Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Diễn đàn ‘Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp’ do Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội tối 14/2. Ảnh: T.Q
Nông sản Việt vẫn cứ phải vật lộn trên thị trường quốc tế
Mở đầu phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan dẫn tựa một quyển sách của Hàn Quốc: "Thế giới quả là rộng lớn, chúng ta còn nhiều việc phải làm" và cho biết, toàn ngành nông nghiệp chỉ có hơn 1.000 người, lâu lâu có chuyến đi nước ngoài như là cưỡi ngựa xem hoa. Còn tất cả kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, có thể tường tận hơn văn hóa, lịch sử, tập tục, nhu cầu, yêu cầu, quy chuẩn của các nước sở tại.
Chúng ta phải bán những thứ thế giới cần chứ không phải bán những thứ chúng ta có. Và thế giới cần những gì, như thế nào, những con người của Bộ NNPTNT sẽ không thể biết nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng kiều bào khắp nơi trên thế giới.
“Tình yêu nước đơn giản lắm. Mỗi người ăn một nông sản, bán được một nông sản của bà con nông dân là chúng ta đã yêu quê hương, yêu nước rồi! Việc bà con kiều bào đem ý tưởng từ những nước đã có nền nông nghiệp hiện đại về Việt Nam, cho dù chỉ là một sáng kiến nhỏ, cũng thể hiện lòng yêu nước”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT xúc động chia sẻ.
Dưới cương vị là người đứng đầu ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tự cảm thấy trách nhiệm lớn lao là cần phải kết nối những tinh hoa, những nguồn lực của bà con kiều bào. Bộ trưởng chia sẻ, bà con kiều bào không chỉ có “lực” mà còn có “tâm”. Cái tâm đó có thêm nguồn lực và nguồn lực xuất phát từ cái tâm. Tâm của mỗi người Việt xa xứ.
Bộ trưởng cũng thể hiện nỗi đau đáu khi nông sản Việt vẫn cứ phải vật lộn trên thị trường quốc tế trong khi những sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel “đàng hoàng, chễm chệ” trên quầy siêu thị trên thế giới.
“Tôi mong muốn rằng bà con Việt kiều cho dù đang ở đâu trên thế giới cũng mang tâm thức chúng ta là con một nhà. Một khi chúng ta có được tâm thế, cảm xúc đó, không gì là chúng ta không vượt qua được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Qua những ý kiến đóng góp, chia sẻ, Bộ trưởng cho rằng chúng ta cần làm một điều gì đó mới mẻ, mạnh mẽ hơn; cần nhanh chóng tích hợp những ý kiến tâm huyết của cộng đồng kiều bào tại diễn đàn; đồng thời cần phải có những tư duy mới của những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại bằng việc kết hợp sự thay đổi trong nước với tâm huyết, khát vọng của bà con kiều bào.
Diễn đàn có sự tham gia của trên 300 kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: T.Q
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệp
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) vui mừng khi được chứng kiến nhiều hoạt động đóng góp thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, ông Hiệu nói.
Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước.
Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.
Bởi lẽ đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu tin rằng, với quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan trong nước, mà tiên phong là Bộ NNPTNT, cùng kinh nghiệm, nguồn lực và sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công mới.
Theo ông Hiệu, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ NNPTNT, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới; phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm.
Đồng thời, bộ sẽ tích cực cung cấp thông tin, tăng cường tuyên truyền để phổ biến và tận dụng các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.
“Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số, thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, để ngành nông nghiệp sớm bắt kịp các xu thế chung về phát triển bền vững và thích ứng lâu dài với đại dịch”, ông Phạm Quang Hiệu chia sẻ.
Với việc phát triển ồ ạt sầu riêng, chanh dây… như hiện nay, rất có thể vài ba năm tới tình trạng cung vượt cầu lại xảy ra và phải giải cứu.
Thuê nhà sẽ là lựa chọn tốt hơn nếu bạn muốn sống ở thành phố lớn và chưa có quỹ khẩn cấp.
Thị trường đã có động thái mới sau Nghị định 08, Nghị quyết 33 và biện pháp hạ nhiệt lãi suất từ NHNN, tuy nhiên vẫn cần thời gian để những nỗ lực này thực sự có tác động rõ rệt.
ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, để tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này, đòi hỏi DN Việt phải tận dụng tốt ưu đãi hiệp định thương mại tự do cũng như nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Qua số năm sử dụng, sứ mệnh phục vụ con người của chúng lập tức "biến hình" trở thành mối đe dọa với bất cứ sự chủ quan, bình chân như vại, dùng dằng muốn tận dụng nào.
Từ vụ người giúp việc được thuê qua mạng lấy cắp tài sản của chủ nhà ở Huế, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi thực hiện các giao dịch trên mạng xã hội.