tổng cộng có 69 DN sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình bình ổn thị trường TP HCM năm nay, trong đó một số đơn vị lớn lần đầu tham gia như Cholimex, TH True Milk, MM Mega Market, Cental Retail... Ông Võ Lê Bích Đồng - Phó Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương - cho biết trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu toàn cầu biến động phức tạp, để giảm thiểu rủi ro và tăng năng lực cung ứng, bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương cùng các sở, ngành đã tiếp tục rà soát, tìm kiếm các nhà cung ứng mới và vận động họ tham gia chương trình. Kết quả, có 39 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng 4 DN so với năm 2021. Lượng hàng đăng ký cũng tăng mạnh, như: gạo tăng 27%, đường 56%, dầu ăn 101%, thịt gia cầm 2%, trứng gia cầm 6%, thực phẩm chế biến 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở… ) tăng gấp 8 lần.

"Điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế.

Trong đó, DN cung ứng tập trung bảo đảm hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu…; DN phân phối tập trung bảo đảm mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường; đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics..." - ông Đồng trình bày.

Bình ổn thị trường trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Trứng gia cầm là một trong 2 mặt hàng trong chương trình bình ổn được tăng giá từ đầu tháng 4 Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng theo ông Đồng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai kết nối cung - cầu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của DN, khuyến khích các DN sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu thị trường...; năm nay, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Sở Công Thương xác định trọng tâm là phải bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối...

"Giải pháp cấp bách là đôn đốc các DN trong chương trình xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ... đúng tiến độ, kế hoạch của UBND thành phố, bảo đảm sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động DN chiết khấu, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng; đặc biệt đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác" - ông Đồng nói.

Chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng

Về giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường, ông Nguyễn Văn Cảnh, Phòng Quản lý giá - Sở Tài chính, cho biết mặc dù có rất nhiều yếu tố đầu vào tác động giá cả hàng hóa trên thị trường, một số mặt hàng tham gia chương trình đã đủ điều kiện điều chỉnh giá. Tuy nhiên, để ủng hộ, chia sẻ cùng thành phố, đa số các DN cố gắng giữ giá.

"Cuối tháng 3, Sở Tài chính đã làm việc với các DN để xác định giá bán trong chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và thống nhất chỉ điều chỉnh tăng giá 2 mặt hàng là trứng gia cầm (tăng 5%-6%) và thịt gia cầm (tăng 7%-14%), còn lại các mặt hàng giữ nguyên hoặc giảm giá so với năm 2021. Đáng chú ý, Công ty CP Sữa Vinamilk đề xuất tăng giá nhưng sau khi làm việc đã đồng ý giữ ổn định giá để thực hiện nhiệm vụ bình ổn" - ông Cảnh thông tin.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện một số DN cam kết cung ứng đủ sản lượng hàng hóa với chất lượng bảo đảm theo như đăng ký, tạm thời không đặt nặng việc kiếm lợi nhuận mà đồng lòng với thành phố chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market kỳ vọng chương trình sẽ tạo đột phá trong tương lai nếu huy động được thêm nhiều nhà cung cấp, nhà phân phối tham gia và tất cả các thành viên đồng lòng hướng về lợi ích chung.

Ông Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm thành phố, thông tin ngoài những mặt hàng trong chương trình bình ổn được bán theo giá thống nhất của chương trình, trong bối cảnh hiện nay, các DN lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố đang cố gắng giữ giá nhiều mặt hàng khác, trường hợp buộc phải tăng giá chỉ điều chỉnh trong giới hạn mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được. "Các DN chấp nhận hạ mức lợi nhuận xuống tối thiểu, có thể là hòa vốn để chia sẻ với người tiêu dùng" - ông Dũng phản ánh.

Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm thành phố cũng đề xuất thành lập CLB DN bình ổn thị trường. "Trong CLB này, một số DN có thể cung cấp sản phẩm cho nhau, DN phân phối có thể giảm chiết khấu 1%-2% cho DN cung cấp và tăng cường truyền thông cho nhau" - ông Dũng nêu đề xuất. Ông cũng bày tỏ mong muốn chương trình tăng cường truyền thông, hỗ trợ DN kết nối với ngân hàng vay vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm gia tăng năng lực, hiệu quả sản xuất.

Giảm bớt khâu trung gian

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận năm 2021, các DN bình ổn thị trường thành phố đã chịu áp lực lớn khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh làm chuỗi cung ứng đứt gãy. Dịch bệnh cũng làm bộc lộ những vấn đề trong hợp tác thương mại, kết nối vùng nguyên liệu - thị trường tiêu thụ giữa TP HCM và các tỉnh, thành. Để hỗ trợ tốt hơn cho DN, ngành công thương thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp bền vững như tạo điều kiện thuận lợi để các DN thành phố đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu tại TP HCM và các tỉnh, thành; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; điều phối nông sản khu vực phía Nam; đẩy mạnh kết nối, tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối thành phố.

Cũng trong năm nay, Sở Công Thương sẽ kết nối cho DN sản xuất, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử thành phố tăng cường hợp tác với các trang trại, nhà vườn, nông dân để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng và ổn định. Tăng cường phối hợp, liên kết chặt chẽ trong phát triển hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất, kinh doanh và liên kết bình ổn thị trường, phát triển thị trường... nhằm phát huy được lợi thế của từng địa phương.

Theo Người Lao Động

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tỷ giá thế nào sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tỷ giá thế nào sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.

Thị trường rung lắc theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Thị trường rung lắc theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.

CEO nhảy nhót thì có gì hay?

CEO nhảy nhót thì có gì hay?

Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt

Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?

Giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, các chuyên gia đều đồng thuận dự báo một kịch bản

Giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, các chuyên gia đều đồng thuận dự báo một kịch bản

Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?

Nghĩ từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Nghĩ từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Cuộc thi gameshow kiến thức học sinh Olympia năm 2024, nam sinh người Huế bấm được nút giành quyền trả lời câu hỏi; chưa trả lời thì bạn đã la hét hò reo, lăn ra sàn ăn mừng chiến thắng. Dư luận có người khen nhưng cũng có người nghĩ khác.