Thứ bảy, 20/04/2024

Cạnh tranh nội vùng trong thu hút đầu tư

12/06/2022 1:00 PM (GMT+7)

Hiện nay, Đông Nam bộ vẫn là khu vực thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình mời gọi DN đầu tư giữa các tỉnh, thành trong vùng có sự cạnh tranh gay gắt.


Cạnh tranh nội vùng trong thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam trong chuyến dẫn các doanh nghiệp đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư. Ảnh: H.Giang

Theo các chuyên gia kinh tế, Đông Nam bộ vẫn đang trên đà phục hồi kinh tế khá tốt. Trong đó, tứ giác kinh tế gồm TP.HCM và 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang thuộc nhóm dẫn đầu. Trong 5 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá. Tuy nhiên, về thu hút đầu tư, lại đang có sự chênh lệch khá lớn với nguyên nhân chủ yếu liên quan đến đất đai, giá đất, chính sách.

* Bình Dương dẫn đầu thu hút FDI

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam thu hút FDI được hơn 11,7 tỷ USD, bằng gần 84% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn của các DN FDI đa số đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI với 2,52 tỷ USD, chiếm 21,5% trong tổng vốn đăng ký và tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. TP.HCM xếp thứ ba với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD; Đồng Nai gần 290 triệu USD. Đồng Nai là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng trong thu hút đầu tư FDI và thu hút đầu tư trong nước từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với Bình Dương.


Theo PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, công nghiệp của Đồng Nai phát triển sớm hơn nhiều so với cả nước nhưng không nên quá “say sưa” với điều này mà bỏ qua áp lực phải đổi mới, vươn tầm. Đến nay, Đồng Nai đã thành lập và phát triển 32 KCN nhưng “đẳng cấp” của nhiều KCN chưa cao. Đồng Nai đi đầu trong việc phát triển các KCN thì các tỉnh đi sau khó đuổi kịp, nhưng hiện nay nhiều tỉnh, thành lại vượt xa. Đây là bài học kinh nghiệm cho tỉnh để có định hướng phát triển kinh tế cho phù hợp trong thời gian tới để không bị chậm lại.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết: “Thu hút đầu tư FDI vào các KCN trên địa bàn Đồng Nai trong 5 tháng đầu năm thấp là do Đồng Nai không còn diện tích đất công nghiệp lớn để cho các DN FDI thuê làm nhà xưởng sản xuất. Nhiều DN FDI trước khi đến Bình Dương đầu tư đã từng đến Đồng Nai, dự tính sẽ triển khai dự án, nhưng vì không chờ đợi được đến khi có mặt bằng đã chuyển dự án qua Bình Dương hoặc các tỉnh lân cận”.

Thiếu đất công nghiệp với diện tích từ 10-100ha để cho DN thuê nên Đồng Nai đã bỏ lỡ nhiều dự án FDI có công nghệ hiện đại và vốn lớn. Trong khi tại các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, quỹ đất dành cho công nghiệp với diện tích lớn đã có sẵn, thủ tục cấp phép nhanh gọn, DN đăng ký dự án có thể triển khai ngay.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay: “Trước khi đầu tư vào Bình Dương, Tập đoàn Lego đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư của Đồng Nai nhưng vì không tìm được diện tích đất lớn trong KCN để thuê nên đã dời đi. Sau đó, Tập đoàn Lego đã chọn đầu tư vào Bình Dương với dự án hơn 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, nhiều DN FDI khác cũng vì không tìm được quỹ đất công nghiệp lớn tại Đồng Nai đã dời dự án đến những nơi khác”.

Vào đầu năm 2022, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) dự tính thuê đất KCN Công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành) để xây dựng nhà máy sản xuất trang sức nhưng KCN chưa có mặt bằng để giao nên DN đã chuyển đến Bình Dương.

* Cần giải pháp tăng sức cạnh tranh

Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tây Ninh… hiện đều chú trọng trong phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và thường xuyên có những đợt xúc tiến đầu tư để mời gọi DN FDI và DN có vốn đầu tư trong nước. Do đó, các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ có sự cạnh tranh gay gắt, nếu địa phương nào chuẩn bị tốt các điều kiện, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư sẽ thu hút được dòng vốn lớn.

Cạnh tranh nội vùng trong thu hút đầu tư - Ảnh 3.

Công ty TNHH Frowo Việt Nam (100% vốn của Đức) đầu tư nhiều nhà máy sản xuất trong Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Frowo Việt Nam trong giờ làm việc

Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM Kang Myongil cho rằng, Đồng Nai có nhiều lợi thế để DN Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics. Tuy nhiên, muốn đón nhận được dòng vốn FDI nhiều hơn nữa, tỉnh nên mở rộng nhanh quỹ đất công nghiệp, có sẵn mặt bằng cho DN thuê. Đồng thời, trên các lĩnh vực khác, tỉnh tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư giới thiệu kỹ cho DN biết, hiểu rõ tiềm năng của từng lĩnh vực như vậy họ sẽ đăng ký thực hiện dự án mới và liên kết đầu tư nhiều hơn. Ngoài ra, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cũng sẽ giúp cho DN FDI tăng nhanh đầu tư vào tỉnh. Dự án triển khai nhanh, sớm hoàn thành đưa vào hoạt động cả DN lẫn tỉnh đều có lợi.

Đồng Nai đi trước nhiều tỉnh trong vùng Đông Nam bộ về phát triển công nghiệp nhưng lại đang có dấu hiệu chậm lại so với tỉnh lân cận như Bình Dương. Cụ thể, trong thu hút vốn FDI, vốn đầu tư trong nước vào các KCN của Đồng Nai, xuất khẩu, xuất siêu những năm gần đây đều thấp hơn Bình Dương, dù Đồng Nai có nhiều lợi thế về giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt. Đơn cử như năm 2021, Bình Dương thu hút đầu tư FDI được gần 2,1 tỷ USD, Đồng Nai 1,4 tỷ USD. Trước đó, năm 2020, Bình Dương thu hút FDI được 1,85 tỷ USD, cao hơn Đồng Nai gần 400 triệu USD. Năm 2021, Bình Dương xuất siêu 7 tỷ USD, còn Đồng Nai 3,2 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, Bình Dương xuất siêu 5,2 tỷ USD, Đồng Nai 2,9 tỷ USD.

Ngoài lĩnh vực công nghiệp, các lĩnh vực khác như: thương mại dịch vụ, logistics, du lịch của Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa thu hút được những DN có vốn đầu tư trong nước và vốn FDI vào triển khai các dự án lớn để phát triển kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo nhiều DN thì gần 2 năm nay, các dự án triển khai rất chậm vì vướng các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Vẫn đang xây dựng lộ trình để tái cơ cấu Ngân hàng SCB

Vẫn đang xây dựng lộ trình để tái cơ cấu Ngân hàng SCB

Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu SCB từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động.

Cổ phiếu tăng phi mã, tài sản của gia đình Cường Đô La tăng gần 1.360 tỷ đồng sau 1 tháng

Cổ phiếu tăng phi mã, tài sản của gia đình Cường Đô La tăng gần 1.360 tỷ đồng sau 1 tháng

Cổ phiếu QCG đã tăng phi mã tới 89%, từ mức 9.160 đồng/CP lên tới 17.350 đồng/CP. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, tài sản của gia đình Cường Đô La đã tăng gần 1.360 tỷ đồng, lên hơn 2.880 tỷ đồng.

Lực bán giải chấp của công ty chứng khoán xuất hiện, VN-Index giảm tới hơn 23 điểm

Lực bán giải chấp của công ty chứng khoán xuất hiện, VN-Index giảm tới hơn 23 điểm

Sát giờ nghỉ trưa, VN-Index có thời điểm giảm sâu tới hơn 23 điểm khi lực bán giải chấp của công ty chứng khoán xuất hiện.

Quý đầu năm, kiều hối về TP.HCM hơn 2,8 tỷ USD

Quý đầu năm, kiều hối về TP.HCM hơn 2,8 tỷ USD

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của kiều hối trong 3 năm gần đây.

Giá vàng bật tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ, vượt 84 triệu đồng/lượng

Giá vàng bật tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ, vượt 84 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay (19/4) đã đảo chiều tăng trở lại do lo ngại rủi ro địa chính trị, nhà đầu tư cũng tăng nhu cầu trú ẩn với vàng.

Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (19/4): Vì sao cổ phiếu "quốc dân" HPG có tiềm năng tăng giá tới 21%?

Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (19/4): Vì sao cổ phiếu "quốc dân" HPG có tiềm năng tăng giá tới 21%?

Ngành thép kỳ vọng đi vào hồi phục từ năm 2024 nhờ sự ấm dần lên của ngành bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công. Từ đó, SHS đặt giá mục tiêu của HPG là 34.300 đồng trong vòng 12 tháng tới, tiềm năng tăng giá 21% (giá hiện tại của cổ phiếu này là 28.000 đồng).