Từ sáng sớm, đã có nhiều người đến mua vé tham dự chương trình. Giá vé hết sức phải chăng, chỉ 10.000 đồng/vé, bao gồm thưởng thức một bát phở tại sự kiện. Số tiền bán vé sẽ được ban tổ chức đóng góp làm từ thiện.
Với vị trí đắc địa, thời gian phù hợp, chương trình quy mô, giá cả hữu nghị, quảng bá rộng rãi... đã thu hút khá nhiều người dân đến tham dự. Nội dung chính của chương trình tất nhiên là phở, nhưng bên cạnh đó còn có các hoạt động khác như thi nấu phở, trao giải những bài viết hay về phở, cùng một số trò chơi dân gian. Công tác an ninh, rà soát đề phòng covid được tiến hành gắt gao, nghiêm túc, mọi người tham dự phải có "thẻ xanh" và khai báo y tế...
Nhưng có điều vẫn còn thiếu rõ ràng. Theo chương trình báo rằng 9h sáng bắt đầu khai mạc, nên nhiều người đã "me từ bến xe" để vào tham gia, nhưng đến nơi mới té ngửa ra rằng 9h chỉ dành cho thành phần khách mời, còn quần chúng phải đợi tí, cho bên trong phát biểu – trao giải... này nọ xong xuôi đã. Đến lúc 10h hơn, mới cho khách vãng lai vào, nhưng nội dung chính - ăn phở - vẫn chưa thấy đâu.
Ối giời ơi, dân Việt Nam phải "có thực mới vực được đạo", chưa được ăn mà bắt phải nghe thế này có tội cho ông thần khẩu không chứ. Mà tầm 10h hơn mới được ăn phở, phở cũng kém ngon đi. Bởi với người Việt, phở thường phải ăn tầm sáng hoặc tối hoặc khuya, hiếm ai ăn phở trưa lắm. Vì phở mà ăn buổi trưa, tức chỉ có phở bán từ sáng còn ế, chỉ có hàng nào dở lắm đến trưa mới còn phở. Thành thử bữa gala này có thể được xem như đã lập kỷ lục Việt Nam vì có nhiều người cùng ăn phở buổi trưa nhất xưa nay.
Anh Minh Hoàng (Gò Vấp), một tín đồ ghiền phở từ nhỏ, mỗi tuần ăn ít nhất 5 tô phở, khi được hỏi về cảm xúc khi tham dự sự kiện này, cho rằng:
- Chẳng biết vô tình hay hữu ý, cách bán phở ở đây đã gợi nhớ cho tôi về một thời ăn phở đã đi vào dĩ vãng: phở mậu dịch. Mỗi người sau khi đã mua vé, được phát một phiếu ăn phở, cầm phiếu ấy đến đúng hàng bản thân muốn ăn, bê tô phở, lấy muỗng đũa, tự nêm thêm chanh ớt, rau giá, hành ngò, tự đem ra bàn ngồi ăn. Giống y chang cách ăn phở thời bao cấp trước kia. Đúng là tham dự sự kiện này khiến những người hoài cổ như chúng tôi xiết bao bồi hồi. Và trên thực tế, món ăn ngon không thôi chưa đủ, nếu ngon mà còn gợi nhớ được những ký ức – kỷ niệm thì càng đáng trân quý.
Còn chị Huỳnh Nghi (Tân Bình), cho rằng:
- Dạ em xưa nay cũng thích ăn phở, nên khi có sự kiện này cũng đến đây ngay. Em bất ngờ nhất là có món phở ăn kèm nem nướng. Sự kết hợp này quả thực khá lạ lùng.
Các cụ cuồng phở Hà Nội đến mức nghiêm ngặt, bảo thủ như Vũ Bằng, Nguyễn Tuân... mà còn sống, mà nghe có phở nem nướng chắc phải giãy đành đạch, bài xích đến cùng mới thôi vì món biến tấu này. Nhưng thử hỏi, không có các tìm tòi, biến tấu... liệu phở có bay cao bay xa như ngày nay chăng? Chưa kể, ngoài phở nem nướng, trên thực tế còn đủ món phở kỳ lạ khác so với món phở Hà Nội mà các cụ tôn sùng: phở khô Gia Lai, phở vịt quay Lạng Sơn, phở trâu Long An, phở chó Phú Thọ...
Nhân tiện, nhắc các loại phở trên, cũng khá đáng tiếc, khi trong các gian hàng phở hôm 12/12 này, không hề có đại diện nào đến từ "kinh đô phở Hà Nội". Không rõ vì lý do gì mà thiếu những cái tên đình đám trong làng phở Hà Nội như phở Thìn Lò Đúc, phở Lý Quốc Sư, phở Bát Đàn, phở Cồ Cử... À nhác thấy cũng có hàng phở Phú Gia đấy, nhưng Phú Gia là phở Hà Nội lên đường Nam tiến, đã có mặt tại Sài Gòn từ hơn 30 năm nay. "Hà Nội rặt" không có một hàng nào cả. Ngày của phở mà thiếu phở Hà Nội, giống như World Cup mà không có đội Brasil, hay tranh giải Quả bóng vàng mà vắng mặt Ronaldo – Messi vậy.
Nhiều người từng bảo "phở là tinh hoa ẩm thực Việt Nam". Phở mới là "thực" thôi, còn "ẩm" ra sao? Ăn phở phải uống gì mới đúng bài? Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng Bộ môn Du lịch, Đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng:
- Thực ra phở kết hợp được ngũ vị cơ bản của vị giác. Tùy mỗi vùng miền sẽ có cách gia giảm khác nhau. Với ẩm thực, sau khi dùng bữa, nếu có thức uống thích hợp sẽ tôn lên cái hậu của món ăn. Ông bà ta ngày xưa có thói quen uống nước chè, đặc biệt là chè xanh, sau khi ăn phở. Ngày hôm nay, cùng với sự phát triển của xã hội, không còn dừng lại ở nước vối hay nước chè, đã có thêm nhiều loại trà khác như trà hương hay trà mộc. Chính cái vị đắng của trà khi kết hợp với phở khiến cho cái hậu của phở đậm đà hơn, giống như âm với dương kết hợp. Ngày hôm nay, có lẽ còn thiếu một quầy trà đẳng cấp. Tôi cũng mong trong tương lai, nếu "Ngày của Phở" được kết hợp thêm với cả trà, sẽ hết sức thú vị, vì đấy là một sự kết hợp khá hoàn hảo.
Cũng rất mong ý kiến của Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín đã chia sẻ sẽ được ghi nhận. Phở Việt – Trà Việt, kết hợp vậy ai mà chơi lại. Và tất cả sẽ cùng ngóng chờ "Ngày của phở" vào năm 2022 với các thành phần tham dự đông đảo và đa dạng hơn.
Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.
Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.
Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.
Vượt qua 4 ứng viên sáng giá trong Top 5, mỹ nhân tóc vàng Đan Mạch Victoria Kjær Theilvig đã xuất sắc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe 2024.
Mỗi huyện trên địa bàn TP.HCM sẽ có ít nhất 1 sản phẩm du lịch nông thôn, nông nghiệp theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Tại bờ sông Cái Lớn, huyện Gò Quao, Sở Văn hoá, thể thao tỉnh Kiên Giang đã khai mạc lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang vào ngày 15/11.